"Bệnh lạ": Kết luận của Bộ Y tế cũng… lạ

Bộ Y tế vừa có công điện gửi chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi thông báo các trường hợp bệnh “lạ” tại tỉnh này là do nhiễm độc tố vi nấm, trong đó chủ yếu là aflatoxin. Nguyên nhân xuất phát từ ăn gạo cũ bị mốc.

Trước đó, ngay tại tại vùng bệnh “lạ” huyện Ba Tơ (Quảng Ngãi), tiến sỹ Phan Trọng Lân, Phó Cục trưởng Cục y tế dự phòng Bộ Y tế cũng phát đi nhận định tương tự, song người dân vùng bệnh “lạ” và kể cả lãnh đạo địa phương đều có phản ứng bất đồng với nhận định này…

Bao đời ăn gạo ủ

Ông Phạm Văn Néo, Phó chủ tịch UBND huyện Ba Tơ không khỏi bất ngờ và không đồng tình với nhận định của Bộ Y tế khi cho rằng gạo của người dân địa phương tự sản xuất được, sử dụng ăn từ bao đời nay là căn nguyên gây ra bệnh “lạ” kỳ quái.

“Nếu quả thật ăn gạo này mà bị bệnh thì đã bị từ nhiều đời trước chứ cớ sao bây giờ mới có bệnh? Nên đặt vấn đề nghi vấn liên quan đến các yếu tố khác chứ đừng nên đổ hết nguyên nhân gây bệnh “lạ” là do ăn gạo cũ. Nhiều xã, huyện khác cũng có bệnh “lạ”, vậy phải kiểm tra hết tất cả các nơi này để cho đánh giá cuối cùng về gạo này như thế nào. Thậm chí phải kiểm tra các xã không bị bệnh “lạ” của một huyện miền núi nào đó vì họ cũng ăn gạo giống như người dân Ba Điền nhưng sao không mắc bệnh “lạ”?," ông Néo đặt vấn đề.

"Bệnh lạ": Kết luận của Bộ Y tế cũng… lạ - 1

Loại gạo của người dân vùng bệnh “lạ” sử dụng lâu đời

Ở huyện Ba Tơ, hầu như ở đâu, người dân đồng bào dân tộc thiểu số cũng đều có thói quen ăn gạo ủ. Sau khi thu hoạch lúa về, thay vì đem phơi khô, nhiều hộ dân ủ trong bao, trong thùng rồi ăn dần. “Từ đời ông, đời cha trước đây đã ăn gạo này. Hồi trước ăn hoài sao không bị bệnh, giờ vẫn ăn gạo như thế sao lại mắc bệnh “lạ” như vầy”, ông Phạm Văn Tâm, người dân huyện Ba Tơ hoài nghi.

PGS.TS Phạm Duệ, Phó giám đốc Bệnh viện Bạch Mai nhận định: Hiện chưa thể tìm ra nghi can nào ngoài độc chất Aflatoxin có trong gạo mốc. Tuy nhiên, độc chất này không chỉ có trong gạo mốc mà còn có trong các loại ngũ cốc như ngô, khoai, sắn. Do đó, người dân cần cẩn trọng trong việc sử dụng các loại thực phẩm trong sinh hoạt hằng ngày.

"Bệnh lạ": Kết luận của Bộ Y tế cũng… lạ - 2

Ngành y tế nghi ngờ chính loại gạo dân ăn chứa tiết tố Aflatoxin gây bệnh “lạ”

"Bệnh lạ": Kết luận của Bộ Y tế cũng… lạ - 3

Dân lại nói: ăn gạo ủ, gạo mốc gây bệnh “lạ” thì là… lạ!

“Tuy nhiên, cũng không thể hoàn toàn đổ cho độc chất trong gạo mốc. Hội chứng viêm da rất có thể do tác động của một số tác nhân tổng hợp, trong đó có Aflatoxin. Các yếu tố về tình trạng dinh dưỡng, thời tiết, bệnh phát triển theo chu kỳ… cũng là một trong những đặc điểm liên quan đến bệnh”, PGS.TS Phạm Duệ nói.

Loay hoay với căn nguyên

Sau thời gian dài tìm đủ cách để “giải mã” cho kỳ được bệnh “lạ”, Bộ Y tế đã đưa ra hàng loạt những nhận định về căn nguyên của bệnh nhưng chưa gút được đâu là nguyên nhân trực tiếp. Nào là bệnh “lạ” do viêm da tiếp xúc do nhiễm độc, bệnh sốt mò do Ricketsia, bệnh viêm gan siêu vi E; thiếu dinh dưỡng,…

"Bệnh lạ": Kết luận của Bộ Y tế cũng… lạ - 4

Dân vùng bệnh “lạ” khổ sở, ám ảnh bởi bệnh “lạ” trút xuống làng

Năm 2012 là thời điểm bệnh “lạ” trở nên nóng nhất, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đích thân về Quảng Ngãi thị sát bệnh lạ và ngành y lại có thêm suy đoán mới rằng ăn gạo mốc là một trong những yếu tố đáng ngờ gây ra bệnh “lạ” với dẫn chứng phát hiện tiết tố Aflatoxin trong lúa thóc ủ của người dân vùng bệnh “lạ” tăng gấp 5, 6 lần so với mức bình thường, có thể là một trong những căn nguyên bởi, tiết tố này có khả năng gây ảnh hưởng gan, xơ gan và ung thư gan. Với những loay hoay tìm căn nguyên như thế, kết quả cuối cùng cho đến thời điểm này vẫn chỉ dừng lại ở một “nhận định”: gạo ủ, gạo mốc dân ăn nên sinh bệnh!

"Bệnh lạ": Kết luận của Bộ Y tế cũng… lạ - 5

Ngành y tế lấy máu người dân để xét nghiệm, tìm căn nguyên bệnh “lạ” nhưng hai năm nay bệnh “lạ”… vẫn còn lạ.

Với nghi can số một là gạo, Bộ Y tế đã ra công điện đề nghị UBND tỉnh Quảng Ngãi hướng dẫn cho người dân sử dụng gạo không bị mốc, trong trường hợp cần thiết phải thay thế gạo mới cho người dân để tránh để tránh bị mắc và tái mắc bệnh, chỉ đạo kiểm tra giám sát việc sử dụng gạo của người dân. Bộ Y tế cũng yêu cầu UBND tỉnh chỉ đạo ngành y tế địa phương cấp vitamin, các loại thuốc bổ gan và nâng cao thể trạng cho toàn bộ người dân sống trong vùng có nguy cơ, kịp thời phát hiện và điều trị các trường hợp mắc bệnh; tăng cường tuyên truyền để người dân yên tâm; chỉ đạo làm tốt công tác vệ sinh môi trường, cải thiện điều kiện sống cho người dân vùng bệnh “lạ”.

Với cách xử trí bệnh “lạ” của Bộ Y tế như hiện nay thì vẫn chưa có gì làm cho người dân yên tâm khi mà bệnh này đang trỗi dậy và đã có 16 người “dính” bệnh kể từ cuối tháng 2 đến nay.

Và lần này, khi Bộ Y tế đưa ra nhận định ăn gạo ủ, gạo mốc gây bệnh “lạ” thì dân vùng bệnh “lạ” lại nói ngược: ăn gạo ủ, gạo mốc gây bệnh “lạ” mới là… lạ!

Cấp 1.000 tấn gạo cho dân vùng bệnh “lạ”

Ngày 16/3, UBND tỉnh Quảng Ngãi tổ chức cuộc họp với các ngành chức năng và lãnh đạo 2 huyện Ba Tơ, Sơn Hà về tình hình bệnh “lạ”. Sau gần 8 tháng không ghi nhận mắc mới và tái phát, từ ngày 28/2 đến nay, bệnh “lạ” tái phát trên địa bàn huyện Ba Tơ với 14 trường hợp mắc, trong đó có 6 ca tái phát và 8 ca mắc mới. Tại huyện Sơn Hà, vào ngày 15/2 đã phát hiện 2 người dân tại xã Sơn Ba cũng bị triệu chứng tương tự như bệnh “lạ” Ba Tơ.

Phát biểu tại cuộc họp, lãnh đạo huyện Ba Tơ cho rằng, việc Bộ Y tế nhận định về hội chứng viêm da là do nhiễm độc tố vi nấm, trong đó chủ yếu là Aflatoxin do ăn gạo cũ, gạo mốc chưa sát với thực tế, người dân còn băn khoăn, chưa đồng thuận. Do vậy rất khó khăn trong công tác tuyên truyền, ngăn chặn bệnh. Lãnh đạo các địa phương đề nghị cần có những nghiên cứu đầy đủ, thực tế và kết luận chính xác nguyên nhân gây bệnh để ổn định tư tưởng cho người dân. UBND tỉnh Quảng Ngãi cũng sẽ đề nghị Chính phủ cấp 1.000 tấn gạo cho người dân vùng bệnh “lạ” và chỉ đạo 2 huyện có bệnh “lạ” sử dụng ngân sách địa phương kịp thời cấp gạo mới cho những gia đình có người mắc bệnh.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Võ Hoàng Uyên ([Tên nguồn])
Bệnh lạ ở Quảng Ngãi Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN