Doanh nhân tuần qua: Nữ tướng mới của VinFast toàn cầu là ai?
Tập đoàn Vingroup vừa công bố bổ nhiệm bà Lê Thị Thu Thuỷ, hiện là Phó Chủ tịch tập đoàn làm Tổng giám đốc VinFast toàn cầu
VinFast toàn cầu thay tướng
Tập đoàn Vingroup vừa công bố bổ nhiệm bà Lê Thị Thu Thuỷ, hiện là Phó Chủ tịch tập đoàn làm Tổng giám đốc VinFast toàn cầu. Ông Michael Lohscheller sẽ rời vị trí và trở về châu Âu vì lí do cá nhân.
Bà Lê Thị Thu Thuỷ.
Theo quyết định này, Bà Thuỷ sẽ đảm nhiệm vị trí Tổng giám đốc VinFast toàn cầu, chịu trách nhiệm điều hành các hoạt động của công ty VinFast, hướng tới mục tiêu đưa VinFast trở thành hãng xe điện thông minh toàn cầu. Bà Thủy đồng thời vẫn là Phó Chủ tịch Tập đoàn Vingroup.
Bà Thuỷ sẽ làm việc tại Việt Nam, trực tiếp điều hành hoạt động kinh doanh tại các thị trường của VinFast hiện nay, bao gồm Việt Nam, Mỹ, Canada, Pháp, Đức, Hà Lan. Trong giai đoạn tiếp theo, bà Thuỷ cũng chịu trách nhiệm nghiên cứu và mở rộng kinh doanh sang các thị trường tiềm năng khác trên toàn cầu.
Bầu Thụy lập công ty tỷ USD và tham vọng mới
Sau thông tin gây xôn xao về việc Thaigroup đề xuất chủ trương đầu tư Cảng Vũ trụ du lịch quy mô 30.000 tỷ đồng tại Phú Quốc được công bố, Hội đồng quản trị (HĐQT) Công ty Cổ phần Thaiholdings mới đây cũng thông qua việc góp vốn thành lập Công ty Cổ phần Thaispace và các nội dung đăng ký doanh nghiệp của công ty này.
Thaispace muốn thực hiện chuyến bay đầu tiên vào vũ trụ tại Phú Quốc.
Theo đó, mục tiêu thành lập Công ty Cổ phần Thaispace là thực hiện chuyến bay đầu tiên vào vũ trụ tại Phú Quốc, Việt Nam, nếu được các cơ quan quản lý cấp phép. Doanh nghiệp này đặt trụ sở tại Phú Quốc, Kiên Giang.
Tổng vốn điều lệ dự kiến của Công ty Cổ phần Thaispace là 26.688 tỷ đồng (gần 1,2 tỷ USD). Giá trị góp vốn dự kiến của Thaiholdings là 1.334,4 tỷ đồng, tương ứng với 5% tổng mức vốn điều lệ của Công ty Cổ phần Thaispace. Công ty này cũng dự kiến huy động vốn từ thị trường chứng khoán Mỹ với kế hoạch IPO trong năm 2022 nếu đủ điều kiện.
Nhà sáng lập Golden Gate bán khối cổ phần 720 tỷ đồng
Công ty Thương mại Dịch vụ Cổng Vàng (Golden Gate) vừa có báo cáo giao dịch của người nội bộ. Theo đó, chủ tịch HĐQT kiêm tổng giám đốc Đào Thế Vinh đã chuyển nhượng 371.139 cổ phần (tương đương 4,86% vốn điều lệ công ty) theo hình thức thỏa thuận.
Giao dịch được thực hiện nhằm giảm tỷ lệ sở hữu trong khoảng thời gian 22-24/12. Với thương vụ trên, hiện ông Vinh chỉ còn nắm giữ 390.458 cổ phần, tương ứng 5,115% vốn điều lệ.
Trước giao dịch bán lượng lớn cổ phần trên, vị tổng giám đốc còn thực hiện một giao dịch nhận chuyển nhượng 4.000 cổ phiếu vào hôm 26/11.
Đến ngày 29/11, Golden Gate thực hiện thương vụ phát hành 493,7 tỷ đồng trái phiếu kỳ hạn 3 năm với lãi suất cố định 11,5%/năm. Đây là trái phiếu không chuyển đổi, không kèm chứng quyền và có tài sản đảm bảo.
Trong đó, tài sản đảm bảo là 573.372 cổ phần của Golden Gate. Theo chứng thư thẩm định giá do Công ty CP Định giá và Tư vấn Đầu tư Quốc tế ban hành ngày 30/8, giá trị một cổ phần Golden Gate là 1.953.359 đồng.
Tạm tính theo mức định giá trên, số cổ phần ông Đào Thế Vinh vừa chuyển nhượng vào khoảng 720 tỷ đồng (tương đương hơn 32 triệu USD). Golden Gate có tổng cộng hơn 7,6 triệu cổ phần cũng được định giá ở mức 14.845 tỷ đồng (tương đương hơn 650 triệu USD).
CEO Quốc Cường Gia Lai nhẹ nhõm vì không còn áp lực
Chia sẻ tại họp đại hội đồng cổ đông thường niên mới tổ chức gần đây, bà Nguyễn Thị Như Loan - Tổng Giám đốc Quốc Cường Gia Lai cho biết công ty đang sở hữu lợi thế với quỹ đất không nhỏ tại TPHCM, nợ vay cũng đã giảm đáng kể so với trước đây. Bà Loan cho biết cá nhân cảm thấy nhẹ nhõm còn HĐQT cũng không còn áp lực, gánh nặng như trước.
Năm 2021, công ty đặt kế hoạch doanh số 1.000 tỷ đồng, lợi nhuận 80 tỷ đồng. Sau 9 tháng, Quốc Cường Gia Lai đã thu về 733 tỷ đồng, lợi nhuận ròng 59 tỷ đồng. Trong năm 2022, dự kiến HĐQT doanh nghiệp sẽ đặt chỉ tiêu doanh thu 1.200 tỷ đồng và khoản lãi 120 tỷ đồng.
Đại gia Nam Định mở thêm 5 chuỗi mới ngay tháng 1/2022
Thế Giới Di Động của đại gia Nam Định Nguyễn Đức Tài đang có kế hoạch ra mắt cùng lúc 5 chuỗi cửa hàng mới trong hệ sinh thái AVAWorld ngay đầu năm mới. Các chuỗi này bao gồm AVASport, AVAFashion, AVAKids, AVAJi và AVACycle.
Cụ thể, công ty đầu ngành về phân phối sản phẩm điện tử sẽ đồng loạt mở mới 25 cửa hàng vào ngày 10/1/2022. Đây là các đơn vị chuyên cung cấp các sản phẩm đồ thể thao, thời trang, mẹ và bé, trang sức và xe đạp, nhằm khai thác thị trường mua sắm dịp Tết 2022.
Thực tế trước đó Thế Giới Di Động đã muốn mở rộng kinh doanh các sản phẩm mới thông qua việc ấp ủ kế hoạch xây dựng hệ sinh thái có tên BlueWorld. Nhóm này ban đầu dự kiến chỉ có 4 chuỗi mang tên là Bluesport, Bluefashion, Bluekids và BlueJi.
Việc mở rộng lĩnh vực bán lẻ sang các sản phẩm hoàn toàn mới như đồ thể thao, sản phẩm thời trang, trang sức... không có trong kế hoạch phát triển hồi đầu năm mà xuất hiện ngay trong đại dịch Covid-19. Lãnh đạo doanh nghiệp này từng chia sẻ nhận thấy cơ hội từ nhiều cửa hàng hiện hữu phải đóng cửa do dịch bệnh trong khi Thế Giới Di Động cũng phải tìm kiếm các mô hình kinh doanh mới nhằm giảm thiệt hại về doanh số cũng như tạo đà tăng trưởng trong năm 2022.
Nguồn: [Link nguồn]
Trong một năm bùng nổ của thị trường chứng khoán, Top 10 người giàu nhất Việt Nam cũng có sự thay đổi lớn. Tổng tài...