Hàng loạt ngân hàng tăng lãi suất huy động từ tháng 5

Sự kiện: Kinh tế toàn cảnh

Gần đây, 12 trong hơn 30 ngân hàng điều chỉnh lãi suất tiết kiệm với mức tăng cao nhất lên đến 0,7% một năm. Theo các chuyên gia, mặt bằng lãi suất năm nay khó có khả năng giảm so với cuối năm 2021, thậm chí có thể tăng trở lại.

Trong tuần đầu tiên của tháng 5, "cuộc đua" tăng lãi suất huy động đã có thêm sự góp mặt của một số ngân hàng thương mại với mức tăng từ 0,1-0,4%/năm so với thời điểm này tháng trước.

Một số đơn vị suốt thời gian dài không động tĩnh cũng đã tham gia cuộc đua, như SHB, ABBank, SeABank, BacABank... Nhiều nhà băng vốn đã có lãi suất tiết kiệm cao hơn mức chung thị trường, nay tiếp tục nâng thêm để đẩy mạnh huy động vốn từ cư dân.

ABBank trở thành ngân hàng tăng lãi suất tiết kiệm mạnh nhất. Với giao dịch tại quầy, ngân hàng này tăng lãi thêm 0,4-0,5% một năm cho các kỳ 6, 9 và 12 tháng. Trên kênh online, các kỳ gửi phổ biến đều được nâng lãi suất, riêng kỳ 9 tháng được điều chỉnh đến 0,7 điểm phần trăm. Tuy nhiên, nhà băng này vẫn nằm trong nhóm 10 đơn vị trả lãi suất tiết kiệm thấp nhất thị trường.

Tháng 5, nhiều ngân hàng tiếp tục nâng lãi suất tiết kiệm cao thêm để đẩy mạnh huy động vốn từ cư dân

Tháng 5, nhiều ngân hàng tiếp tục nâng lãi suất tiết kiệm cao thêm để đẩy mạnh huy động vốn từ cư dân

Ngân hàng thương mại cổ phần Sài Gòn-Hà Nội (SHB) cũng vừa tăng mạnh lãi suất tiền gửi cả trên kênh huy động trực tuyến lẫn tại quầy. Hiện lãi suất tiết kiệm online cao nhất tại SHB lên đến 6,7%/năm cho kỳ hạn từ 36 tháng, tăng 0,35%/năm so với trước và 6,4%/năm cho kỳ hạn 12 tháng, tăng 0,3%/năm.

Còn với tiền gửi tiết kiệm tại quầy, lãi suất huy động cũng tăng 0,4%/năm lên mức 6,5-6,6%/năm với kỳ hạn 36 tháng và 6,1-6,2%/năm với kỳ hạn 12 tháng.

Techcombank cũng có mức tăng tương tự, tăng 0,4% một năm cho kênh online. Từ xếp cuối về lãi suất tiết kiệm online 12 tháng, Techcombank đã cải thiện thứ hạng lên 5 bậc.

Còn tại Ngân hàng thương mại cổ phần Quân đội (MB), lãi suất tiết kiệm tăng từ 0,15-0,24%/năm tại một số kỳ hạn. Trong số đó, lãi suất kỳ hạn 24 tháng tăng 0,24%/năm lên 5,75%/năm; kỳ hạn 12 tháng tăng 0,18%/năm lên mức 5,39%/năm...

Trong khi đó, Ngân hàng thương mại cổ phần Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank) cũng đã tăng lãi suất tiết kiệm online kỳ hạn 15 tháng thêm 0,2%/năm so với hồi đầu tháng 4 lên mức 6,5%/năm. Đồng thời, ngân hàng áp dụng loạt khuyến mại, tặng quà bằng hiện vật để thu hút khách hàng.

VietCapitalBank cũng cập nhật biểu lãi suất ngày 28/4. Hiện lãi suất huy động cao nhất tại nhà băng này là 7%/năm khi gửi kỳ hạn 24 tháng theo hình thức trực tuyến. Trong khi đó, với hình thức gửi tại quầy, lãi suất cao nhất là 6,8%/năm khi gửi từ 24 tháng trở lên.

Trước đó, từ nửa cuối tháng 4, nhiều ngân hàng đã điều chỉnh tăng lãi suất như Ngân hàng thương mại cổ phần Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank), Ngân hàng thương mại cổ phần An Bình (ABBank), Ngân hàng thương mại cổ phần Hàng hải Việt Nam (MSB), Ngân hàng thương mại cổ phần Phát triển Tp. Hồ Chí Minh (HDBank), Ngân hàng thương mại cổ phần Nam Á (NamABank), Ngân hàng thương mại cổ phần Kỹ thương Việt Nam (Techcombank)... Mức tăng tại các ngân hàng này dao động từ 0,1-0,4%/năm tùy từng kỳ hạn.

Ngược lại với xu hướng điều chỉnh tăng, Ngân hàng thương mại cổ phần Đông Nam Á (SeABank) lại có bước giảm lãi suất từ 0,05-0,45%/năm trong những ngày đầu tháng 5. Cụ thể, lãi suất tiết kiệm kỳ hạn 6 tháng được SeABank niêm yết ở mức 5,4%/năm, giảm 0,45%/năm so với hồi đầu tháng 4/2022; kỳ hạn 12 tháng là 6,1%/năm, giảm 0,05%/năm; kỳ hạn 24 tháng là 6,2%/năm, giảm 0,12%/năm.

Như vậy, xét về lãi suất huy động cao nhất tại mỗi ngân hàng, Techcombank hiện vẫn đang dẫn đầu với 7,8%/năm. Tuy nhiên, để được hưởng mức lãi suất này, khách hàng phải đáp ứng điều kiện gửi từ 999 tỷ đồng trở lên.

Kế tiếp là Ngân hàng thương mại cổ phần Sài Gòn (SCB) với 7,6%/năm, NamABank 7,4%/năm. Ngân hàng thương mại cổ phần Á Châu (ACB), MSB hay VietCapitalBank áp dụng lãi suất cao nhất từ 7-7,1%/năm... đi kèm một số điều kiện riêng.

Tiếp tục giữ ổn định ở mức thấp, lãi suất tiền gửi tiết kiệm tại nhóm các ngân hàng lớn là Ngân hàng thương mại cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), Ngân hàng thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank), Ngân hàng thương mại cổ phần Công Thương Việt Nam (VietinBank) và Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank) cao nhất vẫn ở mức 5,5-5,6%/năm.

Báo cáo phân tích mới đây của Công ty chứng khoán SSI cho rằng, thanh khoản trên thị trường chứng khoán chậm lại và mặt bằng lãi suất huy động nhích tăng đã giúp dòng tiền cá nhân gửi vào ngân hàng có xu hướng tăng.

Trên thực tế, số liệu thống kê của Ngân hàng Nhà nước cũng phản ánh dòng tiền nhàn rỗi của dân cư đang quay trở về hệ thống ngân hàng. Tại thời điểm cuối tháng 2/2022, tiền gửi của khách hàng đạt hơn 11,1 triệu tỷ đồng, tăng 1,38% so với đầu năm. Trong số đó chủ yếu nhờ tiền gửi từ dân cư tăng.

Sau 2 tháng đầu năm, tiền gửi từ dân cư tăng hơn 159.600 tỷ đồng so với cuối năm 2021, đạt 5,46 triệu tỷ đồng.

Việc dòng tiền quay trở lại hệ thống ngân hàng, một phần là do lãi suất huy động đang dần hấp dẫn trở lại cùng nhiều chương trình khuyến mãi, phần khác là bởi đây vẫn luôn được xem là kênh đầu tư an toàn, nhất là trong bối cảnh thị trường chứng khoán, vàng, tiền điện tử... đang có nhiều biến động khó lường.

Nhận định về xu hướng lãi suất năm nay, giới phân tích từ Công ty trách nhiệm hữu hạn Chứng khoán Vietcombank (VCBS) cho rằng mặt bằng lãi suất năm nay khó có khả năng giảm so với cuối năm 2021, thậm chí có thể tăng trở lại, với mức tăng khoảng 0,5-1%/năm, đặc biệt là trong nửa cuối năm 2022.

Nguồn: [Link nguồn]

Đại gia đi tu  mất gần 300 tỷ đồng, giá trị vốn hóa doanh nghiệp bị thổi bay hơn 1.800 tỷ

Trái ngược với đà tăng điểm mạnh trở lại của chỉ số VN-Index, khối tài sản của đại gia đi tu Lê Phước Vũ bị thổi bay gần 300 tỷ đồng sau hai phiên giao dịch đầu tháng...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Quỳnh Chi ([Tên nguồn])
Kinh tế toàn cảnh Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN