Người vay tiền sốt ruột chờ ngân hàng giảm lãi suất

Sự kiện: Kinh tế toàn cảnh

Lãi suất tiền gửi tiết kiệm giảm xuống thấp đến mức kỷ lục, trong khi lãi suất cho vay chỉ giảm nhỏ giọt.

Trong năm 2020, các ngân hàng thương mại (NHTM) đã nhiều lần điều chỉnh giảm lãi suất tiền gửi và lãi suất cho vay. Thế nhưng lãi suất cho vay vẫn còn cao, đặc biệt là các khoản vay cũ. Điều này đè nặng lên người vay tiền.

Ngân hàng Nhà nước yêu cầu các ngân hàng thương mại tiết giảm chi phí hoạt động để giảm lãi suất cho vay. Trong ảnh: Khách đang giao dịch tại một ngân hàng. Ảnh: TL

Ngân hàng Nhà nước yêu cầu các ngân hàng thương mại tiết giảm chi phí hoạt động để giảm lãi suất cho vay. Trong ảnh: Khách đang giao dịch tại một ngân hàng. Ảnh: TL

Ngân hàng hưởng lợi lớn

Nhiều doanh nghiệp cho biết lâu nay luôn trả lãi và gốc đúng hạn, đồng thời có điểm tín dụng tốt với ngân hàng (NH). Thế nhưng khi gặp khó khăn do dịch COVID-19, họ khó tiếp cận vốn NH hoặc không được giảm lãi suất.

Bà Nguyễn Phượng, Giám đốc tài chính một công ty kinh doanh mỹ phẩm tại TP.HCM, chia sẻ: Khi hỏi NH về việc có thể điều chỉnh giảm lãi vay với các hợp đồng tín dụng hiện hữu, bà nhận được cái lắc đầu của NH. “Họ đưa ra lý do mức lãi vay của tôi đã rất tốt so với thị trường nên không thể giảm”.

Tương tự, ông Thành Vinh, chủ một cơ sở sản xuất tại quận Tân Bình, TP.HCM, cho hay hiện vẫn phải chịu mức lãi suất cho vay lên tới 10,5%/năm. Trong khi đó, đáng lẽ lãi suất huy động ở mức 5%-6% thì lãi suất cho vay chỉ ở mức khoảng 8%-9% là phù hợp.

“Thực tế trong năm 2020, lãi suất tiền gửi tiết kiệm đã trượt dài, vì vậy những người vay tiền như chúng tôi kỳ vọng lãi suất cho vay cũng sẽ giảm sâu tương ứng” - ông Vinh bày tỏ. Đồng quan điểm, nhiều công ty khác cũng cho biết hiện đang phải trả lãi cho khoản vay cũ cao gần gấp đôi so với lãi suất huy động và đang mòn mỏi chờ được giảm lãi suất.

Một thống kê quý cuối năm 2020 của Công ty Chứng khoán SSI cho thấy lãi suất tiền gửi kỳ hạn từ một đến dưới sáu tháng hiện phổ biến ở mức 3,0%-3,8%/năm, cá biệt một số NH chỉ ở mức 2,2%-2,5%/năm. Tuy nhiên, xét ở góc độ điều chỉnh lãi vay ngắn hạn của ngành hàng ưu tiên thì giảm khá chậm.

“Khi Ngân hàng Nhà nước (NHNN) công bố giảm lãi tiền gửi ngắn hạn lần đầu vào tháng 3-2020, lãi vay của ngành hàng ưu tiên giảm từ 6% xuống 5,5% và sau hai lần điều chỉnh tiếp theo của NHNN thì đến nay chỉ mới giảm 4,5%. Mức giảm này rất chậm nếu so với việc giảm tốc rất mạnh lãi suất huy động” - SSI nhận định.

TS Nguyễn Xuân Thành, Trường ĐH Fulbright, phân tích lãi suất cho vay không giảm mạnh tương ứng như lãi suất tiền gửi thể hiện cảm nhận rủi ro của hệ thống tài chính. Cụ thể là trong giai đoạn dịch bệnh COVID-19, các NH cảm nhận rủi ro nên không có nhu cầu bắt buộc phải cho vay, hạ lãi suất cho vay dẫn đến lãi suất cho vay không giảm.

“Vì chênh lệch giữa lãi suất tiền gửi và cho vay cao nên NH báo cáo lợi nhuận tốt trong năm 2020” - ông Thành nói.

Gấp rút kéo giảm lãi vay

Việc kéo giảm lãi vay trở nên ngày càng cấp thiết để hỗ trợ nhà kinh doanh vượt qua khó khăn. Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú cho biết: Trong năm 2021, ngành NH đặt ra mục tiêu tăng trưởng tín dụng ở mức 12% nhưng sẽ có sự điều chỉnh khi cần thiết.

“NHNN cũng sẽ chỉ đạo các tổ chức tín dụng tiếp tục tiết giảm chi phí để giảm lãi suất cho vay; đơn giản hóa quy trình thủ tục, tạo điều kiện cho khách hàng vay mới, phục hồi sản xuất kinh doanh. Tuy nhiên, sẽ không hạ chuẩn cho vay để đảm bảo chất lượng, an toàn tín dụng, duy trì hoạt động lành mạnh của hệ thống NH” - phó thống đốc nhấn mạnh.

Ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó Giám đốc NHNN Chi nhánh TP.HCM, cho biết thêm lãi suất cho vay năm lĩnh vực ưu tiên xuống chỉ còn 4,5% là sự cố gắng lớn của các NHTM trong việc quản lý chi phí tốt để cho ra lãi suất cho vay như thế.

“Tuy nhiên, chúng tôi đang lập các đoàn kiểm tra về vấn đề lãi suất cho vay của các NH nhằm có bức tranh toàn cảnh báo cáo cho NHNN, từ đó có những giải pháp nhằm hỗ trợ tốt hơn cho doanh nghiệp” - ông Minh cam kết.

Một số chuyên gia đánh giá nếu so với các doanh nghiệp lớn trong các lĩnh vực như hàng không, du lịch, dầu khí… đều lao đao trong mùa dịch thì các NHTM lại đều lãi lớn. Do đó, các NH cần chấp nhận giảm lợi nhuận để đưa ra mức lãi vay hợp lý. Đây là cách để các NH chia sẻ lợi ích và đồng hành với các doanh nghiệp thời điểm này như họ đã nhiều lần tuyên bố.

Không phải lợi nhuận cao mà là chia sẻ với doanh nghiệp

Tại hội nghị tổng kết ngành NH mới đây, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho rằng mặc dù NHNN và các tổ chức tín dụng đã nỗ lực trong điều chỉnh giảm lãi suất cho vay nhưng vẫn chưa đáp ứng được kỳ vọng của doanh nghiệp và người dân. Trong đó đặc biệt là đối với lãi suất các khoản cho vay cũ, lãi suất trung, dài hạn. “Nhiều NHTM có lợi nhuận khá lớn, coi lợi nhuận là tối đa” - Thủ tướng nói.

Từ đó, người đứng đầu Chính phủ cho rằng trong bối cảnh còn khó khăn hiện nay, ngành NH chưa nên nhắm tới mục tiêu lợi nhuận mà tiếp tục chia sẻ với nhà đầu tư, doanh nghiệp và người dân để hỗ trợ phát triển sản xuất 

Chuyên gia tài chính NH Nguyễn Trí Hiếu đề xuất: Để kéo giảm lãi vay, cần có một tổ hợp tín dụng đi kèm với bảo lãnh tín dụng. Theo đó, các NH cùng tham gia vào tổ hợp này tùy vào khả năng từng NH mà đóng góp vốn.

Gói vốn cho tổ hợp tín dụng nên ở mức 300.000 tỉ đồng và cho vay tín chấp với lãi suất 3%-5%. Tuy nhiên, cho vay tín chấp sẽ có rủi ro nên phải có thêm cơ chế quỹ bảo lãnh tín dụng.

“Đơn vị nhận gói vay này nên để kỳ hạn vay năm năm nhằm giúp hồi phục và tăng trưởng hậu dịch bệnh. Bằng cách này, lãi vay thấp sẽ lan tỏa đến cả các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ, những thực thể bị ảnh hưởng mạnh bởi dịch bệnh trong khi khó có đủ tài sản có giá trị để thế chấp vay tín dụng” - ông Hiếu nói.

Hàng loạt ngân hàng lãi khủng

Hàng loạt NH công bố đạt lợi nhuận khủng giữa bối cảnh cả nền kinh tế bị ảnh hưởng của dịch COVID-19.

Đơn cử VietinBank cho hay năm 2020 NH này vượt xa các chỉ tiêu kế hoạch đặt ra. Cụ thể, lợi nhuận trước thuế NH riêng lẻ 16.450 tỉ đồng, tăng hơn 40% so với năm 2019.

BIDV cũng đạt lợi nhuận năm 2020 ở mức hơn 9.000 tỉ đồng, trong đó riêng NH mẹ đạt 8.515 tỉ đồng. Tương tự, TPBank cho biết kết thúc năm 2020 lợi nhuận trước thuế tăng 11%, đạt hơn 4.200 tỉ đồng.

Trong khi đó, lũy kế chín tháng năm 2020, Vietcombank có thu nhập lãi thuần đạt gần 26.000 tỉ đồng và lãi ròng là hơn 12.000 tỉ đồng. 

Nguồn: [Link nguồn]

Vay trực tuyến lãi suất cao do lỗi hệ thống?

(NLĐO) – Khách hàng vay 3,5 triệu đồng bị đòi nợ với lãi suất tương đương cao ngất ngưởng, ứng dụng cho vay trực tuyến...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo PHƯƠNG MINH ([Tên nguồn])
Kinh tế toàn cảnh Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN