Cái "bắt tay" Việt - Triều nhìn từ chuyến thăm VinFast, Viettel của Phái đoàn Triều Tiên

Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ-Triều lần hai tại Hà Nội kết thúc mà không đạt được một thỏa thuận chung giữa Donald Trump và Kim Jong-un. Song nhiều chuyên gia dự báo về triển vọng hợp tác kinh tế giữa Việt Nam và Triều Tiên trong tương lai không xa nhìn từ chuyến thăm VinFast của tỷ phú Phạm Nhật Vượng, Viettel của phái đoàn Triều Tiên.

Cái "bắt tay" Việt - Triều nhìn từ chuyến thăm VinFast, Viettel của Phái đoàn Triều Tiên - 1

Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un đã kết thúc Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ-Triều lần hai tại Hà Nội mà không đạt được một thỏa thuận chung. (Ảnh: BBC)

Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un đã kết thúc Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ-Triều lần hai tại Hà Nội vào trưa 28.2 mà không đạt được một thỏa thuận chung. Tại buổi họp báo bắt đầu lúc 2h chiều cùng ngày ở khách sạn Marriot, Tổng thống Donald Trump cho biết, bất đồng về lệnh cấm vận chính là lý do khiến Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ-Triều không đạt kết quả như mong đợi.

Còn trong cuộc họp báo diễn ra vào khoảng thời gian nửa đêm 28.2 - rạng sáng 29.2 ở khách sạn Melia, Ngoại trưởng Triều Tiên Ri Yong-ho cho biết, Triều Tiên tìm kiếm dỡ bỏ lệnh trừng phạt từng phần, không phải dỡ bỏ tất cả. Cụ thể, Triều Tiên muốn được dỡ bỏ 5 nghị quyết trừng phạt của Liên Hợp Quốc, đặc biệt là vấn đề liên quan đến sinh kế của người dân.

Kết quả nêu trên dường như đã nằm trong dự liệu của nhiều chuyên gia. Bởi vấn đề phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên vẫn tồn tại nhiều nút thắt không dễ giải quyết trong thời gian ngắn, dẫn tới rất ít có khả năng cuộc gặp lần thứ hai giữa lãnh đạo hai nước có thể đạt được đột phá đáng kể.

Tuy nhiên, Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ-Triều lần hai tại Hà Nội vẫn mang lại triển vọng hợp tác kinh tế giữa Việt Nam và Triều Tiên trong tương lai không xa.

Phía sau chuyến thăm VinFast, Viettel của phái đoàn Triều Tiên

Trong hai ngày 27 và 28.2, phái đoàn cao cấp của Triều Tiên đã lần lượt đến thăm tổ hợp sản xuất ôtô, xe máy điện VinFast của tỷ phú Phạm  Nhật Vượng tại Cát Hải, Hải Phòng và cơ sở nghiên cứu, sản xuất thiết bị dân sự của Tập đoàn Công nghiệp – Viễn thông Quân đội (Viettel) tại Khu Công nghệ cao Hoà Lạc, Hà Nội.

Tại VinFast, đoàn Triều Tiên đã nghe các đại diện của Vingroup của tỷ phú Phạm Nhật Vượng lần lượt trình bày về mô hình hoạt động, kinh doanh của VinFast, Vinsmart và VinEco. Tiếp đó, phái đoàn vào thăm xưởng sản xuất thân vỏ ôtô và xưởng sản xuất xe máy điện của VinFast.

Còn tại cơ sở nghiên cứu của Viettel, phái đoàn Triều Tiên đã thăm Trung tâm Điều hành mạng lưới viễn thông toàn cầu, nơi trực tiếp giám sát và vận hành khai thác hệ thống viễn thông, công nghệ thông tin tại Việt Nam, đồng thời hỗ trợ, tư vấn kỹ thuật cho 10 công ty viễn thông nước ngoài.

Phái đoàn cũng được giới thiệu về hệ thống sản phẩm thiết bị lõi viễn thông do Viettel sản xuất như trạm phát sóng 4G- EnodeB, hệ thống tính cước thời gian thực OCS, hệ thống tổng đài thoại – MSC; Tổng đài nhắn tin SMSC; Tổng đài dữ liệu mạng 4G – EPC...

Cái "bắt tay" Việt - Triều nhìn từ chuyến thăm VinFast, Viettel của Phái đoàn Triều Tiên - 2

TS. Lê Đăng Doanh. (Ảnh: Internet)

Từng 2 lần thực hiện các báo cáo về cải cách kinh tế Việt Nam cho phái đoàn Bắc Triều Tiên, TS. Lê Đăng Doanh, chuyên gia kinh tế bày tỏ sự vui mừng khi Chủ tịch Kim Jong-un và phái đoàn Triều Tiên quan tâm tới kinh nghiệm cải cách, phát triển kinh tế tư nhân của Việt Nam và những tiến bộ trong lĩnh vực nông nghiệp, dịch vụ.

“Triều Tiên hiện có nhu cầu phát triển công nghệ thông tin, dịch vụ di động rất lớn. Vậy nên, những doanh nghiệp công nghệ, viễn thông với nhiều kinh nghiệm xây dựng hạ tầng viễn thông sẽ có rất nhiều lợi thế tại thị trường này”, ông Doanh nhận định.

Tuy vậy, ông Lê Đăng Doanh cũng lưu ý tới vấn đề hợp tác song phương liên Triều, giữa Triều Tiên và Hàn Quốc. Năm 2018, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae In trong chuyến thăm Bình Nhưỡng (Triều Tiên) đã đưa các nhà lãnh đạo của các tập đoàn kinh tế lớn tại Hàn Quốc như LG, Sam Sung… ngay sau đó các ngân hàng của Hàn Quốc đã lên kế hoạch để mở chi nhánh tại Triều Tiên. Dù hoạt động này sau đó đã bị phía Mỹ lên tiếng đề nghị dừng lại.

“Doanh nghiệp Hàn Quốc có lợi thế tương đồng về ngôn ngữ nên có thể triển khai sớm hơn chúng ta. Nhưng phía Việt Nam vẫn có thể hỗ trợ, trao đổi kinh nghiệm, tăng cường xuất khẩu lương thực, thực phẩm sang Triều Tiên. Bởi trước khi lãnh đạo Triều Tiên sang Việt Nam, họ đã kêu gọi Liên Hiệp quốc trợ giúp, cứu đói 1,4 triệu tấn lương thực”, ông Doanh đưa ra lời khuyên.

Cái "bắt tay" Việt - Triều nhìn từ chuyến thăm VinFast, Viettel của Phái đoàn Triều Tiên - 3

PGS. TS Võ Đại Lược. (Ảnh: Internet)

Còn theo quan sát của PGS. TS Võ Đại Lược, Chủ tịch Trung tâm Kinh tế châu Á – Thái Bình (VAPEC), sau hơn 30 năm Đổi mới và mở cửa, Hà Nội được chọn là nơi tổ chức Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên lần thứ hai. Bản thân việc này cũng có thể là tín hiệu Hoa Kỳ muốn Triều Tiên tham khảo thêm mô hình phát triển của Việt Nam, quốc gia có nhiều điểm tương đồng với Triều Tiên: từng sở hữu nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung, đất nước bị chia cắt, bị Mỹ cấm vận…

Đặc biệt, khi Việt Nam đã thực hiện thành công công cuộc đổi mới và hội nhập thành sâu rộng vào nền kinh tế thế giới. Đồng thời, chuyển từ đối đầu sang đối tác và có quan hệ ngày một tốt hơn với Mỹ.

Theo ông Võ Đại Lược, Triều Tiên rất khó phát triển, khó cải cách và mở cửa, nếu những vấn đề về kinh tế tiếp tục tồn tại bên cạnh việc phát triển vũ khí hạt nhân. Ngược lại, kinh tế, xã hội Triều Tiên có thể đạt được những kết quả không ngờ nếu Kim Jong-un thực hiện phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên và tận dụng sức mạnh kinh tế, kỹ thuật của Mỹ để cải cách đất nước.

PGS. TS Võ Đại Lược phân tích: “Triều Tiên về cơ bản chưa xóa được nền kinh tế kế hoạch tập trung, chưa thực hiện kinh tế thị trường một cách đáng kể, trong khi cải cách kinh tế thị trường phải là bắt đầu từ tự do hóa kinh tế và thương mại, phải cho thị trường trong nước được tự do.

Xét lịch sử thế giới, kể từ sau thế Chiến tranh thế giới thứ II tới nay, hầu hết những quốc gia bứt phá từ nước kém phát triển thành phát triển, như Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan, Singapore... đều dựa vào công nghệ và thị trường của Mỹ”.

Triển vọng hợp tác Việt - Triều

Theo TS. Nguyễn Việt Phương, nghiên cứu viên tại Trung tâm Belfer, ĐH Harvard (Mỹ), việc Triều Tiên trực tiếp lựa chọn hoặc ít nhất là đồng ý với quyết định của Mỹ, chọn Hà Nội là địa điểm tổ chức Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ Triều lần hai giữa ông Donald Trump và ông Kim Jong-un cho thấy Triều Tiên thực sự muốn tham khảo kinh nghiệm cải cách và mở cửa kinh tế của Việt Nam.

Cái "bắt tay" Việt - Triều nhìn từ chuyến thăm VinFast, Viettel của Phái đoàn Triều Tiên - 4

TS. Nguyễn Việt Phương trả lời phỏng vấn báo chí.

Đối với chính sách kinh tế, về trung hạn, Việt Nam có thể chia sẻ với Triều Tiên các bài học về thu hút vốn đầu tư, quản lý các dự án có vốn đầu tư nước ngoài từ Hàn Quốc, Nhật Bản. Đây là bài học Triều Tiên đang rất muốn áp dụng, nhất là khi Việt Nam đang được coi là trọng điểm đầu tư của cả Hàn Quốc và Nhật Bản với nhiều cơ sở sản xuất có quy mô hàng đầu khu vực của Samsung, Canon.

Song hợp tác của Việt Nam phải nằm trong giới hạn cho phép của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc trong bối cảnh các lệnh trừng phạt kinh tế nhằm vào Triều Tiên vẫn đang còn hiệu lực.

Vì vậy, kịch bản khả dĩ nhất cho quan hệ hai bên sẽ chủ yếu dừng lại ở các hoạt động hợp tác về giáo dục, văn hóa chứ không thể tiến xa hơn đến việc hợp tác kinh tế, hợp tác khoa học kỹ thuật, tăng kim ngạch thương mại song phương, hay đưa các nhà đầu tư Việt Nam vào thị trường Triều Tiên.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo P.V ([Tên nguồn])
Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều Tiên Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN