Rót hơn 1.000 tỷ đồng, doanh nghiệp 1 tháng tuổi thành cổ đông lớn VIB
Chỉ mới thành lập cách đây 1 tháng với vốn điều lệ 100 tỷ đồng nhưng UNICAP đã mạnh tay chi số tiền gấp 10 lần vốn để trở thành cổ đông lớn tại VIB.
Công ty Cổ phần UNICAP vừa có báo cáo về ngày trở thành nhóm nhà đầu tư nắm giữ từ 5% cổ phần tại Ngân hàng TMCP Quốc tế Việt Nam (VIB).
Theo đó, trong phiên ngày 24/9 đã thực hiện mua vào gần 66,8 triệu cổ phiếu VIB, tương đương 2,241% vốn ngân hàng. Qua đó, tổ chức này chính thức nâng tỉ lệ sở hữu tại VIB từ 5,229% lên 7,47%, trở thành cổ đông lớn tại ngân hàng.
Theo công bố, trước đó, UNICAP không sở hữu cổ phiếu tại VIB. Tuy nhiên, 2 cá nhân liên quan tổ chức này gồm bà Nguyễn Thùy Nga, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc nắm giữ hơn 70 triệu cổ phiếu, tỉ lệ 2,351% vốn và bà Tống Ngọc Mỹ Trâm, thành viên HĐQT nắm gần 98 triệu cổ phiếu, tương đương 3,288% vốn tại VIB.
Tính theo thị giá chốt phiên cổ phiếu VIB ngày 24/9 là 19.100 đồng, ước tính, UNICAP đã phải chi khoảng 1.276 tỷ đồng để nâng tỉ lệ sở hữu tại VIB.
Danh sách cổ đông sáng lập CTCP UNICAP (Nguồn: Cổng thông tin Quốc gia về đăng ký doanh nghiệp).
Đáng chú ý, theo cổng thông tin Quốc gia về đăng ký doanh nghiệp, CTCP UNICAP được thành lập vào ngày 4/9/2024, nghĩa là mới chỉ cách đây 1 tháng.
Công ty có địa chỉ trụ sở chính tại toà nhà Mê Linh Point, số 2 đường Ngô Đức Kế, phường Bến Nghé, quận 1, Tp.Hồ Chí Minh.
Ngành nghề kinh doanh chính của công ty là bán buôn thực phẩm. Cụ thể là thực hiện quyền xuất nhập khẩu, phân phối buôn bán các hàng hoá theo quy định của pháp luật Việt Nam và các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.
Công ty có vốn điều lệ 100 tỷ đồng. Nhóm cổ đông sáng lập bao gồm ông Đặng Khắc Cường nắm 100.000 cổ phần, giá trị 1 tỷ đồng, tỉ lệ 1% vốn.
Theo tìm hiểu, ông Đặng Khắc Cường hiện đang là cổ đông lớn tại chứng khoán KAFI. Chủ tịch Chứng khoán KAFI hiện nay là ông Lê Quang Trung, người từng đảm nhiệm vị trí phó Tổng Giám đốc tại VIB.
2 cá nhân khác là cổ đông sáng lập UNICAP bao gồm bà Nguyễn Thuỳ Nga và bà Tống Ngọc Mỹ Trâm đều sở hữu hơn 4,95 triệu cổ phần, giá trị 49,5 tỷ đồng, góp 49,5% vốn. Bà Nguyễn Thuỳ Nga sinh năm 1978 là người đại diện pháp luật của công ty này.
Đây không phải lần đầu tiên xuất hiện trường hợp doanh nghiệp mới thành lập trở thành cổ đông lớn tại VIB.
Trước đó, trong khoảng thời gian từ 21/7-20/82023, CTCP Funderra, tổ chức có liên quan đến ông Đặng Khắc Vỹ - Chủ tịch HĐQT VIB đã đăng ký mua 124,7 triệu cổ phiếu VIB để đầu tư.
Đến ngày 21/8, VIB thông báo về kết quả giao dịch, Funderra chính thức nắm giữ 118,7 triệu cổ phiếu, tương ứng 4,68% vốn ngân hàng.
Ước tính theo thị giá lúc đó là 19.850 đồng/cổ phiếu, công ty này đã chi khoảng 2.356 tỷ đồng để trở thành cổ đông ngân hàng.
Thời điểm đó, CTCP Funderra cũng mới chỉ có vài ngày tuổi. Cụ thể, doanh nghiệp này thành lập ngày 14/7/2023, vốn điều lệ 2.500 tỷ đồng, với Tổng Giám đốc kiêm người đại diện theo pháp luật là ông nguyễn văn Phong.
Ngành nghề chính là kinh doanh bất động sản, cho thuê nhà xưởng sản xuất, cho thuê, điều hành, quản lý văn phòng, cửa hàng, trung tâm thương mại, khu triển lãm...
Theo Cổng thông tin Quốc gia về đăng ký doanh nghiệp, cổ đông sáng lập Funderra gồm 3 người, trong đó ông Đặng Khắc Vỹ góp gần 2.000 tỷ đồng, tương đương 80%, vốn. Ông Nguyễn Văn Phong sở hữu 1.000 cổ phần và bà Trần Thị Thảo Hiền góp 500 tỷ đồng, tương ứng 20% vốn còn lại.
Cùng thời điểm UNICAP thông báo, VIB cũng ra thông tin về thay đổi sở hữu của cổ đông lớn, nhà đầu tư nắm giữ từ 5% trở lên cổ phiếu ngân hàng. Theo đó, cổ đông lớn nhất tại ngân hàng là Commonwealth Bank of Australia (CBA) đã bán ra 148 triệu cổ phiếu trong phiên ngày 26/9, giảm tỉ lệ sở hữu xuống còn 440,2 triệu cổ phiếu, tương đương 14,78% vốn VIB.
Nguồn: [Link nguồn]
Tham vọng “cắm cờ đất Mỹ” đã thành hiện thực sau khi tỷ phú Phạm Nhật Vượng đưa cổ phiếu VinFast lên sàn Nasdaq và khởi công nhà máy xe điện tại Mỹ....