Vàng áp đảo các kênh đầu tư

Sự kiện: Kinh tế toàn cảnh

Ba tháng đầu năm, vàng tăng 15-22%, trở thành kênh đầu tư có tỷ suất sinh lời vượt xa gửi tiết kiệm ngân hàng, chứng khoán.

Gửi tiết kiệm, trái phiếu, vàng, chứng khoán hay bất động sản thường được xem là những kênh đầu tư thu hút nhiều người "xuống tiền", với mục tiêu cất giữ hay thu lời từ các khoản nhãn rỗi. Khẩu vị của nhà đầu tư cũng thay đổi trong bối cảnh thị trường tài chính biến động.

Xét từ đầu năm đến nay, vàng đang sinh lời tốt nhất trong số các kênh đầu tư như chứng khoán, gửi tiết kiệm hay trái phiếu.

Tỷ suất sinh lời của kim loại quý vượt xa lãi suất gửi tiết kiệm ngân hàng, đánh bại mức tăng gần 13% của VN-Index hay VN30-Index trong ba tháng đầu năm. Nếu so với nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn trên thị trường, mức tăng của vàng nhẫn từ đầu năm đánh bại 25/30 mã bluechip.

Vàng áp đảo các kênh đầu tư - 1

Tuần trước, giá vàng miếng trong nước lập đỉnh 85 triệu đồng mỗi lượng, trong khi nhẫn trơn 24K cũng lên 77-78 triệu. So với đầu năm, mỗi lượng vàng miếng tăng gần 15%, còn nhẫn đắt thêm 22,3%.

Đà tăng của kim loại quý được thúc đẩy với nhiều yếu tố, từ nguồn cung eo hẹp của thị trường trong nước, nhu cầu tăng lên trong bối cảnh lãi suất tiết kiệm giảm, cho tới sự cộng hưởng với giá thế giới.

"Lãi suất tiết kiệm ở mức thấp khiến người dân có xu hướng tìm nơi khác để giữ tiền. Bất động sản hay trái phiếu chưa thoát đáy, trong khi giá vàng liên tục tăng khiến kênh này trở thành điểm đến", ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc phân tích Chứng khoán Yuanta, nhận xét.

Ngoài lựa chọn thay thế dành cho số đông, vàng còn được chú ý nhờ kỳ vọng về giá. Giá vàng thế giới tăng mạnh từ giữa tháng 2 và trong hai tháng mỗi ounce đã đắt thêm 350 USD, tương ứng hơn 20%.

Giới phân tích cho rằng đợt tăng lần này có nhiều nguyên nhân, đến từ bất ổn địa chính trị, lực mua của các ngân hàng trung ương, cho tới kỳ vọng Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) giảm lãi suất năm nay.

Ngoài ra, sự quan tâm của các Ngân hàng Trung ương với vàng cũng khiến kim loại quý tăng giá. Báo cáo của Hội đồng Vàng Thế giới (WGC) cũng cho thấy trong 2 tháng đầu năm, các ngân hàng trung ương toàn cầu tiếp tục mua vàng. Trung Quốc có lượng mua ròng lớn nhất thế giới, với khoảng 22 tấn. Theo sau là Thổ Nhĩ Kỳ và Ấn Độ. Ngân hàng Trung ương Nga cũng tăng tốc tích trữ vàng từ sau chiến sự tại Ukraine.

"Trong những thời điểm không chắc chắn, mọi người đều quay trở lại với vàng và đôla Mỹ vì chúng có tính ổn định trong nhiều thập kỷ", John Weyer - Giám đốc Bộ phận phòng hộ thương mại tại Walsh Trading nói. Ông cũng tin rằng mối đe dọa leo thang giữa Iran và Israel đẩy các nhà giao dịch tìm đến vàng và USD.

Chuyên gia kim loại quý Mark Leibovit dự báo thị giá sẽ đạt mức đỉnh 2.700 USD vào tháng 5-6.

Gửi tiết kiệm cũng là kênh đầu tư được chú ý. Tỷ suất sinh lời của kênh này trong ba tháng qua ở mức 1,23%, thấp hơn khoảng 10 lần so với chứng khoán và 12-18 lần vàng (tùy loại).

Sau thời gian lãi suất tiền gửi tăng vọt vào cuối 2022, từ giữa năm ngoái mức lãi điều chỉnh giảm. Gần đây, lãi suất tiết kiệm rục rịch tăng trở lại, song mặt bằng chung vẫn thấp.

Lãi tiền gửi 12 tháng của các nhà băng chỉ quanh ngưỡng 5% mỗi năm, trong khi kỳ hạn dài hạn (24 tháng) chưa tới 6%. Theo số liệu của Tổng cục thống kê, ước tính đến 25/3, huy động vốn của các tổ chức tín dụng giảm 0,76% so với cuối năm 2023 trong khi cùng thời điểm năm ngoái tăng gần 1,2%.

Lãnh đạo giới ngân hàng cho rằng mặt bằng lãi suất tiết kiệm vẫn duy trì ở mức thấp ít nhất đến giữa năm nay, sau đó có thể đảo chiều tăng nhẹ khi nhu cầu tín dụng đi lên. Tuy nhiên, mặt bằng lãi suất tiết kiệm khó quay lại mức cao như giai đoạn 2022.

Tức là, trừ một số giai đoạn lãi suất tăng nóng, thông thường gửi tiết kiệm khó có khả năng sinh lời cao. Tuy vậy, gửi tiền ngân hàng có thanh khoản ổn định, nên những người thích an toàn vẫn chọn lựa.

Chứng khoán là kênh vốn thường được nhắc tới khi lãi suất thấp. Việc rót tiền vào chứng khoán giúp nhà đầu tư tối ưu hóa dòng tiền, tăng thêm thu nhập.

Số lượng tài khoản mở mới tăng đều trong ba tháng đầu năm nay, trong bối cảnh giao dịch sôi động, cho thấy sự quan tâm của nhà đầu tư với kênh vốn này. Riêng tháng 3, số mở mới đạt hơn 160.000 tài khoản. Nhờ đó, giá trị giao dịch trung bình hàng ngày của thị trường lên mức cao kỷ lục là 26.700 tỷ đồng, tăng 28% so với tháng 2. Mức này đạt đỉnh kể từ đầu năm 2022.

Vàng áp đảo các kênh đầu tư - 2

Dòng tiền được củng cố bởi sự tham gia tích cực của nhà đầu tư cá nhân trong nước, với trên 11.100 tỷ đồng trong tháng 3, nâng mức mua ròng kể đầu năm là 16.200 tỷ đồng.

Tuy nhiên, thị trường này gần đây biến động khó lường hơn dưới áp lực bán ra liên tục của khối ngoại và ảnh hưởng từ biến động từ thị trường thế giới. VN-Index tính từ đầu năm 2024 tăng hơn 13%, nhưng đà tăng chủ yếu nhờ vào lực kéo của nhóm ngân hàng - nhóm vốn hóa lớn nhất trên thị trường. Nhưng ngay trong nhóm ngân hàng, diễn biến cũng phân hóa.

Chẳng hạn, SSB, VPB, STB hay SHB là những cổ phiếu tăng giảm dưới 5% xét từ đầu năm. Với những nhóm khác, nhiều cổ phiếu giảm 5-10%, thậm chí cao hơn. Điều này có nghĩa, nhà đầu tư có thể thua lỗ khi thị trường tăng nhưng họ chọn sai nhóm cổ phiếu.

Ngoài ra, theo giới phân tích, trong bối cảnh thị trường biến động hiện nay, các lựa chọn thay thế như trái phiếu, bất động sản chưa thực sự trở lại. Sau "khủng hoảng" trái phiếu cuối năm 2022, nhà đầu tư cá nhân ngày càng thận trọng với kênh đầu tư này. Trong khi đó, bất động sản chỉ tăng mạnh ở một số phân khúc, rào cản về yêu cầu vốn lớn cũng khiến kênh này không hướng tới số đông.

Nguồn: [Link nguồn]

Sau gần 3 tiếng mở cửa giao dịch, lúc 11h ngày 15/4, vàng miếng SJC đã tăng vọt hơn 2 triệu đồng/lượng, lên trên 85 triệu đồng/lượng. Giá vàng trong...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Minh Sơn ([Tên nguồn])
Kinh tế toàn cảnh Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN