Lao đao vì Covid-19, loạt bệnh viện tư nhân thua lỗ nặng

Sự kiện: Kinh tế toàn cảnh

Dịch bệnh bùng phát diện rộng khiến hoạt động khám chữa bệnh “đóng băng”, trong khi phải đội thêm chi phí phòng dịch nên nhiều bệnh viện tư nhân báo lỗ nhiều tháng liên tiếp.

Trong đợt bùng phát dịch lần thứ 4, nhiều bệnh viện phải trải qua 3-5 tháng dừng hoặc hạn chế tiếp nhận người bệnh, trong khi các chi phí vẫn duy trì khiến hoạt động kinh doanh khó khăn hàng loạt.

Do ảnh hưởng của dịch, nhiều bệnh viện tư nhân thua lỗ trong nhiều tháng liên tiếp

Do ảnh hưởng của dịch, nhiều bệnh viện tư nhân thua lỗ trong nhiều tháng liên tiếp

Có lẽ tại TP HCM - nơi dịch bệnh diễn biến phức tạp nhất cả nước trong thời gian qua – lệnh giãn cách toàn thành phố khiến hệ thống bệnh viện tư gần như tê liệt, sức khỏe doanh nghiệp bị ảnh hưởng nặng nề nhất.

Điển hình là Công ty cổ phần Bệnh viện Đa khoa tư nhân Triều An ghi nhận quý thứ hai liên tiếp kinh doanh dưới giá vốn. Bệnh viện tại quận Bình Tân này ghi nhận doanh thu khám chữa bệnh hơn 36 tỷ đồng trong quý III. Con số này giảm đến 70% so với cùng kỳ năm trước.

Trong khi đó, giá vốn lại có mức giảm nông hơn doanh thu khiến bệnh viện lỗ gộp từ hoạt động khám chữa bệnh hơn 14 tỷ đồng. Gánh thêm các khoản chi phí quản lý, Bệnh viện Triều An lỗ ròng hơn 22 tỷ đồng, nặng hơn mức 14 tỷ đồng của quý liền trước.

Cũng do dịch bệnh và lệnh giãn cách trong nhiều tháng, Công ty cổ phần Bệnh viện Tim Tâm Đức lần đầu chịu lỗ sau 4 năm khi lợi nhuận sau thuế âm 13 tỷ đồng trong quý III.

Ban lãnh đạo cho biết, hoạt động kinh doanh chịu ảnh hưởng nặng nề của đại dịch. Do đó, doanh thu thuần giảm 63% về mức gần 54 tỷ đồng. Thêm vào đó, mức giảm của doanh thu thấp hơn giá vốn nên bệnh viện lỗ gộp 2 tỷ đồng.

Để tiết chế chi phí, bệnh viện tại quận 7 này chọn cắt giảm lương nhân viên nhưng vẫn không đủ bù đắp các chi phí khác. Bệnh viện Tim Tâm Đức cho biết, phải chịu những chi phí cố định rất cao, không được giảm trong giai đoạn này. Ngoài ra, chi phí cho các phương tiện phòng hộ và khử khuẩn chống dịch phát sinh thêm cũng là gánh nặng lớn.

Lũy kế 9 tháng, doanh thu bệnh viện này giảm 22%, lợi nhuận sau thuế giảm đến 86%. So với kế hoạch cả năm, Bệnh viện Tim Tâm Đức chỉ mới thực hiện 11% chỉ tiêu lợi nhuận.

Bệnh viện Giao thông vận tải Hà Nội thua lỗ 20 quí liên tiếp

Bệnh viện Giao thông vận tải Hà Nội thua lỗ 20 quí liên tiếp

Tại Hà Nội, tình trạng kinh doanh bết bát, lỗ liên tiếp cũng diễn ra tại Công ty cổ phần Bệnh viện Giao thông Vận tải có trụ sở ở quận Đống Đa (Hà Nội). Trong quý vừa rồi, doanh thu thuần của bệnh viện giảm 36% về mức hơn 24 tỷ đồng, chủ yếu do doanh thu cung cấp dịch vụ y tế giảm mạnh.

Ngoài việc giá vốn cao hơn doanh thu, bệnh viện này phải chịu thêm chi phí quản lý hơn 5 tỷ đồng. Tổng lại, cơ sở y tế tư nhân này lỗ ròng hơn 11 tỷ đồng.

Lũy kế 9 tháng đầu năm, mức thâm hụt lợi nhuận của Bệnh viện Giao thông Vận tải lên đến 35 tỷ đồng. Như vậy, đến nay bệnh viện này đã trải qua 20 quý lỗ liên tiếp với mức lũy kế cuối kỳ lên gần 188 tỷ đồng.

Tính đến 30/9/2021, Bệnh viện Giao thông vận tải có tổng tài sản 245 tỷ đồng, trong đó nợ phải trả chỉ 28 tỷ đồng. Bệnh viện không có nợ dài hạn. Phần lớn trong số này là vốn chủ sở hữu của bệnh viện với 216 tỷ đồng, ăn mòn vốn góp của chủ sở hữu ban đầu là 391 tỷ đồng.

Được biết, bệnh viện này có cổ phần của doanh nhân Đỗ Quang Hiển (Bầu Hiển và Tập đoàn T&T). Cụ thể, năm 2015, doanh nhân Đỗ Quang Hiển (Bầu Hiển và Tập đoàn T&T đã thành công khi mua đấu giá hơn 5,04 triệu cổ phần, tương ứng 30% vốn điều lệ của bệnh viện Giao thông vận tải. 

Tới cuối năm 2018, Tập đoàn T&T của Bầu Hiển vẫn đang nắm 51,43% vốn điều lệ Bệnh viện, 30% cổ phần do Nhà nước nắm giữ; phần còn lại được nắm giữ bởi một số cổ đông nhỏ lẻ và cán bộ công nhân viên.

Nguồn: [Link nguồn]

“Con cưng” của tỷ phú Nam Định tiếp tục “hốt tiền”, ghi nhận lợi nhuận cao kỷ lục

CTCP Đầu tư Thế giới Di động vừa công bố kết quả kinh doanh tháng 10.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Hồng Hương ([Tên nguồn])
Kinh tế toàn cảnh Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN