“Tính nhầm” thuế, kết quả kinh doanh của VEAM phải điều chỉnh

Sự kiện: Kinh Doanh

Cục Hải quan TP. Hà Nội mới đây đã ra quyết định yêu cầu Tổng Công ty Máy động lực và máy nông nghiệp Việt Nam (VEAM) phải nộp 353 tỷ đồng do do “tính nhầm” thuế nhập khẩu phụ tùng/linh kiện lắp ráp.

Việc “tính nhầm” thuế này liên quan đến hoạt động khai mã HS của VEAM trong quá trình nhập khẩu phụ tùng/linh kiện lắp ráp trong giai đoạn 2016-2017.

Công ty đã nộp 173 tỷ đồng trong thời gian 2016-2017 và còn phải nộp 180 tỷ đồng trong quý 3/2019. Số tiền thuế này đã có VAT nhưng chưa bao gồm tiền phạt chậm nộp.

Theo đại diện của VEAM, phần thuế phát sinh thêm (khoảng 90-100 tỷ đồng) trong năm 2016 (trước IPO) sẽ được hạch toán hồi tố trong bảng cân đối kế toán của VEAM năm 2016, trong đó điều chỉnh tăng các khoản phải thu nhà nước và tăng thuế phải nộp, và sẽ không ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh năm 2016.

Phần thuế phát sinh thêm, khoảng 64 tỷ đồng, trong năm 2017 (sau IPO) sẽ được hạch toán trực tiếp vào chi phí trên báo cáo kết quả kinh doanh năm 2019.

Ngoài ra, VEAM có thể sẽ phải nộp tiền phạt chậm nộp thuế là 47 tỷ đồng và 35 tỷ đồng phát sinh do “tính nhầm” thuế.

Như vậy, VEAM sẽ phải hạch toán 110 tỷ đồng hoặc 145 tỷ đồng (nếu bị phạt 35 tỷ đồng do “tính nhầm” thuế) phát sinh thêm vào chi phí quản lý doanh nghiệp trong quý 1/2019 do sau khi IPO nghĩa vụ này thuộc về công ty cổ phần.

“Tính nhầm” thuế, kết quả kinh doanh của VEAM phải điều chỉnh - 1

VEAM hiện đang sở hữu cổ phần ở các liên doanh sản xuất ô tô như Honda, Toyota, và Ford tại Việt Nam.

Ngoài lĩnh vực sản xuất chính là máy nông nghiệp và ô tô tải mang thương hiệu VEAM, công ty hiện đang góp vốn vào 3 liên doanh gồm: Honda Việt Nam (30%), Toyota Việt Nam (20%), và Ford Việt Nam (25%).

Trong đó, Honda Việt Nam mới đây công bố doanh số khả quan trong 2 tháng đầu năm với lượng tiêu thụ 411.526 xe máy (tăng 4,1% so với cùng kỳ), và 5.973 ô tô (tăng 164,6% so với cùng kỳ). Thị phần xe ô tô của Honda cũng tăng mạnh từ 9,8% năm 2018 lên 13,8%.

Trong khi đó, Toyota Việt Nam cũng công bố số liệu khả quan với 9.899 xe được tiêu thụ (tăng 23,8% so với cùng kỳ). Thị phần của hãng này tại Việt Nam đã giảm nhẹ xuống 22,9% từ 23,9% trong năm 2018, nhưng tăng nhẹ so với mức 21,2% cùng kỳ năm ngoái.

Tại liên doanh Ford Việt Nam, số lượng xe tiêu thụ 2 tháng đầu năm là 4.999 chiếc (tăng 42,6% so với cùng kỳ năm ngoái), qua đó nâng thị phần lên 11,6% từ mức 8,9% trong năm 2018.

Đối với toàn ngành ô tô, theo số liệu của VAMA, số lượng tiêu thụ 2 tháng đầu năm đạt 43.242 chiếc (tăng 14,4% so với cùng kỳ. Trong đó xe du lịch tăng mạnh 29% lên 34.908 chiếc, xe thương mại giảm 21,1% so với cùng kỳ xuống còn 8.031 chiếc.

Số lượng xe du lịch tăng mạnh chủ yếu do lượng nhập khẩu xe nguyên chiếc tăng 179% lên 20.169 xe. Còn xe nhập khẩu linh kiện lắp ráp giảm 15,9% còn 26.484 xe.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Nguyễn Tuân ([Tên nguồn])
Kinh Doanh Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN