Đại gia tuần qua: 3 tháng rực rỡ nhất của bầu Đức từ năm 2019

Sự kiện: Kinh tế toàn cảnh

"Con cưng" của bầu Đức có quý kinh doanh tốt nhất từ năm 2019 khi hai sản phẩm chủ lực đều tăng trưởng mạnh với biên lợi nhuận cao.

Công ty bầu Đức có 3 tháng rực rỡ nhất từ 2019

Công ty Cổ phần Hoàng Anh Gia Lai (HAG) vừa công bố báo cáo tài chính quý I với doanh thu thuần đạt hơn 800 tỷ đồng, cao gấp 3 lần so với cùng kỳ 2021. Trong đó, hai mảng chính là trái cây và heo đều ghi nhận doanh số tăng trưởng gần 200% so với quý I năm trước.

Thêm vào đó, hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp phố núi cũng được cải thiện rõ rệt khi biên lợi nhuận gộp tăng mạnh so với cùng kỳ. Trong đó, mảng trái cây có tỷ suất lãi gộp gần 50% trong khi sản phẩm heo cũng có biên lợi nhuận hơn 30%.

Công ty bầu Đức có 3 tháng rực rỡ nhất từ 2019.

Công ty bầu Đức có 3 tháng rực rỡ nhất từ 2019.

Ngoài ra, chi phí lãi vay của Hoàng Anh Gia Lai cũng giảm so với cùng kỳ năm trước. Đặc biệt, công ty ghi nhận khoản hoàn nhập dự phòng hơn 38 tỷ đồng giúp chi phí quản lý doanh nghiệp giảm mạnh.

Nhờ đó, Hoàng Anh Gia Lai báo lãi sau thuế 258 tỷ đồng trong 3 tháng đầu năm, đánh dấu quý kinh doanh khởi sắc nhất từ năm 2019 đến nay. Cùng kỳ năm trước, công ty lỗ ròng tới 69 tỷ đồng.

Nhờ khoản lãi nói trên, lỗ lũy kế tại thời điểm ngày 31/3 của Hoàng Anh Gia Lai giảm nhẹ còn hơn 4.200 tỷ đồng. 

Năm nay, công ty của Chủ tịch HĐQT Đoàn Nguyên Đức (bầu Đức) đặt mục tiêu doanh thu gần 5.000 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế hơn 1.100 tỷ đồng. Như vậy, sau quý đầu tiên, Hoàng Anh Gia Lai đã thực hiện được gần 25% kế hoạch lợi nhuận năm.

Bầu Hiển rời ghế Chủ tịch T&T và một loạt công ty

Bầu Hiển cho biết sau khi được các cổ đông ngân hàng SHB bầu tiếp tục giữ chức vụ chủ tịch HĐQT ngân hàng, ông đã có đơn xin từ nhiệm chức danh chủ tịch HĐQT, thành viên HĐQT và tổng giám đốc tại một số công ty như Chứng khoán Sài Gòn - Hà Nội, Công ty CP Tập đoàn T&T hay Bảo hiểm BSH.

Vị doanh nhân họ Đỗ cho biết việc từ nhiệm này là để đảm bảo quy định tại điều 34 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các tổ chức tín dụng.

Bầu Hiển rời ghế Chủ tịch T&T và một loạt công ty.

Bầu Hiển rời ghế Chủ tịch T&T và một loạt công ty.

Cụ thể, theo quy định của luật này, các cá nhân giữ vị trí chủ tịch HĐQT, tổng giám đốc của một tổ chức tín dụng không được đồng thời là chủ tịch HĐQT, tổng giám đốc hoặc các chức danh tương đương tại các doanh nghiệp khác.

Với việc tiếp tục ngồi ghế chủ tịch HĐQT SHB đến năm 2027, ông Hiển sẽ phải từ nhiệm toàn bộ chức danh tương đương tại các doanh nghiệp khác có liên quan.

Cùng với việc bầu Hiển rời ghế chủ tịch, cổ đông SHS cũng đã bầu ra các thành viên HĐQT và Ban kiểm soát nhiệm kỳ 2022-2027.

Đáng chú ý, trong danh sách thành viên HĐQT nhiệm kỳ mới của SHS tiếp tục có tên ông Đỗ Quang Vinh, con trai cả của bầu Hiển, người cũng vừa đảm nhiệm vai trò thành viên HĐQT ngân hàng SHB nhiệm kỳ 2022-2027.

Trong đó, ông Vinh là một trong 2 nhân sự mới được cổ đông SHB bầu vào ban quản trị ngân hàng nhiệm kỳ này.

Sếp Nasco làm Phó tổng giám đốc Vietnam Airlines

Ông Đặng Ngọc Hòa, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tổng Công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines, mã cổ phiếu: HVN) vừa ký quyết định bổ nhiệm chức Phó tổng giám đốc đối với ông Lê Đức Cảnh, Trưởng ban Đầu tư - Mua sắm Vietnam Airlines và ông Nguyễn Thế Bảo, Giám đốc Chi nhánh Vietnam Airlines khu vực miền Nam. Nhiệm kỳ của 2 phó tổng giám đốc là 4 năm, kể từ 1/5. 

Ông Lê Đức Cảnh sinh năm 1972, học vị thạc sĩ. Ngoài là Phó tổng giám đốc Vietnam Airlines, ông Cảnh còn là Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Dịch vụ Hàng không Sân bay Nội bài (Nasco, mã cổ phiếu: NAS). Nasco là công ty con của Vietnam Airlines với tỷ lệ sở hữu của hãng hàng không quốc gia tại doanh nghiệp này là 51%.

Còn ông Nguyễn Thế Bảo hiện là Giám đốc chi nhánh Vietnam Airlines khu vực phía Nam. Sau khi được bổ nhiệm vào vị trí mới, ông có trách nhiệm lãnh đạo 3 chi nhánh sau sáp nhập của doanh nghiệp này.

Như vậy, Vietnam Airlines sẽ có tổng cộng 8 phó tổng giám đốc, bao gồm 6 người được bổ nhiệm từ trước là ông Trịnh Hồng Quang, ông Trịnh Ngọc Thành, ông Nguyễn Hồng Lĩnh, ông Nguyễn Chiến Thắng, ông Tô Ngọc Giang và ông Đinh Văn Tuấn.

Vingroup của tỷ phú Phạm Nhật Vượng báo lãi trở lại

Công ty cổ phần Tập đoàn Vingroup (VIC) vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý I với kết quả chuyển biến tích cực đáng kể so với quý IV/2021 song lại sụt giảm so với cùng kỳ.

Cụ thể, tổng doanh thu thuần hợp nhất trong quý I của Vingroup đạt 18.229 tỷ đồng, giảm 21,7% so với cùng kỳ năm trước. Vingroup cho biết, nếu điều chỉnh cộng lại doanh thu từ các giao dịch bán lô lớn bất động sản được ghi nhận trong thu nhập tài chính thì doanh thu thuần hợp nhất đạt 25.145 tỷ đồng, tăng 0,4% so với cùng kỳ năm trước.

Doanh thu hoạt động tài chính mang lại 10.738 tỷ đồng cho doanh nghiệp của tỷ phú Phạm Nhật Vượng, tăng hơn 3.600 tỷ đồng so với quý I/2021.

Chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp đều tăng so với cùng kỳ, theo đó, lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh quý vừa rồi chỉ đạt 1.827 tỷ đồng, giảm 980 tỷ đồng so với cùng kỳ năm ngoái.

Tổng lợi nhuận trước thuế trong quý I đạt 1.928 tỷ đồng, và lợi nhuận sau thuế đạt 512 tỷ đồng, lần lượt bằng 69,2% và 59% so với cùng kỳ. Đáng chú ý, lợi nhuận sau thuế cổ đông công ty mẹ đạt 2.454 tỷ đồng, tăng 17% so cùng kỳ.

Tại ngày 31/3, tổng tài sản Vingroup đạt 441.367 tỷ đồng, tăng 3% so với đầu năm. Vốn chủ sở hữu đạt 134.558 tỷ đồng.

Tỷ phú Nguyễn Đăng Quang đặt mục tiêu doanh thu 100.000 tỷ đồng cho Masan

Tại đại hội cổ đông thường niên 2022, ông Nguyễn Đăng Quang - chủ tịch HĐQT Masan Group (MSN) cho biết doanh nghiệp đang tập trung nguồn lực vào các sáng kiến công nghệ, tận dụng công nghệ để phục vụ người tiêu dùng.

Kể từ khi thành lập The CrownX vào tháng 12/2019, Masan đang mở rộng danh mục sản phẩm dịch vụ để hoàn thiện các mảnh ghép của hệ sinh thái “Point of Life”, trong đó nền tảng công nghệ được xem như mắc xích quan trọng cuối cùng trong hệ sinh thái này.

Cùng với đó, WinCommerce trong năm ngoái đã mang về biên lợi nhuận trước thuế, lãi vay và khấu hao (EBITDA) dương. Tập đoàn tiếp tục đặt mục tiêu chuỗi này có biên lợi nhuận EBIT và NPAT dương vào năm 2022 và 2023.

Masan còn có kế hoạch nhân rộng mô hình lên 10.000 điểm bán offline và 20.000 điểm bán nhượng quyền, phục vụ 30-50 triệu người tiêu dùng đến năm 2025.

Nguồn: [Link nguồn]

Tân Chủ tịch chứng khoán SHS Đỗ Quang Vinh sở hữu khối tài sản thế nào?

Không chỉ là thành viên hội đồng quản trị ngân hàng trẻ nhất Việt Nam, ông Đỗ Quang Vinh vừa được bầu làm Chủ tịch chứng khoán SHS có vốn điều lệ hơn 3.250 tỷ đồng.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Thiên Lý ([Tên nguồn])
Kinh tế toàn cảnh Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN