Nóng tuần qua: Sự thật việc "ngân sách Trung ương gần như không còn"?

Sự kiện: Kinh tế toàn cảnh

Bộ Tài chính đã lên tiếng "nói lại cho rõ" thông tin cho rằng ngân sách khó khăn, ngân sách Trung ương gần như không còn, hiện chỉ còn chờ vào nguồn tiết kiệm chi và khoản đang trình dự toán.

Bộ Tài chính làm rõ thông tin ngân sách trung ương hết tiền

Mới đây, tại phiên họp thứ 3, Ủy ban Thường vụ quốc hội (UBTVQH) đã xem xét dự thảo Nghị quyết của UBTVQH ban hành một số giải pháp nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, người dân chịu tác động của dịch Covid-19.

Theo Bộ Tài chính, về nội dung này có nhiều thông tin báo chí nêu: Ngân sách rất khó khăn, ngân sách Trung ương gần như không còn, hiện chỉ chờ vào nguồn tiết kiệm chi và khoảng 14.620 tỷ đồng đang trình UBTVQH điều chỉnh dự toán thì mới chi được.

Hiện nay ngân sách dự phòng Trung ương (17.500 tỷ đồng) đã chi hết.

Hiện nay ngân sách dự phòng Trung ương (17.500 tỷ đồng) đã chi hết.

Tuy nhiên, trong văn bản phản hồi của Bộ Tài chính, cơ quan này cho rằng thông tin trên làm độc giả hiểu sai tình hình ngân sách Nhà nước.

Nói lại một lần nữa cho rõ, Bộ Tài chính cho biết, tại cuộc họp UBTVQH ngày 16/9 với nội dung bàn về việc ban hành chính sách miễn giảm thuế cho các doanh nghiệp, hộ kinh doanh khó khăn do đại dịch Covid-19, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc đã báo cáo UBTVQH là hiện nay ngân sách dự phòng Trung ương (17.500 tỷ đồng) đã chi hết. Trong khi đó, nhu cầu chi cho công tác phòng chống dịch đối với các lực lượng tham gia phòng chống dịch như công an, quân đội và các địa phương là rất lớn.

Do đó, Chính phủ đã trình UBTVQH cho phép chuyển nguồn tiết kiệm chi thường xuyên 14.620 tỷ đồng điều chỉnh vào dự phòng ngân sách Trung ương để thực hiện các nhiệm vụ chi cấp bách cho công tác phòng chống dịch Covid-19.

Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho hay, hiện tại, đề xuất này đã được trình lên UBTVQH và có thể trong tuần tới sẽ được xem xét thông qua. Trong thời gian chờ phê duyệt và trong bối cảnh ngân sách dự phòng Trung ương (17.500 tỷ đồng) đã chi hết thì các địa phương và các đơn vị vẫn sử dụng nguồn tài chính đã chi từ trước để cân đối.

Bộ Giao thông nói gì về việc hoàn thành đường sắt Cát Linh - Hà Đông?

Văn bản thông báo kết luận cuộc họp về tiến độ các dự án xây dựng cơ bản và tiến độ giải ngân vốn đầu tư công của Bộ GTVT mới đây nêu rõ một số thông tin đáng chú ý.

Dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông bắt đầu được thực hiện từ tháng 10/2011

Dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông bắt đầu được thực hiện từ tháng 10/2011

Chánh Văn phòng Bộ GTVT cũng dẫn trong thông báo kết luận về một số dự án trọng điểm, cấp bách, trong đó có Dự án Đường sắt Cát Linh - Hà Đông.

"Đối với những dự án trọng điểm, cấp bách, các dự án có mốc thời gian hoàn thành trong năm 2021 như dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông, dự án nâng cấp, cải tạo đường lăn, sân đỗ cảng hàng không quốc tế Nội Bài, Tân Sơn Nhất, dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông... yêu cầu chủ đầu tư, Ban Quản lý dự án phải tập trung chỉ đạo xử lý tháo gỡ ngay những khó khăn, vướng mắc để đẩy nhanh tiến độ thi công, tiến độ giải ngân, kịp thời báo cáo những vấn đề vượt thẩm quyền để có chỉ đạo, xử lý" - văn bản thông báo kết luận nêu rõ.

Trên thực tế, Dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông bắt đầu được thực hiện từ tháng 10/2011, tổng mức đầu tư hơn 18.000 tỷ đồng bằng vốn vay ODA của Trung Quốc theo Hiệp định khung ký ngày 30/5/2008 giữa hai Chính phủ Việt Nam - Trung Quốc.

Ngày 31/3, các đơn vị thực hiện dự án bắt đầu quá trình chuyển giao. Cấp cơ sở tiến hành kiểm đếm, tiếp nhận và xác định trách nhiệm giữa 3 bên là chủ đầu tư, Tổng thầu Trung Quốc và phía Hà Nội. Ngày 29/4, Tư vấn ACT đã ban hành chứng nhận an toàn hệ thống cho Dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông. Bộ GTVT đã có báo cáo "nghiệm thu hoàn thành công trình xây dựng đưa vào sử dụng" và gửi tới Hội đồng nghiệm thu Nhà nước.

Dự án được các bên liên quan dự kiến đưa vào khai thác thương mại trong dịp 30/4 -1/5 sau khi hoàn tất các thủ tục, nhưng đến nay dự án vẫn chưa có được vận hành theo kỳ vọng.

Người viết phần mềm trên Google, App Store ở Hà Nội thu 2.900 tỷ đồng

Trong 7 tháng đầu năm, Cục Thuế Hà Nội thu 39 tỷ đồng tiền thuế từ 382 cá nhân có hoạt động trong mảng sáng tác phần mềm trên Google Play, App Store… Lũy kế từ năm 2018, con số này là 203 tỷ.

Trong 203 tỷ đồng tiền thuế thu từ năm 2018 đến hết tháng 7 năm nay, thuế Giá trị gia tăng đóng góp 145 tỷ, còn 58 tỷ đến từ thuế Thu nhập cá nhân. Tổng doanh thu của các cá nhân hoạt động cung cấp sản phẩm trên các ứng dụng của Google Play và App Store tại Hà Nội rơi vào khoảng 2.900 tỷ đồng.

Nếu chỉ tính từ đầu năm đến hết tháng 7, doanh thu là 557 tỷ đồng.

Đáng chú ý, riêng trong năm 2020, cơ quan quản lý thuế ghi nhận trường hợp cô gái sinh năm 1992 (hộ khẩu quận Cầu Giấy) có thu nhập lên tới 330 tỷ đồng từ việc sáng tác phần mềm trên Google Play và App Store. Số thuế cá nhân này đã nộp cho phần thu nhập trên là 23,4 tỷ đồng.

Phó Thủ tướng "chốt" hạn cuối phải bàn giao xong mặt bằng cao tốc Bắc - Nam

Văn phòng Chính phủ vừa có thông báo 249/TB-VPCP kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành tại Hội nghị trực tuyến về tình hình triển khai các dự án thành phần trên tuyến cao tốc Bắc - Nam phía đông giai đoạn 2017-2020.

Phó Thủ tướng yêu cầu UBND các tỉnh tập trung hoàn thành bàn giao toàn bộ mặt bằng theo đúng cam kết, chậm nhất là ngày 30/10. Các Tập đoàn EVN, VNPT, Viettel phối hợp chặt chẽ với các địa phương và chủ đầu tư tháo dỡ, di dời công trình hạ tầng kỹ thuật điện, viễn thông.

"Các địa phương và cơ quan liên quan hoàn toàn chịu trách nhiệm trước Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về tiến độ bàn giao mặt bằng; khẩn trương chỉ đạo các sở, ban, ngành địa phương rút ngắn tối đa thời gian giải quyết thủ tục cấp phép, khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường, bảo đảm cung cấp đủ nguồn vật liệu phục vụ thi công dự án theo đúng chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị quyết số 60/NQ-CP" - Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Bộ Y tế phải ban hành quy chuẩn chất Ethylene Oxide trong thực phẩm

Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó thủ tướng Vũ Đức Đam về vụ mì ăn liền Hảo Hảo có chất Ethylene Oxide bị thu hồi tại một số nước châu Âu.

Cụ thể, xét báo cáo của Bộ Công Thương về kết quả kiểm tra, xác minh thông tin sản phẩm mì ăn liền Hảo Hảo của Công ty Cổ phần Acecook Việt Nam nhiễm chất Ethylene Oxide và bị thu hồi tại một số nước châu Âu, phó thủ tướng giao Bộ Y tế căn cứ quy định tại Điều 62 Luật An toàn thực phẩm, khẩn trương rà soát, ban hành quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chỉ tiêu và mức giới hạn chất Ethylene Oxide bảo đảm an toàn đối với sản phẩm thực phẩm.

Đồng thời, Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương rà soát, cập nhật và thông tin rộng rãi về yêu cầu, mức giới hạn các chất hạn chế sử dụng, chất cấm... trong sản phẩm thực phẩm phù hợp với yêu cầu của các nước nhập khẩu.

Bộ Công Thương tiếp tục kiểm tra làm rõ nguyên nhân sản phẩm mì Hảo Hảo của Công ty Cổ phần Acecook Việt Nam nhiễm chất Ethylene Oxide để có giải pháp xử lý phù hợp, tránh để xảy ra các trường hợp tương tự.

Nguồn: [Link nguồn]

Kiệt quệ vì Covid-19, doanh nghiệp lại lo thêm gánh nặng “nghĩa vụ môi trường”

Doanh nghiệp thủy sản đối mặt với muôn vàn khó khăn, giờ lại lo thêm gánh nặng vì quy định tại dự thảo Nghị định...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Thiên Lý ([Tên nguồn])
Kinh tế toàn cảnh Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN