Loạt ngân hàng lợi nhuận gấp đôi nhưng có ngân hàng lỗ hơn 200 tỷ chỉ trong quý cuối năm

Trong khi một số ngân hàng báo lợi nhuận gấp đôi năm trước, thì Vietcapital Bank lỗ 74 tỷ đồng, NCB thậm chí ghi nhận mức lỗ lên tới hơn 200 tỷ đồng trong quý cuối cùng của năm 2021.

Báo cáo tài chính hợp nhất của Ngân hàng Quốc dân (NCB) mới đây cho thấy, nhà băng này lỗ hơn 200 tỷ trong quý IV/2021, chủ yếu do thu nhập từ hoạt động tín dụng lao dốc so với cùng kỳ năm trước.

Trong ba tháng cuối năm, thu nhập lãi thuần - thu nhập từ hoạt động tín dụng giảm tới hơn 70% xuống còn 170 tỷ đồng. Hoạt động mua bán chứng khoán đầu tư ngược lại tăng gần 275% so với cùng kỳ lên gần 270 tỷ, nhưng cũng không đủ sức bù đắp phần sụt giảm từ hoạt động tín dụng. Do đó, thu nhập hoạt động của NCB quý cuối năm giảm 30% so với cùng kỳ năm trước.

Ngân hàng Quốc dân lỗ hơn 200 tỷ trong quý IV/2021

Ngân hàng Quốc dân lỗ hơn 200 tỷ trong quý IV/2021

Trong khi đó, chi phí hoạt động tăng 20% lên 265 tỷ đồng, nhà băng này cũng trích chi phí dự phòng rủi ro tín dụng tăng thêm 80 tỷ đồng so với cùng kỳ. Tính cả các khoản xử lý theo đề án tái cấu trúc, NCB lỗ hơn 200 tỷ trong ba tháng cuối năm trong khi cùng kỳ năm trước mức lỗ chỉ 25 tỷ đồng.

Nhờ hoạt động kinh doanh ghi nhận trong các quý trước tốt hơn, tính chung cả năm, NCB không báo lỗ nhưng kết quả kinh doanh không cải thiện so với 2020. Cả năm, nhà băng này báo lãi hơn 2 tỷ đồng.

Tính đến hết 2021, dư nợ cho vay khách hàng của NCB chỉ tăng nhẹ 3% so với đầu năm. Quy mô tiền gửi của khách hàng gồm cả cá nhân và tổ chức đều giảm mạnh ở mức xấp xỉ 10%. Tổng tài sản của ngân hàng chỉ ở mức 73.700 tỷ đồng, giảm hơn 15.00 tỷ so với cuối năm trước.

Chất lượng tài sản của NCB cũng đi xuống rõ rệt do tác động của Covid-19 khi nợ nhóm 2 tăng gấp 4,4 lần lên 3.155 tỷ đồng, nợ xấu nhóm 3 tăng gần gấp 10 lần lên 600 tỷ, nợ xấu nhóm 4 tăng gấp đôi lên 180 tỷ đồng. Do đó, tỷ lệ nợ xấu nội bảng của nhà băng này tăng từ mức 1,51% hồi đầu năm vọt lên 3% vào cuối 2021.

Điều đáng nói, trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu NCB của ngân hàng lại ghi nhận mức tăng gấp 3 lần, từ mức 9.000 đồng một cổ phiếu lên vùng giá 30.000 đồng - trong top cổ phiếu ngân hàng tăng giá mạnh nhất năm 2021.

Cách đây không lâu, một ngân hàng khác cũng báo lỗ quý IV/2021 là Ngân hàng TMCP Bản Việt (Viet Capital Bank - Mã: BVB). Tuy nhiên, khác với NCB, thu nhập lãi thuần của Vietcapital Bank vẫn ghi nhận tăng trưởng 15% trong quý vừa qua, đạt 358 tỷ đồng.

Các mảng kinh doanh còn lại của ngân hàng cũng ghi nhận tăng trưởng nhưng không cao đột biến so với cùng kỳ.

Thay đổi lớn nhất ghi nhận trong kết quả kinh doanh của Vietcapital Bank trong quý IV/2021 là chi phí hoạt động tăng 34% và chi phí dự phòng rủi ro tín dụng tăng 35%, tiêu tốn của ngân hàng gần 500 tỷ đồng.

Chính 2 khoản chi phí tăng mạnh này là nguyên nhân khiến ngân hàng lỗ trước thuế 74 tỷ đồng trong quý cuối cùng của năm 2021.

Dù thua lỗ trong quý cuối năm nhưng nhờ khoản lãi tăng trưởng mạnh trong 3 quý trước đó mà tính trong cả năm 2021, lợi nhuận trước thuế của Vietcapital Bank vẫn tăng 55%, đạt trên 311 tỷ đồng.

Ngân hàng TMCP Hàng Hải Việt Nam công bố kết quả kinh doanh trước kiểm toán riêng lẻ với lợi nhuận trước thuế tăng gấp đôi so với năm 2020

Ngân hàng TMCP Hàng Hải Việt Nam công bố kết quả kinh doanh trước kiểm toán riêng lẻ với lợi nhuận trước thuế tăng gấp đôi so với năm 2020

Trước đó, Ngân hàng TMCP Hàng Hải Việt Nam (MSB - Mã: MSB) vừa công bố kết quả kinh doanh trước kiểm toán riêng lẻ với lợi nhuận trước thuế tăng gấp đôi so với năm trước đạt 5.168 tỷ đồng (năm trước là 2.410 tỷ đồng), vượt gần 58% so với kế hoạch.

Ngân hàng cho biết, tăng trưởng tín dụng năm 2021 đạt trên 20% theo chỉ tiêu được NHNN cấp (22%) đưa thu nhập lãi thuần tăng gần 30% so với năm trước và chiếm tỷ trọng hơn 58% trong tổng thu hoạch.

Thu nhập ngoài lãi của MSB tăng trưởng đột biến gần gấp đôi so với năm 2020 nhờ doanh thu hoạt động dịch vụ, kinh doanh ngoại hối và góp vốn mua cổ phần.

Nhiều chuyên gia phân tích nhận định lợi nhuận của ngành ngân hàng sẽ vẫn duy trì đà tăng trưởng tích cực trong năm 2022, thậm chí có thể cao hơn mức trung bình thị trường.

Động lực tăng trưởng lợi nhuận đến từ triển vọng tăng trưởng tín dụng khi nhu cầu vay vốn trở lại cùng với sự hồi phục của nền kinh tế. Cùng với đó là triển vọng nguồn thu từ phí khả quan hơn, tăng 20% so với cùng kỳ và chi phí tín dụng được kiểm soát; bộ đệm rủi ro tín dụng được tăng cường tại các ngân hàng có tiềm lực.

Trong kết quả điều tra do Ngân hàng Nhà nước thực hiện mới đây, 95% tổ chức tín dụng kỳ vọng lợi nhuận trước thuế năm 2022 của đơn vị tăng trưởng dương, 3% kỳ vọng không đổi và 2% lo ngại lợi nhuận giảm.

Nguồn: [Link nguồn]

Ngân hàng đầu tiên chốt kế hoạch thưởng Tết âm lịch, tới 6 tháng lương

Việc chi thưởng sẽ được nhà băng này thực hiện muộn nhất vào ngày 22/01/2022.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Quỳnh Chi ([Tên nguồn])
Tin tức doanh nghiệp Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN