Vụ khách hàng bị nợ 8,8 tỷ đồng: Eximbank tuyên bố "sẽ thu mức hợp lý"

Sự kiện: Kinh tế toàn cảnh

Eximbank khẳng định sẽ cùng khách hàng thỏa thuận lại số lãi khác, hợp lý hơn cho đôi bên, không thu 8,8 tỷ đồng trong vụ việc nợ thẻ tín dụng 8,5 triệu qua 11 năm.

Tại họp báo thông tin về tình hình kinh tế - xã hội thành phố Hồ Chí Minh vào chiều 21/3, phía Ngân hàng nhà nước (NHNN) - Chi nhánh thành phố Hồ Chí Minh và đại diện Ngân hàng Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu (Eximbank) đã có mặt để thông tin về vụ dư nợ 8,5 triệu đồng trong thẻ tín dụng của khách hàng P.H.A bị tăng lên 8,8 tỷ đồng sau 11 năm tại Ngân hàng Eximbank.

Thông tin chính thức với báo chí, ông Nguyễn Hồ Hoàng Vũ, Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu - Eximbank, cho hay với thẻ tín dụng quốc tế, khi đưa ra chính sách lãi và phí đều đã có tham khảo thị trường, sản phẩm của các ngân hàng tương đồng để đưa ra chính sách.

Ngân hàng Eximbank cũng có xét đến yếu tố cạnh tranh, để ngân hàng có thể đáp ứng tốt nhất nhu cầu của khách hàng.

Ông Nguyễn Hồ Hoàng Vũ, Phó Tổng Giám đốc Eximbank trả lời tại họp báo ngày 21/3.

Ông Nguyễn Hồ Hoàng Vũ, Phó Tổng Giám đốc Eximbank trả lời tại họp báo ngày 21/3.

Ông Vũ nói, ngân hàng có quy định trường hợp khách hàng nợ thẻ quá hạn, cán bộ xử lý phải căn cứ tình hình nợ thẻ của khách hàng để đề xuất cấp lãnh đạo mức thu lãi, phí.

"Mức phí, lãi này phải trình cấp lãnh đạo có thẩm quyền phê duyệt trước khi làm việc với khách hàng. Tuy nhiên, trong trường hợp này, cán bộ xử lý nợ đã máy móc, gửi thông báo trực tiếp đến khách hàng khi chưa trình cấp thẩm quyền, khiến khách hàng bức xúc. Chúng tôi lấy làm tiếc vì trường hợp này", ông Vũ cho biết.

Ông Vũ khẳng định, phía ngân hàng "đã làm việc với khách hàng, cùng thoả thuận và tìm cách xử lý đảm bảo hợp lý hợp tình. Eximbank đảm bảo không thu 8,8 tỷ mà sẽ thu ở một mức phí hợp lý" nhưng không nói rõ "mức phí hợp lý" đó là bao nhiêu.

Cũng tại họp báo, ông Võ Minh Tuấn, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước - Chi nhánh thành phố Hồ Chí Minh cho biết, ngay sau khi nhận phản ánh từ báo chí, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã có văn bản yêu cầu Eximbank xác minh vụ việc, làm việc với khách hàng để đảm bảo quyền, lợi ích chính đáng của cả hai bên.

Ngân hàng Eximbank đã làm việc với khách hàng và báo cáo đến Ngân hàng Nhà nước và Ngân hàng Nhà nước chi nhánh thành phố Hồ Chí Minh.

Về thắc mắc rằng việc tính lãi như vậy có hợp lý hay không, ông Tuấn cho rằng, đây là cách tính lãi kép trong các giao dịch. Riêng giao dịch thẻ tín dụng thì cũng có nhiều đơn vị tính lãi kép, còn những giao dịch ngân hàng thông thường khác thì quy định không được tính lãi kép.

"Ngân hàng Nhà nước chi nhánh thành phố Hồ Chí Minh sẽ có chỉ đạo với các chi nhánh tổ chức tín dụng thuộc quản lý rà soát các chủ thẻ, xem có khách hàng nào đã lâu không sử dụng thẻ, phát sinh trường hợp tương tự thì chủ động làm việc để đảm bảo quyền lợi của khách hàng", ông Tuấn nhấn mạnh.

Đồng thời, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh thành phố Hồ Chí Minh sẽ yêu cầu các tổ chức tín dụng cung cấp đầy đủ các nội dung chính của sản phẩm, dịch vụ mình cung cấp để khách hàng hiểu, phải công khai biểu phí và chỉ được thu phí theo biểu phí đã công khai.

Trong tương tác giữa khách hàng và ngân hàng thì phải thông tin cụ thể, đảm bảo biến động số dư tài khoản sẽ đến được với khách hàng (có thể qua email, sms…)

"Ngân hàng hoạt động dựa trên uy tín, nếu để ra những vụ việc như thế này thì ít nhiều sẽ ảnh hưởng đến thương hiệu, làm suy yếu lợi thế cạnh tranh của ngân hàng nên phải quan tâm giải quyết lợi ích cho khách hàng để hai bên cùng chia sẻ lợi ích chung", lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước chi nhánh thành phố Hồ Chí Minh nêu quan điểm.

Trước đó, ông P.H.A. tại Quảng Ninh đã sử dụng thẻ tín dụng của Eximbank và nợ hơn 8,5 triệu đồng vào năm 2013, đến năm 2023 khoản nợ này tăng lên thành hơn 8,83 tỷ đồng, trong đó phần nợ lãi là hơn 8,8 tỷ đồng và 8,5 triệu đồng là nợ gốc.

Theo ông H.A, năm 2013 ông nhờ một nhân viên làm việc tại chi nhánh Eximbank ở Quảng Ninh đăng ký mở một thẻ tín dụng. Nhưng thực tế sau đó, ông không được nhận thẻ tín dụng này và không phát sinh chi tiêu.

Đến năm 2017, khi đến một ngân hàng khác vay vốn, ông mới được nhân viên thông báo phát sinh nợ xấu tại Eximbank và không được vay vốn. Khi đó, ông mới biết mình nợ tín dụng.

Trong 5 năm đó, ông cũng không nhận được bất kỳ thông báo nào từ phía Eximbank kể cả bằng văn bản rằng ông bị nợ xấu. Ông P.H.A. khẳng định chữ ký trong biên lai hai giao dịch đều không phải của mình.

Về phía Eximbank, ngân hàng cho biết, cách tính lãi, phí này hoàn toàn phù hợp với thỏa thuận giữa ngân hàng và khách hàng theo hồ sơ mở thẻ có đầy đủ chữ ký ngày 15/3/2013.

Nguồn: [Link nguồn]

Sau vụ việc một người ở Quảng Ninh vay 8,5 triệu đồng, 11 năm sau ngân hàng gửi công văn báo nợ 8,8 tỷ đồng, nhiều người ở TPHCM lo ngại xảy ra trường hợp tương tự, phát sinh nợ xấu nên nhanh chóng đến ngân hàng hủy thẻ ngân hàng, thẻ tín dụng không sử dụng trong thời gian dài.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Nguyễn Thành Nhân ([Tên nguồn])
Kinh tế toàn cảnh Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN