Chuyên gia 'mách nước' giúp kinh tế vượt khó khăn trước dịch COVID 19

Trước sự ảnh hưởng của COVID 19, các chuyên gia từ Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV dự báo trong quý 1, GDP Việt Nam có thể giảm 1,23 điểm % và quý 2 giảm 0,71 điểm %.

Những tác động

Các chuyên gia BIDV cho rằng, bên cạnh những tác động nhất định đến xã hội như gây xáo trộn cuộc sống, học sinh nghỉ học, tạm dừng hoặc thu hẹp các hoạt động lễ hội, tụ tập đông người, thì tác động của dịch COVID 19 đối với kinh tế Việt Nam sẽ nằm ở 8 lĩnh vực chịu ảnh hưởng nhiều. Như dịch vụ y tế và nguồn nhân lực, du lịch - lữ hành - khách sạn, dịch vụ giao thông - vận tải, bán lẻ, ngoại thương, đầu tư, chuỗi sản xuất - cung ứng, và dịch vụ tài chính - ngân hàng. 

Tiến sĩ Cấn Văn Lực, người đứng đầu nhóm nghiên cứu BIDV cho biết,  lĩnh vực du lịch là ngành chịu tác động tiêu cực của dịch COVID 19 một cách trực tiếp và rõ nét nhất, cả về khách Trung Quốc đến Việt Nam và khách Việt Nam du lịch Trung Quốc, cũng như du lịch nội địa. 

Bên cạnh sự suy giảm mạnh của lượng khách Trung Quốc, dự báo lượng khách quốc tế đến Việt Nam cũng sẽ giảm từ tháng 2-2020 và có thể đến hết quý 2-2020. 

Xét theo loại hình vận tải, vận tải hàng không chịu ảnh hưởng nhiều nhất bởi lượng khách quốc tế sử dụng hàng không của Việt Nam chiếm tới hơn 79,8% tổng lượng khách quốc tế đến Việt Nam. Theo Tổng cục Du lịch, khách Trung Quốc đến Việt Nam bằng đường hàng không chiếm 70% năm 2019.  

Trung Quốc là một trong những đối tác thương mại quan trọng nhất của Việt Nam, là thị trường nhập khẩu lớn nhất và là thị trường xuất khẩu lớn thứ hai của Việt Nam.  

"Tuy nhiên, thương mại hai nước Việt - Trung quý 1, quý 2 và cả năm 2020 sẽ bị ảnh hưởng khi từ 29-1-2020, Trung Quốc thực hiện tạm dừng thông quan, tăng cường quản lý và siết chặt các cửa khẩu như một biện pháp ngăn chặn sự lan rộng của dịch COVID 19", ông Lực nói. 

Theo nhóm chuyên gia BIDV, tác động COVID 19 còn sâu rộng hơn khi dịch bệnh sẽ tác động đến tâm lý của người dân, theo đó người dân sẽ có xu hướng phòng thủ, tiết kiệm, hạn chế chi tiêu, làm ảnh hưởng đến sức mua, khiến tiêu dùng cá nhân (tương đương 74% GDP của Việt Nam năm 2018) dự báo sẽ giảm trong ngắn hạn.

Đồng thời dịch bệnh sẽ làm ảnh hưởng đến tiêu dùng của cá nhân và hộ gia đình khi các lễ, hội, tụ tập bị dừng tổ chức hoặc thu hẹp quy mô, đặc biệt là sau dịp Tết; trong đó có nhiều lễ hội thu hút hàng triệu khách du lịch.

Điều này sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến một số ngành nghề dịch vụ, kinh doanh phục vụ trực tiếp lễ hội (ăn uống, vận tải, du lịch, lữ hành), từ đó ảnh hưởng đến lĩnh vực bán lẻ và tiêu dùng dịch vụ.

Dịch COVID 19 tác động đến các ngành sản xuất theo chuỗi cung ứng tại Việt Nam. Nhiều ngành tạo ra công ăn việc làm như dệt may, nông sản, ô tô – xe máy, sắt – thép, lọc hóa dầu, bán lẻ thiếu nguồn cung đầu vào cũng như xuất khẩu đầu ra bị nghẽn, bị giảm.

Các doanh nghiệp FDI tại Việt Nam như Samsung, LG, Formosa, Apple, Toyota, Honda,… cũng gặp phải 2 khó khăn lớn là thiếu nguồn cung đầu vào nhập từ Trung Quốc, và thiếu lực lượng lao động do lệnh phong tỏa, cách ly hoặc hạn chế đi lại đối với nhân công, chuyên gia từ Trung Quốc. 

Những tác động này là khá lớn, ảnh hưởng tiêu cực đến xuất khẩu, việc làm và tiêu dùng của Việt Nam.

Lĩnh vực du lịch là ngành chịu tác động tiêu cực của dịch COVID 19 một cách trực tiếp và rõ nét nhất

Lĩnh vực du lịch là ngành chịu tác động tiêu cực của dịch COVID 19 một cách trực tiếp và rõ nét nhất

Vượt khó

Theo nhóm tác giả, nguy cơ kinh tế Việt Nam chịu tác động tiêu cực của dịch nCoV là tương đối cao bởi diễn biến nhanh, phức tạp của dịch bệnh này và Việt Nam nằm sát cạnh Trung Quốc; và đặc biệt Trung Quốc là đối tác kinh tế, thương mại và du lịch hàng đầu của nước ta.

Để đánh giá tác động đối với nền kinh tế Việt Nam, nhóm tác giả của Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV đưa ra 3 kịch bản là cơ sở, tích cực và tiêu cực.

Theo BIDV, với kịch bản cơ sở, và đây là kịch bản có khả năng xảy ra cao nhất, thì Theo kịch bản này, dịch bệnh tiếp tục diễn biến như trong thời gian qua, nhưng được kiểm soát chặt, không để lây lan sang các vùng mới, nhưng số ca được phát hiện nhiễm nCoV tăng trong vùng đã có dịch hoặc có người nhiễm; các biện pháp ngăn chặn dịch được kéo dài cho tới khi thời tiết ấm lên, không còn là môi trường phù hợp cho sự phát triển của bệnh; các hoạt động thương mại, du lịch, đầu tư dần phục hồi từ nửa cuối quý 2/2020.

Với kịch bản tích cực, dịch bệnh được kiểm soát chặt chẽ, không lây lan rộng, các biện pháp quyết liệt ngăn chặn dịch bệnh (như đóng cửa khẩu, hạn chế du lịch, thương mại,…) sớm được gỡ bỏ và các hoạt động trở lại bình thường từ đầu quý 2/2020.

Với kịch bản tiêu cực, dịch bệnh bùng phát, lây lan mạnh thành đại dịch toàn cầu cũng như tại Việt Nam, các biện pháp ngăn chặn dịch bệnh không có hiệu quả, dẫn đến hệ lụy rất xấu, thậm chí làm kiệt quệ ngành nông nghiệp, công nghiệp và dịch vụ nước ta.

Do đó, trong ngắn hạn, TS. Cấn Văn Lực và nhóm chuyên gia tại Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV cho biết chưa đặt vấn đề điều chỉnh các chỉ tiêu phát triển kinh tế-xã hội năm 2020 tại thời điểm này và chưa cần thiết phải đưa ra gói kích thích kinh tế. Tuy nhiên, cũng cần tính đến gói này đề phòng trường hợp xấu nhất xảy ra, trong đó cần đặc biệt lưu ý về đối tượng áp dụng hỗ trợ, liều lượng và phương thức hỗ trợ.

Trong trung và dài hạn, nhóm tác giả nhấn mạnh đến việc nghiên cứu, lập và thực thi chiến lược đa dạng hóa thị trường và đối tác là cấp bách, nhằm hạn chế tối đa việc phụ thuộc quá nhiều vào một hoặc một vài thị trường hay đối tác, cũng là chiến lược phân tán rủi ro theo thông lệ.

Đẩy mạnh tái cơ cấu nền kinh tế  tập trung nhiều hơn vào các yếu tố chất lượng, sáng tạo, bao trùm và bền vững; trong đó việc làm chủ một số yếu tố đầu vào vừa là hạn chế nhập khẩu, vừa tăng tính chủ động trong nhiều tình huống khác nhau, vừa tạo việc làm và tăng khả năng kết nối giữa các khối doanh nghiệp.

Cùng với đó, đẩy mạnh tái cơ cấu nông nghiệp một cách hiệu quả, lâu dài gắn kết chặt chẽ với phát triển nông thôn mới, hợp tác xã kiểu mới và quá trình đô thị hóa là rất quan trọng;

Nâng cao khả năng chống chịu của nền kinh tế đối với các cú sốc từ bên ngoài nhờ nâng cao năng lực cạnh tranh của quốc gia và doanh nghiệp, nâng cao năng lực sản xuất và phát triển thị trường tiêu thụ trong nước; tăng yêu cầu, quy định về an toàn thực phẩm, quy định xuất xứ đối với hàng hóa (đặc biệt là hàng tiêu dùng, nông thủy sản,…) nhập khẩu vào Việt Nam;

Theo tính toán của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, nếu dập được dịch vào cuối quý II, lượng khách Trung Quốc đến Việt Nam trong nửa đầu năm có thể giảm 2,3 triệu lượt, còn khách từ các quốc gia khác cũng giảm 50-60%.  Khách Trung Quốc chi tiêu bình quân khoảng 743,6 USD mỗi khách, khách đến từ các quốc gia khác chi tiêu khoảng 1.141 USD, nếu dịch kéo dài hết quý II, thiệt hại khoảng 5 tỉ USD.

Còn theo đánh giá sơ bộ của Ngân hàng ANZ về tác động của dịch bệnh, Việt Nam là một trong những nước trong khu vực chịu tác động tiêu cực về du lịch, khiến GDP có thể giảm 0,37 điểm % trong trường hợp lượng khách du lịch Trung Quốc đến Việt Nam giảm 75% trong 3 tháng tới. 

Việt Nam là một trong những nước khu vực Châu Á chịu nhiều tác động tiêu cực về xuất khẩu sang Trung Quốc (chỉ sau Đài Loan), với mức thiệt hại ước tính khoảng 0,44 điểm %GDP khi xuất khẩu sang Trung Quốc giảm 20% trong 3 tháng tới.

Nguồn: [Link nguồn]

Hàng không Việt Nam thiệt hại hơn 10 ngàn tỉ đồng do dịch Covid-19

Sơ bộ cho thấy thiệt hại ban đầu của việc dừng các đường bay Trung Quốc của các hãng hàng không Việt Nam lên tới khoảng...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo PHƯƠNG MINH ([Tên nguồn])
Kinh Doanh Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN