Chân dung 10 người giàu nhất châu Á hiện nay

Sự kiện: Kinh tế toàn cảnh

Dưới đây là danh sách 10 người giàu nhất châu Á hiện nay (tính đến ngày 23/8/2023, theo cơ sở dữ liệu của tạp chí Mỹ Forbes). Người đứng đầu danh sách đến từ Ấn Độ, còn lại phần lớn đến từ Trung Quốc.

Mukesh Ambani

Cha của ông Mukesh Ambani (Ấn Độ), ông Dhirubhai Ambani, từng là một trong những người giàu nhất châu Á, thành lập công ty Reliance Industries vào năm 1966. Mukesh Ambani hiện là chủ tịch và giám đốc điều hành của công ty đa quốc gia này, hoạt động trong nhiều ngành, gồm năng lượng, hóa dầu, khí tự nhiên, bán lẻ, viễn thông, truyền thông đại chúng, dệt may…

Nhà cung cấp dịch vụ viễn thông và băng thông rộng Jio của Reliance Industries có gần 450 triệu thuê bao.

Từ năm 2009, Mukesh Ambani liên tục giữ vững vị trí là một trong những người đàn ông giàu có nhất châu Á. Tài sản của ông hiện ở mức 98,4 tỷ USD (đứng thứ 11 thế giới).

Mukesh Ambani đang biến Industries Reliance thành tập đoàn năng lượng xanh. Hãng sẽ đầu tư 80 tỷ USD trong vòng 10-15 năm tới vào năng lượng tái tạo và xây dựng một khu phức hợp mới bên cạnh nhà máy lọc dầu của mình.

Mukesh Ambani đã vạch ra kế hoạch kế nhiệm: Con trai Akash hiện là chủ tịch của Reliance Jio; con gái Isha giám sát các dịch vụ tài chính và bán lẻ, còn con trai út Anant kinh doanh năng lượng mới.

Chủ tịch Reliance Mukesh Ambani cùng vợ Nita Ambani đến tham dự Quốc yến tại Nhà Trắng ở Washington DC, Mỹ vào ngày 22/6/2023. Ảnh: ANI.

Chủ tịch Reliance Mukesh Ambani cùng vợ Nita Ambani đến tham dự Quốc yến tại Nhà Trắng ở Washington DC, Mỹ vào ngày 22/6/2023. Ảnh: ANI.

Chung Thiểm Thiểm

Chung Thiểm Thiểm (Zhong Shanshan) là tỷ phú tự thân người Trung Quốc với tổng tài sản ròng 60,3 tỷ USD (đứng thứ 20 thế giới).

Ông là một cổ đông lớn của Công ty Dược phẩm sinh học Wantai Bắc Kinh – đơn vị thực hiện các xét nghiệm chẩn đoán nhanh các bệnh truyền nhiễm bao gồm COVID-19.

Ông Chung sinh ra ở thành phố Hàng Châu, bỏ học (tiểu học) trong thời kỳ Cách mạng Văn hóa. Sau đó, ông làm công nhân xây dựng, phóng viên và đại lý bán nước giải khát trước khi thành lập Công ty Nông Phu Sơn Tuyền (Nongfu Spring) nổi tiếng về nước uống đóng chai.

Công ty của ông sản xuất nước uống đóng chai Nông Phu Sơn Tuyền, đồ uống vitamin C hòa tan, cà phê, trà sữa, nước ngọt…

Tỷ phú Trung Quốc Chung Thiểm Thiểm. Ảnh: SCMP.

Tỷ phú Trung Quốc Chung Thiểm Thiểm. Ảnh: SCMP.

Gautam Adani

Gautam Adani đến từ Ấn Độ hiện có tài sản ròng 55,4 tỷ USD (đứng thứ 23 thế giới). Công ty Adani của ông đã đạt được thành công lớn trong nhiều ngành công nghiệp khác nhau.

Adani là người gốc Á đầu tiên từng lọt vào top 3 trong danh sách của tạp chí Mỹ Forbes về những người giàu nhất thế giới. Với dự án điện lực xanh Adani Green Power quy mô lớn, ông đã tạo dựng được danh tiếng vững chắc trong lĩnh vực phát triển bền vững.

Gautam Adani là chủ tịch của Tập đoàn Adani trị giá 32 tỷ USD (doanh thu), quan tâm đến lĩnh vực kinh doanh cảng, sân bay, sản xuất và truyền tải điện, năng lượng xanh…

Tập đoàn Adani được thành lập vào năm 1988, rồi mở rộng thông qua việc mua lại và với sự hỗ trợ của Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi.

Vào tháng 1/2023, công ty Hindenburg Research của Mỹ cáo buộc Adani và các công ty của ông gian lận tài chính và thao túng thị trường chứng khoán. Tập đoàn Adani đã phủ nhận mọi hành vi sai trái.

Tập đoàn Adani là nhà điều hành sân bay lớn nhất Ấn Độ và cũng kiểm soát Mundra - cảng lớn nhất Ấn Độ (ở bang Gujarat quê hương của ông chủ).

Adani trở thành nhà sản xuất xi măng lớn thứ hai của Ấn Độ vào năm 2022, sau khi mua lại tài sản ở Ấn Độ của công ty Holcim của Thụy Sĩ với giá 10,5 tỷ USD.

Tỷ phú Ấn Độ Gautam Adani. Ảnh: Business Today.

Tỷ phú Ấn Độ Gautam Adani. Ảnh: Business Today.

Trương Nhất Minh

Trương Nhất Minh (Zhang Yiming) thành lập ByteDance, một trong những nền tảng truyền thông xã hội phổ biến và thành công nhất Trung Quốc, năm 2012. ByteDance là công ty mẹ của hiện tượng toàn cầu TikTok.

Ông Trương (sinh năm 1983) trở thành một trong những người trẻ nhất trong lịch sử lọt vào danh sách những người giàu nhất châu Á. Ông hiện có tài sản ròng trị giá khoảng 45 tỷ USD (đứng thứ 26 thế giới).

Ông từ chức chủ tịch ByteDance vào tháng 11/2021 sau khi từ chức giám đốc điều hành vào tháng 5 năm đó, được cho là dưới áp lực từ Chính phủ Trung Quốc. Ông sở hữu 20% ByteDance. Hãng này quan tâm nhiều lĩnh vực, từ tin tức, giáo dục đến trò chơi điện tử.

Ông Trương thành lập ByteDance tại một căn hộ bốn phòng ngủ ở Bắc Kinh và ra mắt ứng dụng tổng hợp tin tức Toutiao vài tháng sau đó.

Tỷ phú Trung Quốc Trương Nhất Minh. Ảnh: Business Insider.

Tỷ phú Trung Quốc Trương Nhất Minh. Ảnh: Business Insider.

Lý Gia Thành

Tài sản của tỷ phú Hong Kong (Trung Quốc) hiện ở mức 37,3 tỷ USD (đứng thứ 32 trên thế giới, thứ 1 ở Hong Kong). Ông đã quyên góp hàng tỷ đô la cho một số tổ chức vì các mục đích liên quan phòng chống thiên tai trên toàn cầu.

Sau tỷ phú Mỹ Bill Gates, ông sở hữu quỹ từ thiện tư nhân lớn thứ hai thế giới. Quỹ Lý Gia Thành của ông đã quyên góp hơn 3,8 tỷ USD, trong đó hơn 80% dành cho Trung Quốc đại lục.

Với biệt danh “siêu nhân”, Lý Gia Thành được coi là một trong những doanh nhân có ảnh hưởng nhất ở châu Á. Ông đã thôi giữ chức chủ tịch của tập đoàn đa quốc gia CK Hutchison Holdings và CK Asset Holdings vào tháng 5/2018 nhưng vẫn là cố vấn cấp cao.

Con trai ông, Victor, hiện đứng đầu tập đoàn có hơn 300.000 nhân viên và hoạt động tại hơn 50 quốc gia.

Lý thành lập công ty nhựa Cheung Kong vào năm 1950 ở tuổi 21 với 6.500 USD tiền tiết kiệm và vay từ người thân.

Tỷ phú Hong Kong Lý Gia Thành. Ảnh: The Standard.

Tỷ phú Hong Kong Lý Gia Thành. Ảnh: The Standard.

Tadashi Yanai và gia đình

Tỷ phú Nhật Bản Tadashi Yanai là người sáng lập hãng thời trang Uniqlo; tài sản của ông và gia đình hiện ở mức 34,4 tỷ USD (xếp thứ 37 trên thế giới).

Yanai đã xây dựng và điều hành đế chế bán lẻ quần áo Fast Retailing - công ty mẹ của chuỗi Uniqlo. Các thương hiệu khác của Fast Retailing bao gồm Theory, Helmut Lang, J Brand và GU.

Công ty đạt lợi nhuận ròng 1,2 tỷ USD trên doanh thu 17 tỷ USD trong năm tài chính kết thúc vào tháng 8/2022.

Uniqlo có hơn 2.400 cửa hàng tại 25 quốc gia, trong đó có Việt Nam.

Yanai muốn công ty của mình trở thành nhà bán lẻ lớn nhất thế giới, đồng nghĩa với việc hãng sẽ phải vượt qua H&M và Inditex (công ty mẹ của Zara).

Tỷ phú Nhật Bản Tadashi Yanai. Ảnh: The Mint.

Tỷ phú Nhật Bản Tadashi Yanai. Ảnh: The Mint.

Mã Hóa Đằng

Mã Hóa Đằng (Ma Huateng) đang điều hành ứng dụng nhắn tin mạng xã hội thành công nhất ở Trung Quốc. Ông là người sáng lập và chủ sở hữu của Tencent Holdings và hiện sở hữu tài sản ròng 33,9 tỷ USD (đứng thứ 39 thế giới).

Mã trở thành một trong những cá nhân giàu nhất châu Á từ khi công ty của ông kiểm soát WeChat - ứng dụng có hơn một tỷ người dùng tính riêng ở Trung Quốc (tổng cộn 1,3 tỷ người dùng trên toàn cầu).

Tencent sở hữu cổ phần của công ty trò chơi điện tử Epic Games của Mỹ. Tencent là một trong những nhà phát hành video game lớn nhất thế giới.

Tencent có cổ phần trong hãng sản xuất ô tô điện Tesla và dịch vụ phát nhạc trực tuyến Spotify.

Ông Mã lãnh đạo bộ phận nghiên cứu và phát triển hệ thống phân giải tên miền internet tại công ty viễn thông China Motion Telecom Development trước khi thành lập Tencent vào năm 1998.

Tập đoàn của ông có ảnh hưởng xã hội và chính trị đáng kể ở Trung Quốc.

Tỷ phú Trung Quốc Mã Hóa Đằng. Ảnh: SCMP.

Tỷ phú Trung Quốc Mã Hóa Đằng. Ảnh: SCMP.

Tăng Ngọc Quần

Tăng Ngọc Quần (Zeng Yuqun, tên tiếng Anh là Robin Zeng) là người sáng lập và chủ tịch của CATL - một trong những hãng sản xuất xe điện và pin quan trọng nhất thế giới, cung cấp pin cho các hãng xe nổi tiếng như BMW, Volkswagen…

Ông sinh ra ở Hong Kong (Trung Quốc), lấy bằng tiến sĩ vật lý tại Viện Vật lý – Viện Hàn lâm khoa học Trung Quốc. Tài sản ròng hiện nay 33,4 tỷ USD (đứng thứ 38 thế giới).

Năm 2023, Ford công bố kế hoạch hợp tác với CATL để xây dựng một nhà máy trị giá 3,5 tỷ USD ở bang Michigan (Mỹ) và sẽ tuyển dụng 2.500 người.

Tỷ phú Trung Quốc Tăng Ngọc Quần. Ảnh: The Standard.

Tỷ phú Trung Quốc Tăng Ngọc Quần. Ảnh: The Standard.

Đinh Lỗi

Năm 2003 đánh dấu sự khởi đầu của công ty trò chơi di động và trực tuyến thành công nhất Trung Quốc, do Đinh Lỗi (Ding Lei, tên tiếng Anh là William Ding) đứng đầu. Ông chủ công ty NetEase hiện có tài sản ròng trị giá 32,3 tỷ USD (xếp thứ 46 trên thế giới).

Các nhà thiết kế trò chơi trẻ ở Trung Quốc có thể lấy cảm hứng sáng tạo từ người đàn ông giàu nhất ngành công nghiệp game châu Á này.

William Ding là CEO của NetEase, một trong những công ty trò chơi trực tuyến lớn nhất thế giới. Ngoài các tựa game truyền thống như “Fantasy Westward”, danh mục đầu tư của công ty còn bao gồm trò chơi thông thường “Eggy Party”, trò chơi chiến đấu “Justice Mobile”, sử dụng AI để tạo ra mạch truyện.

Đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt trong các trò chơi từ đối thủ Tencent, NetEase đã mở rộng sang phim ảnh, thương mại điện tử và âm nhạc trực tuyến.

Ding từng là người giàu nhất Trung Quốc và là tỷ phú game và internet đầu tiên vào năm 2003.

Ông trùm game cũng quan tâm đến nông nghiệp bền vững, với chi nhánh thương mại điện tử Yanxuan của NetEase bán thịt lợn có nguồn gốc từ trang trại của chính họ.

Tỷ phú Trung Quốc Đinh Lỗi. Ảnh: Forbes.

Tỷ phú Trung Quốc Đinh Lỗi. Ảnh: Forbes.

Lee Shau Kee

Tỷ phú Hong Kong (Trung Quốc) Lee Shau Kee không chỉ đồng sáng lập hai công ty bất động sản Sun Hung Kai và Kwok Tak-Seng mà còn sở hữu công ty phát triển bất động sản khổng lồ Henderson Land Development.

Nhận thức rõ tầm quan trọng của giáo dục, ông đã đóng góp hơn 400 triệu USD cho sự nghiệp phát triển giáo dục.

Tài sản ròng của tỷ phú Lee hiện ở mức 26,7 tỷ USD (đứng thứ 58 thế giới). Ông lớn lên trong một gia đình nghèo chỉ có thể ăn cá hoặc thịt tối đa hai lần một tháng.

Tỷ phú Hong Kong Lee Shau Kee (phải) cùng con trai Martin Lee, vợ Cathy Tsui và con nhỏ. Ảnh: SCMP.

Tỷ phú Hong Kong Lee Shau Kee (phải) cùng con trai Martin Lee, vợ Cathy Tsui và con nhỏ. Ảnh: SCMP.

Nguồn: [Link nguồn]

Bị thổi bay hơn 3.700 tỷ đồng, tài sản tỷ phú Trần Đình Long còn bao nhiêu?

Với đà giảm của cổ phiếu HPG trong những phiên giao dịch gần đây, khối tài sản của tỷ phú Trần Đình Long – người giàu thứ 2 trên sàn chứng khoán Việt Nam đã bị “thổi...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Thái An ([Tên nguồn])
Kinh tế toàn cảnh Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN