Người vay tiền lãnh đủ vì sập bẫy công ty tài chính dỏm

Sự kiện: Kinh tế toàn cảnh

Việc giả mạo công ty tài chính ảnh hưởng đến người vay tiền, công ty tài chính và gây ra hệ lụy xấu cho thị trường tài chính tiêu dùng.

Gần đây cơ quan chức năng, các công ty tài chính (CTTC) đã liên tục cảnh báo các chiêu, thủ đoạn lừa đảo giả mạo các CTTC để cho vay tiền nhằm chiếm đoạt tài sản. Tuy nhiên, không ít người mất cảnh giác, bị lừa mất hàng chục, thậm chí hàng trăm triệu đồng.

Bỗng nhiên bị “hành hạ” đủ kiểu

Chị Thanh Vân (quận Bình Thạnh, TP.HCM) chia sẻ: Một người bạn của chị vay tiêu dùng tại một CTTC. Điều đáng nói là người bạn đưa số điện thoại của chị vào danh sách số điện thoại tham chiếu mà chị không biết. Sau năm tháng, chị Vân trở thành “vật thế thân”.

“Dù không vay nhưng tôi vẫn bị nhắc nợ liên tục. Sau khi thông báo sự việc với tổng đài của CTTC và nhận được phản hồi mới té ngửa số điện thoại nhắc nợ tôi không phải của họ mà có thể của bên tín dụng đen” - chị Vân kể.

Cũng theo chị Vân, lúc đầu họ đòi nợ khá nhẹ nhàng, lịch sự nhưng càng về sau thì chị thực sự bị ám ảnh, bởi họ gọi đòi nợ không chỉ trong giờ làm việc mà cả sáng sớm, tối khuya. Cứ chặn số này lại mọc số khác, lời lẽ đòi nợ thì tục tĩu.

“Cuối cùng tôi đành phải tạm thời khóa số điện thoại chính của mình và sử dụng số điện thoại khác để tránh bị khủng bố. Cách làm này ảnh hưởng rất nhiều đến công việc của tôi nhưng đành chấp nhận” - chị Vân kể.

Anh Phan Tùng (chủ một công ty gỗ mỹ nghệ ở quận 9, TP.HCM) cũng là nạn nhân của CTTC dỏm.

Anh kể mình là đối tác của một công ty xây dựng có văn phòng tại quận 1 và hiện các hợp đồng dịch vụ đã được thanh toán đủ, không hề có khoản nợ nào. Thế nhưng cách đây một tháng, anh bất ngờ bị một nhóm đòi nợ kiểu “xã hội đen” yêu cầu trả nợ cho công ty xây dựng kể trên để được làm ăn yên ổn.

Tín dụng đen tiếp thị nhan nhản khắp nơi. Ảnh: HOÀNG GIANG

Tín dụng đen tiếp thị nhan nhản khắp nơi. Ảnh: HOÀNG GIANG

Không chỉ gọi điện thoại đòi nợ, các đối tượng trên còn đăng ảnh con của anh lên mạng xã hội với nội dung xuyên tạc là bé bị ung thư, gia đình nghèo khó và xin cứu trợ. Thậm chí chúng còn lấy ảnh khuôn mặt anh ghép vào ảnh khỏa thân rồi đăng lên các trang mạng xã hội nhằm làm nhục gia đình anh.

Tuy nhiên, khi liên lạc với phía công ty xây dựng để phản ánh thực trạng và yêu cầu giải quyết thì được biết công ty này cũng không hề vay. Nguyên nhân là em trai ông chủ công ty xây dựng vay của một CTTC mạo danh. “Vậy là tôi đành phải cầu cứu cơ quan công an để có biện pháp xử lý giúp và phải mất cả tháng gia đình tôi mới thoát khỏi tình trạng khủng bố” - anh Tùng kể.

Các CTTC được cấp phép bị vạ lây

Ông Nguyễn Thành Phúc, Phó Tổng giám đốc FE Credit, thừa nhận hoạt động kinh doanh của công ty nói riêng và các CTTC nói chung bị hiểu nhầm là tín dụng đen. Thực tế này ảnh hưởng nghiêm trọng tới công tác thu hồi nợ của công ty.

Đặc biệt, khi nhiều đối tượng xấu lợi dụng sự cả tin và kiến thức tài chính hạn chế của người dân để dụ dỗ cho vay, sau đó lại xưng danh CTTC để đòi nợ bằng những hành vi thiếu chuẩn mực. Điều này khiến nhiều người dân lo sợ, mất lòng tin và không dám lựa chọn vay vốn từ các CTTC được NHNN cấp phép.

“Việc bị mạo danh khiến chúng tôi chịu hàm oan. Nhiều người cho rằng các hành vi thu hồi nợ kiểu khủng bố đều do công ty tôi thực hiện, dẫn đến mất uy tín trong lòng người dân, họ xa lánh và không dám vay. Không chỉ vậy, nó còn khiến hoạt động cho vay và thu hồi nợ gặp nhiều khó khăn, thậm chí công ty không liên hệ được với khách hàng. Là CTTC hoạt động dưới sự kiểm soát của NHNN và luôn tuân thủ pháp luật, chúng tôi không thể làm các hành động phi pháp, bất chấp pháp luật để thu hồi nợ” - ông Phúc khẳng định.

Chuyên gia tài chính DƯƠNG ANH VŨ:

Công ty giả mạo có thể gây lũng đoạn thị trường

Chính việc sử dụng tràn lan những cụm từ CTTC, cho vay tiêu dùng, credit… đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới các CTTC chính thống. Thực tế, các công ty cho vay được cấp phép hoạt động theo Luật Doanh nghiệp, do Sở KH&ĐT của các tỉnh cấp. Việc họ sử dụng cụm từ CTTC không nằm trong sự kiểm soát của NHNN.

Đáng nói là việc giả mạo CTTC không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến khách hàng, uy tín của CTTC chính thống mà nó còn gây hệ lụy tới thị trường tài chính tiêu dùng. Bởi lẽ CTTC là kênh dẫn vốn cho người yếu thế, kích cầu tiêu dùng nhưng hiện nay người dân dần mất niềm tin vào CTTC, khó tiếp cận vốn vay chính thống và khiến nguy cơ tín dụng đen bùng phát.

Hơn nữa, việc tín dụng đen núp bóng các app cho vay rất nguy hiểm, có thể gây lũng đoạn thị trường.

Ông NGUYỄN THÀNH PHÚC, Phó Tổng giám đốc FE Credit:

Khách hàng không dám trả nợ CTTC chính thống

Thông thường khách hàng không chỉ vay một CTTC mà còn vay trên nhiều app tín dụng đen khác. Trong khi đó, phần lớn các app “ma” này đều dễ dàng xâm nhập và nắm được thông tin cá nhân của người vay nên đối tượng này luôn yêu cầu khách hàng phải ưu tiên trả nợ cho khoản vay của tín dụng đen trước bằng những thủ đoạn đòi nợ khó chấp nhận.

Điều này dẫn đến CTTC chính thống không đòi được nợ, kéo theo nguy cơ nợ xấu tăng cao. Khi khách hàng không trả nợ CTTC sẽ bị dính nợ xấu trên hệ thống CIC (Trung tâm Thông tin tín dụng) và sau này nếu muốn vay tại các ngân hàng sẽ gặp nhiều khó khăn...

Đây là một vòng hệ lụy luẩn quẩn, khó giải quyết, ảnh hưởng đến an ninh xã hội và chất lượng tín dụng cá nhân.

Nguồn: [Link nguồn]

Ngân hàng bất ngờ giảm mạnh lãi suất cho vay

Trái ngược với đà tăng của lãi suất cho vay được các ngân hàng công bố thời gian gần đây, nhà băng này đã mạnh tay giảm lãi suất cho vay nhằm hỗ trợ khách hàng.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Mai Anh ([Tên nguồn])
Kinh tế toàn cảnh Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN