Doanh nghiệp Top 500 tăng trưởng nhanh nhất Việt Nam gặp ‘biến cố’ lớn chưa từng có

Từng nằm trong Top 500 doanh nghiệp tăng trưởng nhanh nhất Việt Nam, hiện tại VKC đứng trước nhiều khó khăn sau khi trải qua nhiều "biến cố" về hoạt động kinh doanh, cơ cấu cổ đông.

Mùa đại hội cổ đông, nhiều doanh nghiệp trình phương án kinh doanh và đưa ra những mục tiêu cụ thể cho năm 2023; có những đơn vị trải qua nhiều “biến cố”, không có chỉ tiêu cụ thể cho việc kinh doanh, đầu tư năm 2023.

Lỗ khủng, không huy động được nguồn vay

Công ty Cổ phần VKC Holdings (mã: VKC) có vốn điều lệ 200 tỷ đồng, chuyển đầu tư sản xuất kinh doanh các loại dây cáp viễn thông, ống nhựa, thiết bị điện thoại, vỏ xe (xe du lịch, xe tải, xe máy...).

Từng nằm trong Top 500 doanh nghiệp tăng trưởng nhanh nhất Việt Nam, hiện tại VKC đứng trước nhiều khó khăn sau khi trải qua nhiều "biến cố" về hoạt động kinh doanh, cơ cấu cổ đông.

Trong báo cáo thường niên năm 2022 vừa công bố, đại diện VKC cho hay, năm 2022 công ty có nhiều biến động lớn từ những sai phạm của ban lãnh đạo và cổ đông trước đã gây thiệt hại vô cùng lớn.

Dư nợ quá lớn nên doanh nghhiệp không thể huy động nguồn vay từ các tổ chức tín dụng (ảnh: IT).

Dư nợ quá lớn nên doanh nghhiệp không thể huy động nguồn vay từ các tổ chức tín dụng (ảnh: IT).

"Việc thiếu hụt thanh khoản vốn lưu động từ việc điều tiết dòng tiền của ban lãnh đạo cũ. Đồng thời dư nợ quá lớn nên VKC không thể huy động nguồn vay từ các tổ chức tín dụng", VKC nói chính điều này đã khiến cho VKC không thể tái lập hoạt động kinh doanh cốt lõi của mình.

Các chỉ tiêu hoạt động kinh doanh và tài chính của công ty này cũng đều sụt giảm nghiêm trọng, đặc biệt sau khi ban lãnh đạo mới xử lý tồn đọng trước đó và đã trích lập dự phòng các khoản phải thu.

Kết thúc năm 2022, doanh thu thuần của công ty ghi nhận 263 tỷ đồng nhưng lợi nhuận sau thuế âm tới 239 tỷ đồng.

Đi kèm với kết quả kinh doanh "xám xịt", các chỉ tiêu về khả năng thanh toán của VKC cũng sụt giảm mạnh khi nợ ngắn hạn tăng 25,97% từ 318 tỷ đồng lên 401 tỷ đồng. Khoản trái phiếu dài hạn 200 tỷ đồng đã đến hạn trả và phải kết chuyển từ khoản mục nợ dài hạn thành nợ ngắn hạn.

Ở chiều ngược lại, tài sản ngắn hạn giảm mạnh từ 532 tỷ đồng về 285 tỷ đồng, tương ứng 47,25%. Việc trích lập dự phòng các khoản phải thu ngắn hạn và hàng tồn kho là nguyên nhân chính tạo nên sự sụt giảm mạnh trong cơ cấu tài sản ngắn hạn. Trong khi nợ vay tài chính ngắn hạn tăng cao để đáp ứng nhu cầu vốn lưu động của công ty.

Đáng chú ý, tại thời điểm cuối 2022, hệ số nợ/tổng tài sản đã tăng từ 0,64 lần lên 0,99 lần, tức tỷ lệ tài sản và nợ phải trả gần bằng nhau. Hệ số nợ/vốn chủ sở hữu cũng đã thay đổi đáng kể khi ghi nhận kết quả kinh doanh âm 239 tỷ đồng.

Tập trung xử lý vấn đề cũ, chưa đầu tư mới

Trước nhiều vấn đề nêu trên, khi đề cập đến kế hoạch phát triển trong tương lai, ban lãnh đạo VKC cho biết: Mục tiêu tiên quyết là xử lý các vấn đề tồn đọng, cố gắng hoạt động lại sản xuất kinh doanh và giảm nợ vay. Do đó, chưa thể xây dựng kế hoạch cụ thể cho năm 2023.

Về kế hoạch đầu tư, VKC cũng cho biết sẽ "tập trung xử lý những vấn đề cũ, chưa có kế hoạch đầu tư mới".

Cách đây ít hôm, HNX cũng ra thông báo sẽ xem xét hủy niêm yết bắt buộc với cổ phiếu VKC của Công ty CP VKC Holdings theo quy định. Nguyên nhân do công ty có tổng số lỗ lũy kế vượt quá vốn điều lệ thực góp và tổ chức kiểm toán từ chối cho ý kiến đối với báo cáo tài chính năm 2022.

Trong báo cáo kiểm toán 2022, đơn vị kiểm toán từ chối đưa ra ý kiến chủ yếu do không nhận được thư xác nhận công nợ bằng hình thức đáp trực tiếp từ các tổ chức và cá nhân liên quan và nghi ngờ khả năng hoạt động liên tục khi tổng nợ ngắn hạn vượt quá tổng tài sản ngắn hạn.

Cuối năm 2022, VKC phải thông qua các nghị quyết về việc dừng góp vốn thành lập công ty con và giải thể nhiều chi nhánh, lý do thiếu nguồn vốn. Đồng thời giải thể 5 chi nhánh không còn hoạt động ở các địa phương gồm TPHCM, Vĩnh Long, Đà Nẵng, Phú Yên.

Trước đó, thị trường xôn xao với thông tin Công ty cổ phần Licogi 166 phải xin ngừng kinh doanh 1 năm vì hết tiền, toàn bộ người lao động đã nghỉ việc.

Cụ thể, trong thời gian từ 15/3 năm nay đến hết 14/3/2024, doanh nghiệp tạm ngừng mọi hoạt động kinh doanh để tìm ra phương hướng giải quyết khó khăn và củng cố lại cơ cấu tổ chức.

Trong báo cáo gửi cổ đông, lãnh đạo Licogi 166 cho biết, công ty không có nguồn tài chính để hoạt động, người lao động đã nghỉ việc, không thể triển khai được hoạt động kinh doanh.

Bên cạnh dừng hoạt động công ty, lãnh đạo này còn kiến nghị cổ đông cho phép công ty thực hiện thanh lý các tài sản, thu hồi công nợ để trả nợ lương, nợ ngân hàng, nợ cá nhân và nợ các nhà cung cấp.

Những khó khăn xuất hiện từ năm 2019 khi công ty thiếu việc làm, ít dự án được chuyển tiếp từ năm trước, đồng thời khó khăn về tài chính, vướng mắc do công tác giải phóng mặt bằng từ phía chủ đầu tư quá chậm.

Đặc biệt, năm 2020, ảnh hưởng của dịch COVID-19 khiến hoạt động kinh doanh của công ty càng gặp khó khăn dẫn đến dư nợ vay tại các tổ chức tín dụng bị quá hạn và chuyển sang nhóm nợ xấu từ tháng 7/2021.

Nguồn: [Link nguồn]

Lợi nhuận kinh doanh của loạt đại gia 'bốc hơi' sau kiểm toán

Các doanh nghiệp như PVD, BTP, TDC... đều có điều chỉnh phần lợi nhuận trước và sau kiểm toán. Trong đó, có đơn vị sụt giảm lợi nhuận, có nơi chuyển từ lỗ sang lỗ lớn hơn.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Hải Bình ([Tên nguồn])
Tin tức doanh nghiệp Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN