2 tuyến đường sắt Hà Nội, TP HCM bị kiến nghị xử lý khủng nghìn tỷ

Trong năm 2018, qua kiểm toán tổng hợp tại các bộ, ngành và 26 cuộc kiểm toán liên quan đến việc quản lý, sử dụng vốn ODA, Kiểm toán Nhà nước đã kiến nghị xử lý tài chính 21.712 tỷ đồng.

Đây là con số vừa được lãnh đạo Kiểm toán Nhà nước cho biết trong buổi làm việc với Phó Thủ tướng Chính phủ Trương Hòa Bình.

Cụ thể, Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước Nguyễn Quang Thành cho hay, qua kiểm toán việc quản lý, sử dụng vốn ODA, cơ quan kiểm toán đã chỉ rõ một số hạn chế, bất cập như giao kế hoạch vốn ODA chưa sát thực tế, chưa theo thứ tự ưu tiên, không đúng quy định.

Ngoài ra, một số dự án được đề xuất chưa thực sự cần thiết, không phù hợp với thực tế, dẫn đến chậm triển khai hoặc không thực hiện được những nội dung chính của dự án, phải rà soát, điều chỉnh nguồn vốn.

Kiểm toán Nhà nước cũng phát hiện các bộ, ngành, địa phương sử dụng vốn vay ODA chi thường xuyên chưa phù hợp với chỉ đạo của Chính phủ. Một số dự án được kiểm toán chi tiết cho thấy công tác thẩm định, phê duyệt dự án thiếu chặt chẽ, quá trình thực hiện phải điều chỉnh tăng tổng mức đầu tư khá phổ biến...

"Cá biệt, có một số dự án có sai sót lớn, như: Dự án Đường sắt đô thị Hà Nội, tuyến Cát Linh - Hà Đông kiến nghị xử lý tài chính 2.814 tỷ đồng, bằng 23,6% giá trị được kiểm toán; Dự án Xây dựng tuyến đường sắt đô thị số 1 Thành phố Hồ Chí Minh, tuyến Bến Thành - Suối Tiên kiến nghị xử lý tài chính 2.898 tỷ đồng, bằng 11,4% giá trị được kiểm toán..." ông nói.

2 tuyến đường sắt Hà Nội, TP HCM bị kiến nghị xử lý khủng nghìn tỷ - 1

Dự án Đường sắt đô thị Hà Nội, tuyến Cát Linh - Hà Đông bị kiến nghị xử lý tài chính 2.814 tỷ đồng.

Riêng với các dự án theo hình thức đối tác công tư, lãnh đạo Kiểm toán Nhà nước tổng kết, năm 2018, KTNN đã thực hiện kiểm toán 05 dự án BT, 08 dự án BOT và kiến nghị xử lý tài chính 3.997 tỷ đồng, trong đó có dự án sai phạm 27% tổng mức đầu tư dự án.

Theo Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước, đây là lĩnh vực thất thoát lớn nhất hiện nay. Phía Kiểm toán Nhà nước kiến nghị với Quốc hội, Chính phủ và các cơ quan quản lý hoàn thiện các cơ chế, chính sách về đối tác công tư.

Tổng hợp cả năm, theo ông Thành, kết quả xử lý tài chính của Kiểm toán Nhà nước là 89.600 tỷ đồng, trong đó tăng thu, giảm chi NSNN là 44.466 tỷ đồng (cao nhất từ trước đến nay).

Năm 2018 KTNN đã chuyển hồ sơ 5 vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật sang Cơ quan Cảnh sát điều tra để điều tra, làm rõ và xử lý. Các vụ việc là: Vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật của Cục Hải quan thành phố Đà Nẵng trong việc giải quyết cho thông quan 30 xe ô tô từ nước ngoài về Việt Nam không đúng quy định của pháp luật; Vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật của Công ty MTV Dệt 19/5 Hà Nội (nay là Công ty Cổ phần Dệt 19/5 Hà Nội) trong việc quản lý tiền thu từ sắp xếp, cổ phần hóa, thoái vốn Nhà nước có dấu hiệu gây thất thoát hơn 319 tỷ đồng.

Ngoài ra còn có Vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật của Ban Quản lý dự án Công trình Liên hợp Lọc hóa dầu Nghi Sơn về hành vi để ngoài sổ sách số tiền trên 22 tỷ đồng; Vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật tại Sở Y tế tỉnh Bình Dương (chủ đầu tư) trong việc đấu thầu thuốc và vật tư y tế thực hiện năm 2017; Vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật về chủ trương đầu tư, khảo sát thiết kế, nghiệm thu thanh toán khối lượng xây dựng tại Dự án Đầu tư xây dựng công trình Thủy Lợi Đắk Ngo (giai đoạn 2), huyện Tuy Đức, tỉnh Đắk Nông.

BIDV chính thức bị Kiểm toán Nhà nước gọi tên

Cùng với BIDV, sẽ có 3 ngân hàng nữa nằm trong danh sách kiểm toán năm 2019 cùng với nhiều tập đoàn, tổng công ty khác.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Phương Linh ([Tên nguồn])
Kinh Doanh Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN