DANH MỤC

Người vay than trời vì lãi suất tăng liên tiếp, có người phải bỏ cả giấc mơ mua nhà

Sau những lần tăng lãi suất tiết kiệm, mặt bằng lãi suất cho vay cá nhân đã lên mức 13-14%/năm và doanh nghiệp tầm 10%/năm, tăng khoảng 2% mỗi năm so với đầu năm. Việc lãi suất vay tăng liên tiếp và khó tiếp cận nguồn vốn vay trong những tháng gần đây khiến nhiều người gặp áp lực, thậm chí không kịp trở tay.

Lãi suất tiết kiệm liên tục lập đỉnh mới

Trong khi những kênh đầu tư như vàng, chứng khoán, BĐS có nhiều biến động thời gian qua thì tiết kiệm ngân hàng đang trở thành kênh đầu tư sinh lời nhất ở thời điểm hiện nay khi lãi suất tiết kiệm liên tục được các nhà băng đẩy lên mặt bằng mới.

Tại kỳ hạn gửi 6 tháng, ngân hàng số hiện đưa ra mức lãi suất cố định lên tới 8,5%/năm. Trường hợp khách hàng gửi tiền theo các mốc 50 triệu; 100 triệu; 200 triệu và 300 triệu đồng trở lên, mức lãi suất tối đa cũng tăng tương ứng lên tới 8,8%/năm.

Tương tự, với kỳ hạn 12 tháng, lãi suất cố định nhà băng này đưa ra cho khách gửi tiền là 9%/năm, nhưng lãi suất tối đa có thể nhận được lên tới 9,3%/năm nếu gửi từ 300 triệu đồng trở lên.

Một loạt ngân hàng vừa tăng mạnh lãi suất tiết kiệm trong tháng 10

Một loạt ngân hàng vừa tăng mạnh lãi suất tiết kiệm trong tháng 10

Đáng chú ý, với kỳ hạn 36 tháng, ngân hàng số này hiện áp dụng mức lãi suất tối đa lên tới 9,5%/năm. Với số tiền gửi thấp hơn cùng kỳ hạn, nhà băng này đưa ra mức lãi suất dao động trong khoảng 9,2-9,4%/năm.

Trước đó, hàng loạt ngân hàng đã nâng biểu lãi suất huy động lên xấp xỉ mức 9%/năm như VietABank (8,4%/năm); Kienlongbank (8,6%/năm); SCB (8,9%/năm); NCB (8,4%/năm), ABBank (8,8%/năm), Bắc Á (8,3%/năm), MSB (8%/năm), Techcombank (8%/năm), Nam Á Bank (8,4%/năm) …

Nếu như những người có tiền nhàn rỗi vui mừng khi lãi tiết kiệm liên tục tăng cao thời gian gần đây thì việc lãi tiết kiệm tăng cũng trở thành vấn đề lớn với những người đang có nhu cầu vay tiền nhà băng để sản xuất, kinh doanh, mua nhà khi lãi suất cho vay cũng được các ngân hàng điều chỉnh theo xu hướng tăng cùng với đà tăng của lãi suất tiết kiệm và biên độ thả nổi từ 3,5 đến 4%/năm.

Lãi suất cho vay không ngừng tăng mạnh

Theo ghi nhận, hiện mức lãi suất cho vay doanh nghiệp không thuộc lĩnh vực ưu tiên đã tăng thêm 1-2% so với cùng kỳ năm ngoái. Các nhà băng cho vay sản xuất kinh doanh trong khoảng 8-10% tùy từng nhóm khách hàng và mục tiêu vay vốn.

Lãi suất cho vay sản xuất kinh doanh của các nhà băng đã tăng lên mức 8-10%/năm

Lãi suất cho vay sản xuất kinh doanh của các nhà băng đã tăng lên mức 8-10%/năm

Còn với nhóm khách hàng cá nhân, mức lãi suất cho vay mới và khoản vay cũ tại phần lớn ngân hàng hiện đã tăng ít nhất 2% so với đầu năm. Hiện lãi suất ưu đãi cho khoản vay mới dành cho cá nhân thế chấp đã tăng từ 8-9% lên mức tối thiểu 11,5% một năm tại nhóm nhà băng tư nhân và khoảng 10% tại khối ngân hàng có vốn nhà nước

"Nước lên thuyền lên", mức lãi suất cho vay mới và khoản vay cũ tại phần lớn ngân hàng hiện đã tăng ít nhất từ 2% so với đầu năm...

Ở những ngân hàng có vốn nước ngoài thường có lãi suất ưu đãi nhất thị trường nay lãi suất cho vay cũng rục rịch tăng. Một nhân viên tín dụng khách hàng cá nhân của ngân hàng có vốn nước ngoài tại Hà Nội cho biết, mức lãi suất cho vay đã tăng lên 8,9% trong ba năm đầu và sau đó thả nổi khoảng 10,5-11% mỗi năm. Cùng thời điểm này năm ngoái, nhà băng này cho vay khách hàng cá nhân chỉ 5,5-9% một năm, tùy từng chương trình.

Với khách vay cũ đang áp dụng lãi suất thả nổi (biên độ 3,5-4% so với lãi suất cơ sở), hiện mặt bằng trong nhóm ngân hàng tư nhân dao động 12,5-14,5% một năm. Nhóm nhà băng nhỏ thậm chí lãi suất cho vay còn cao hơn lên 15%/năm với lý do "nước lên thuyền lên".

Giám đốc một doanh nghiệp vận tải có trụ sở tại Hà Nội cũng cho biết lãi suất vay của công ty ông đã tăng khoảng 2,5% so với đầu năm, cùng với đó số tiền lãi cũng tăng thêm cả tỷ đồng. Trong khi đó, theo ông, sức ép chi phí ngày một tăng, ngành logistics lại bị ảnh hưởng vì xuất nhập khẩu vẫn khá trầm lắng, buộc công ty phải tính đến phương án giảm quy mô vốn vay để nhẹ áp lực.

Lãi suất tăng mạnh nhưng việc vay vốn ngân hàng thời điểm này là không dễ khi nhu cầu vay vốn của khách hàng đang tăng cao

Lãi suất tăng mạnh nhưng việc vay vốn ngân hàng thời điểm này là không dễ khi nhu cầu vay vốn của khách hàng đang tăng cao

Lãi suất tăng mạnh nhưng việc vay vốn không dễ, bởi một số nhà băng thậm chí đã cạn dư địa cho vay.

Lãi suất tăng mạnh nhưng việc vay vốn không dễ, đặc biệt trong bối cảnh "room" tín dụng hạn hẹp, một số nhà băng thậm chí đã cạn dư địa cho vay.   

Trước bối cảnh người vay mua nhà đối diện lãi suất vay tăng và khó tiếp cận nguồn vốn, ông Đào Nhật An, giám đốc kinh doanh một sàn giao dịch bất động sản có văn phòng tại phường Mỹ Đình (Nam Từ Liêm) cho biết, việc lãi suất vay tăng tiếp tục là “cú bồi” khiến thanh khoản thị trường bất động sản thời gian qua giảm mạnh, bên cạnh hàng loạt các yếu tố bất cập mà thị trường phải đối mặt từ đầu năm là giá tăng cao, tín dụng ngân hàng bị siết. Với tình hình hiện tại, ông Nhật An dự đoán thị trường bất động sản sẽ tiếp tục gặp khó không chỉ với sản phẩm đầu tư mà với cả các sản phẩm mua ở thực.

Thách thức với người có nhu cầu vay vốn

Anh Trung (Hoàng Mai, Hà Nội) – người đang vay trả góp căn nhà mua từ trước dịch Covid-19, cho biết liên tiếp nhận được thông báo tăng lãi suất trong ba tháng gần đây, từ hơn 11% lên 13,5% một năm. Với khoản vay tiền tỷ, mỗi tháng anh sẽ trả thêm tiền lãi cả triệu đồng.

Lãi suất vay tăng, nhiều cặp vợ chồng đành phải ngậm ngùi tiếp tục ở thuê và hoãn kế hoạch mua nhà, trong đó câu chuyện của chị Phan Thanh Huyền (Bắc Từ Liêm, Hà Nội) là một ví dụ.

Lãi tiết kiệm tăng cao cũng đã đẩy mặt bằng lãi suất cho vay tại các ngân hàng biến động mạnh

Lãi tiết kiệm tăng cao cũng đã đẩy mặt bằng lãi suất cho vay tại các ngân hàng biến động mạnh

Chị Huyền cho hay, thời điểm tháng 8, khi có kế hoạch mua nhà, chị đã tìm hiểu kỹ một số ngân hàng. Sau khi tính toán thấy phù hợp khả năng chi trả nên hai vợ chồng chị tự tin đi tìm nhà.

Lãi suất vay “thả nổi” tại một số ngân hàng liên tục tăng trong những tháng gần đây, từ hơn 11% lên 13,5% một năm, thậm chí tới tăng lên 14%/năm thay vì 8,5%/năm như trước... đã khiến nhiều người vay tiêu dùng, doanh nghiệp gặp khó.

Tuy nhiên, mới đây đầu tháng 10, khi tìm và muốn chốt mua căn hộ ưng ý thì nhân viên ngân hàng nơi mà gia đình chị làm việc thông báo room tín dụng đến nay vẫn còn nhưng lãi suất vay mua nhà đã tăng lên 12%/năm. Với việc lãi suất tăng, gánh nặng trả nợ cao hơn, vợ chồng chị Huyền đã quyết định dừng việc mua nhà, tiếp tục việc đi thuê.

Anh Thịnh (TP.HCM) cho biết gia đình anh mới vay 800 triệu đồng để mua nhà trong năm 2021 và mới đây ngân hàng nơi anh vay vốn cũng đã thông báo mức lãi suất vay mới. Trước thông báo của ngân hàng, anh Thịnh cho biết hai vợ chồng đã tính lại khoản trả lãi vay mỗi tháng và thấy đuối, đường nào cũng cực hết, bán nhà trả nợ thì không biết bao giờ mới có lại nhà, cảnh nhà trọ khi con lớn lên đi học cũng khổ, mà gồng gánh trả nợ trả lãi cũng đuối với tổng lương 30 triệu nuôi 2 con tại Sài Gòn. Người đàn ông này thừa nhận “đôi lúc chỉ ước mơ cha mẹ 2 bên có của hỗ trợ con một phần thì cuộc sống dễ thở hơn”.

Trong khi đó, anh Hải (Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết đã "choáng váng" khi nhận được thông báo lãi suất khoản vay mua nhà tăng lên 14%/năm thay vì 8,5%/năm như trước đây. "Khoản vay của tôi đã hết thời gian ưu đãi, lãi suất thả nổi theo thị trường, nhưng tăng mạnh như vậy tôi không biết sẽ phải xoay xở như thế nào", anh Hải than thở.

Niềm vui mua được chiếc xe ô tô 5 chỗ để phục vụ kinh doanh của anh Mạnh (Thanh Xuân – Hà Nội) qua nhanh vì ngân hàng liên tục điều chỉnh 2 lần tăng lãi suất. Theo anh Mạnh, tháng 8/2021, anh vay mua xe ô tô của một chi nhánh ngân hàng thương mại trên địa bàn với lãi suất 8,5%/năm.

Số tiền lãi khách hàng phải trả hàng tháng tăng lên sau khi ngân hàng điều chỉnh lãi suất cho vay

Số tiền lãi khách hàng phải trả hàng tháng tăng lên sau khi ngân hàng điều chỉnh lãi suất cho vay

Sau một năm, đến tháng 8/2022 ngân hàng điều chỉnh lãi suất là 11,5%/năm nhưng đến đầu tháng 10 anh được nhân viên ngân hàng gọi điện báo lãi suất được điều chỉnh tăng lên, dự kiến 12%/năm. “Tôi bắt buộc phải cân đối các khoản chi tiêu. Trước đây tôi trả ngân hàng mỗi tháng 5 triệu đồng nay đã 8 triệu đồng” - anh Mạnh nói.

Tương tự, một số doanh nghiệp trong lĩnh vực chế biến thực phẩm cho hay, thời gian qua, giá nguyên liệu đầu tăng từ 30-50% nhưng công ty chỉ dám tăng giá 20% ở đầu ra, vậy mà khách hàng không đồng ý. Nhất là khi giá xăng dầu giảm, khách hàng luôn thắc mắc rằng tại sao lại tăng giá bán. Tuy nhiên, do phải nhập khẩu nguyên liệu từ nước ngoài, khi giá nguyên liệu tăng thì giá sản phẩm cũng tăng. Nay lãi suất vay vốn ngắn hạn của các ngân hàng chịu sức ép tăng sẽ làm cho chi phí đầu vào của các doanh nghiệp tiếp tục tăng lên.

Lãi suất cho vay thời gian tới khó giảm

Lý giải đà đi lên mạnh của lãi suất cho vay, các chuyên gia cho rằng mặt bằng lãi suất cho vay những năm trước đã giảm xuống mức thấp giờ đang tăng trở lại, chủ yếu do cầu tín dụng gia tăng khi kinh tế tăng trưởng và lãi suất tiền gửi có xu hướng đi lên.

Từ đầu năm tới nay, lãi suất huy động kỳ hạn 12 tháng tại khối ngân hàng có vốn nhà nước tăng bình quân 1%, còn tại nhóm tư nhân tăng từ 1% đến 2,7%. Một số ngân hàng tư nhân dù "room" tín dụng đã cạn vẫn chạy đua nâng lãi suất huy động lên 8-9% một năm và tung ra chứng chỉ tiền gửi lãi suất lên tới 10% một năm để hút vốn là nguồn tiền nhàn rỗi của người dân vào kênh tín dụng ngân hàng.

Nhiều lãnh đạo ngành Ngân hàng thừa nhận lãi suất cho vay khó hạ nhiệt trong bối cảnh lãi tiết kiệm liên tục tăng

Nhiều lãnh đạo ngành Ngân hàng thừa nhận lãi suất cho vay khó hạ nhiệt trong bối cảnh lãi tiết kiệm liên tục tăng

Lãi suất vay mượn giữa các ngân hàng cũng liên tục đi lên từ tháng 6 đến nay. Tới đầu tháng 10, lãi suất có lúc vượt 10% mức cao nhất kể từ năm 2012 - do thanh khoản trên hệ thống gặp nhiều áp lực.

Lãnh đạo các nhà băng dự báo lãi suất cho vay thời gian tới khó hạ nhiệt...

Lãnh đạo các nhà băng dự báo lãi suất cho vay thời gian tới khó hạ nhiệt và sẽ phụ thuộc nhiều vào thanh khoản, đặc biệt là diễn biến giải ngân đầu tư công. Tiền hút vào nhiều thông qua trái phiếu Chính phủ, thu ngân sách vượt kế hoạch trong khi giải ngân đầu tư công chậm khiến thị trường khan tiền, áp lực lên lãi suất cho vay.

Ghi nhận trong báo cáo gửi Quốc hội, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho biết một trong những yếu tố khiến lãi suất cho vay khó giảm ngay trong thời gian tới là các ngân hàng trung ương lớn trên thế giới vẫn tiếp tục đẩy nhanh tiến trình thu hẹp nới lỏng chính sách tiền tệ, đồng thời điều chỉnh tăng lãi suất nhanh và mạnh.

Theo thống kê của NHNN, năm 2021, thế giới đã có 113 lượt tăng lãi suất điều hành. Còn tính từ đầu năm 2022 đến nay, đã có thêm 269 lượt tăng lãi suất trên toàn cầu.

“Cung về vốn bị đọng tại ngân sách Nhà nước, nhưng cầu về vốn vẫn ở mức cao phục vụ sản xuất kinh doanh phục hồi kinh tế, khiến việc giảm lãi suất của nền kinh tế ngày càng khó khăn”, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng.

Trong đó, nhiều ngân hàng trung ương đã điều chỉnh tăng nhanh và mạnh lãi suất như Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tăng 5 lượt liên tiếp lên mức 3-3,25%/năm; ECB tăng 2 lượt với mức tăng lần lượt 0,5% và 0,75%/năm. Tương tự, cả Ngân hàng Trung ương Anh (BoE) và Ngân hàng Trung ương Canada, Hàn Quốc, Australia, Brazil, Ấn Độ, Nam Phi… đều đã tăng lãi suất để kiểm soát lạm phát.

Thống đốc Nguyễn Thị Hồng nêu ra một loạt khó khăn trong việc giảm lãi suất cho vay theo chỉ đạo của Quốc hội. Ảnh: NHNN.

Thống đốc Nguyễn Thị Hồng nêu ra một loạt khó khăn trong việc giảm lãi suất cho vay theo chỉ đạo của Quốc hội. Ảnh: NHNN.

Bên cạnh chính sách tăng lãi suất đồng loạt của các quốc gia, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết việc lạm phát trong và ngoài nước có xu hướng gia tăng cũng ảnh hưởng tới việc điều hành lãi suất cho vay trong thời gian tới. Theo đó, giá nguyên vật liệu thế giới đi lên, chi phí vận chuyển tăng cao, nguồn cung gián đoạn và tác động trễ của chính sách tiền tệ, tài khóa nới lỏng từ năm 2020 sẽ tạo áp lực lớn cho lạm phát.

Trong khi đó, mặt bằng lãi suất cho vay tại thị trường trong nước những năm trước đã giảm xuống mức thấp và đang tăng trở lại, chủ yếu do cầu tín dụng gia tăng khi kinh tế tăng trưởng trở lại và lãi suất tiền gửi có xu hướng tăng.

Một yếu tố khiến lãi suất cho vay khó giảm thời gian tới chính là tỷ giá USD/VND có xu hướng gia tăng, gây sức ép lên lãi suất tiền Đồng.

Bên cạnh khó khăn trong việc giảm lãi suất cho vay thời gian tới, Thống đốc NHNN cũng cho biết áp lực với vốn tín dụng ngân hàng đang tăng cao trong bối cảnh nền kinh tế cần vốn để phục hồi. Tuy nhiên, các nguồn vốn khác lại diễn biến không thuận lợi.

Ngoài ra, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết trong những năm gần đây, các khoản giải ngân của ngân sách Nhà nước vẫn chậm so với yêu cầu, dẫn đến tồn ngân quỹ Nhà nước ở mức cao, làm giảm lượng tiền trong nền kinh tế.

“Cung về vốn bị đọng tại ngân sách Nhà nước, nhưng cầu về vốn vẫn ở mức cao phục vụ sản xuất kinh doanh phục hồi kinh tế, khiến việc giảm lãi suất của nền kinh tế ngày càng khó khăn”, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng nêu trong báo cáo.

Người vay than trời vì lãi suất tăng liên tiếp, có người phải bỏ cả giấc mơ mua nhà - 8

Hồng Hương – Trung Kiên

Thứ Hai, ngày 24/10/2022 05:00 AM (GMT+7)

Nguồn: [Link nguồn]

Theo Hồng Hương - Trung Kiên ([Tên nguồn])