Những “đại gia” sở hữu kho tiền mặt cả tỷ USD tại Việt Nam

Sự kiện: Kinh tế toàn cảnh

Với quỹ tiền mặt hàng tỷ USD, những “đại gia” này cũng đã thu được số tiền lãi hàng trăm đến cả nghìn tỷ đồng trong bối cảnh lãi suất tiết kiệm liên tục tăng trong 9 tháng đầu năm 2022.

Trong giai đoạn nền kinh tế thế giới và Việt Nam có nhiều biến động bởi đà tăng mạnh của lạm phát và lãi suất tiết kiệm thời gian qua thì chiến lược "tiền mặt là vua" được nhắc đến nhiều.

Không tính nhóm tài chính (nhóm ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm), báo cáo tài chính 9 tháng đầu năm 2022 của khối doanh nghiệp niêm yết cho thấy nhiều thay đổi trong vị thế của những “ông vua tiền mặt” nhóm doanh nghiệp phi tài chính.

Hiện Tập đoàn Hòa Phát của tỷ phú Trần Đình Long vẫn duy trì được vị trí quán quân với hơn 38.900 tỷ đồng tiền, tương đương tiền và các khoản tiền gửi ngân hàng ngắn hạn (gần 1,6 tỷ USD) tại cuối quý 3.

Tuy nhiên, lượng tiền mặt của Hòa Phát nắm giữ đến cuối quý 3/2022 suy giảm khoảng 5.900 tỷ đồng so với quý liền trước và nếu so sánh với thời điểm đầu năm cũng đã hụt đi 1.800 tỷ đồng.

Chỉ tính 5 “ông vua tiền mặt” khối doanh nghiệp phi tài chính đang nắm giữ số tiền hơn 163.000 tỷ đồng

Chỉ tính 5 “ông vua tiền mặt” khối doanh nghiệp phi tài chính đang nắm giữ số tiền hơn 163.000 tỷ đồng

Lượng tiền nhàn rỗi của Hòa Phát đi xuống trong bối cảnh ngành thép thoái trào. Dù vậy, với quy mô tiền khổng lồ trong khối phi tài chính, Hòa Phát vẫn giữ được hoạt động ổn định và thậm chí là nắm bắt cơ hội mở rộng thị phần ngành thép. Tập đoàn của tỷ phú Trần Đình Long đã tăng thị phần trong 6 tháng đầu năm lên 36% và hiện vẫn duy trì được mức này.

Đứng ở vị trí thứ 2 trong danh sách những “ông vua tiền mặt” trên sàn chứng khoán là PV Gas với con số 36.000 tỷ đồng, tăng 5.900 tỷ đồng kể từ đầu năm. Quy mô tiền mở rộng nhờ kết quả kinh doanh vượt trội của công ty dầu khí này với mức lãi sau thuế lũy kế 9 tháng đầu năm đạt kỷ lục 11.725 tỷ đồng, tăng trưởng 72%.

Trong khi đó, ông lớn ngành hàng không ACV đang cho thấy sự hồi phục ấn tượng khi du lịch trở lại. Việc lợi nhuận quay lại thời điểm trước dịch đã giúp cho vị thế tiền của doanh nghiệp quay lại mốc 33.300 tỷ đồng như hồi đầu năm.

Hai doanh nghiệp khác có quy mô tiền nhàn rỗi hơn 1 tỷ USD tại thời điểm cuối quý 3/2022 là Tập đoàn Vingroup của tỷ phú Phạm Nhật Vượng và Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR) với con số lần lượt quanh 28.600 tỷ và 26.500 tỷ đồng, tăng 25% và 29% so với thời điểm đầu năm.

Nhờ lượng tiền gửi ngân hàng hoặc cho vay lấy lãi mà các doanh nghiệp đã thu về hàng trăm đến cả nghìn tỷ đồng tiền lãi trong 9 tháng đầu năm.

Trong đó, PV Gas đang mang hơn 90% của 36.000 tỷ đồng tiền nhàn rỗi gửi ngân hàng. Danh mục này giúp mang về hơn 888 tỷ đồng tiền lãi trong 9 tháng đầu năm. Chỉ đứng thứ 3 trong danh sách “vua tiền mặt” nhưng ACV có danh mục tiền gửi ngân hàng gần 31.900 tỷ và thu tiền lãi gần 1.200 tỷ đồng từ đầu năm.

Tại ngày 30/9, Tập đoàn của tỷ phú Trần Đình Long cũng đang có hơn 27.000 tỷ đồng tiền gửi có kỳ hạn. Tính riêng trong quý 3/2022, HPG cũng thu được số tiền hơn 484 tỷ đồng từ lãi tiền gửi và tiền cho vay.

Trong môi trường lãi suất cao, các doanh nghiệp có quy mô tiền nhàn rỗi lớn và dòng tiền kinh doanh ổn định có thể hưởng lợi từ diễn biến này cũng như dễ dàng vượt qua khó khăn hiện tại.

Nguồn: [Link nguồn]

Sở hữu tài sản nghìn tỷ, đại gia Việt vẫn bị giải chấp hàng triệu cổ phiếu

Sở hữu khối tài sản nghìn tỷ đồng, tuy nhiên đà giảm của thị trường chứng khoán gần đây đã khiến những đại gia này bị bán giải chấp hàng triệu cổ phiếu đang nắm...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Nam Anh ([Tên nguồn])
Kinh tế toàn cảnh Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN