Phát triển thị trường chứng khoán dài hạn, không “ăn đong” từng năm

Đây là chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ phát triển thị trường chứng khoán năm 2019, do Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) tổ chức sáng 22-2.

Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán nhà nước Trần Văn Dũng cho biết, cùng với xu hướng giảm chung của thị trường chứng khoán (TTCK) toàn cầu, chỉ số chứng khoán Việt Nam năm 2018 lần đầu tiên giảm điểm sau 5 năm tăng trưởng liên tiếp nhưng mức giảm điểm của TTCK Việt Nam vẫn khiêm tốn so với nhiều thị trường trên thế giới và trong khu vực.

Theo đánh giá năm 2018 TTCK là kênh huy động vốn hữu hiệu cho cả Chính phủ và khu vực tư nhân, và được đánh giá là thị trường thành công nhất khu vực Đông Nam Á về huy động vốn trong năm 2018. Dòng vốn gián tiếp của nhà đầu tư nước ngoài vẫn tiếp tục vào ròng trên TTCK Việt Nam, trong khi nhà đầu tư nước ngoài rút ròng ở các thị trường trong khu vực.

Tính chung trong cả năm 2018, nhà đầu tư nước ngoài đã mua ròng khoảng 43.900 tỷ đồng trên thị trường cổ phiếu chứng chỉ quỹ, tập trung vào các giao dịch thỏa thuận lớn. Số liệu cho biết quy mô vốn hóa thị trường cổ phiếu đạt 3,9 triệu tỷ đồng, tăng 12,7% so với cuối năm 2017, tương đương với 71,6% GDP năm 2018, đã vượt trước 2 năm chỉ tiêu đặt ra trong Chiến lược phát triển TTCK đến năm 2020.

Theo đánh giá của Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng, TTCK đã và đang trở thành kênh dẫn vốn trung và dài hạn ngày càng quan trọng trong nền kinh tế, thúc đẩy xã hội hóa việc huy động vốn, góp phần tích cực vào tái cơ cấu và đẩy mạnh quá trình cơ cấu lại nền kinh tế và hội nhập quốc tế.

Phát biểu tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ biểu dương những kết quả tích cực mà UBCKNN đạt được trong năm 2018. Phó Thủ tướng đánh giá: “2018 là năm TTCK Việt Nam vượt khó thành công”.

Theo Phó Thủ tướng, vốn hóa toàn thị trường hiện đã bằng 110% GDP, bằng tổng dư nợ tín dụng vào giai đoạn cuối năm 2015, đầu năm 2016. Điều quan trọng hơn là cơ cấu thị trường thay đổi theo hướng tích cực.

Trước đây, 80% trái phiếu Chính phủ do các tổ chức tín dụng nắm, giờ chỉ còn chiếm 39 - 40%, còn lại các quỹ nắm. Trái phiếu Chính phủ phát hành trước đây chỉ có kỳ hạn 2 - 3 năm, giờ kéo dài tới hơn 10 năm và lãi suất giảm xuống. Kết quả, không chỉ Chính phủ, mà các DN cũng huy động được vốn. Năm 2018, TTCK Việt Nam được đánh giá là một trong những thị trường huy động vốn thành công nhất trong số các quốc gia ASEAN, vượt qua Singapore.

Theo quan điểm Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Bộ Tài chính cần đẩy mạnh sắp xếp, cơ cấu lại, cổ phần hóa, thoái vốn doanh nghiệp Nhà nước gắn với niêm yết trên TTCK. Bên cạnh đó, cần nghiêm túc công khai doanh nghiệp đã cổ phần hóa, đủ điều kiện nhưng chưa niêm yết, đăng ký giao dịch trên TTCK, kiên quyết xử lý trách nhiệm của người đứng đầu nếu vi phạm.

Chính phủ đang chỉ đạo Bộ Tài chính, UBCKNN lên kế hoạch tổng thể và tham vọng cơ cấu lại và phát triển TTCK Việt Nam trước mắt tới năm 2020 và lộ trình tới năm 2025 chứ không phải ăn đong từng năm. Phấn đấu đến năm 2020, thị trường cổ phiếu đạt 100% GDP, số lượng nhà đầu tư đạt 3% dân số. Đồng thời tạo cơ chế phát triển nhà đầu tư chuyên nghiệp, đa dạng hóa các sản phẩm chứng khoán, triển khai chứng quyền có đảm bảo.

 Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đề nghị, Bộ Tài chính chỉ đạo UBCKNN phối hợp với với các bộ, ngành liên quan thực hiện những việc cụ thể: tiếp tục phát triển TTCK theo hướng lành mạnh, minh bạch, an toàn, bền vững có khả năng chống lại các cú sốc, va đập từ bên ngoài. Tập trung rà soát, hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách tạo chuyển biến mạnh mẽ, toàn diện về cả chất và lượng của TTCK, nâng cao vai trò vị thế của TTCK trong nền kinh tế…

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Hà An ([Tên nguồn])
Kinh Doanh Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN