Hậu “bão” Covid-19, toàn cảnh kinh tế Việt Nam 2022 có gì đáng nói?

Sự kiện: Vui xuân Quý Mão

Dù còn nhiều khó khăn phía trước gắn với diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19 trên phạm vi toàn cầu và cả nước, song có nhiều động lực mới đang và sẽ hỗ trợ cho quá trình phục hồi, tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2022.

Theo các chuyên gia kinh tế, năm 2021, sự bùng phát trở lại và kéo dài của đại dịch COVID-19 đã tác động không nhỏ đến mọi mặt kinh tế-xã hội của Việt Nam. Tuy nhiên, vượt qua khó khăn, thách thức, nền kinh tế được dự báo sẽ phục hồi mạnh hơn khi dịch bệnh được kiểm soát tốt hơn và Việt Nam tiếp tục chiến lược sống chung an toàn với COVID-19.

Đại dịch COVID-19 đã tác động không nhỏ đến mọi mặt kinh tế-xã hội của Việt Nam

Đại dịch COVID-19 đã tác động không nhỏ đến mọi mặt kinh tế-xã hội của Việt Nam

Báo cáo của Tổng cục Thống kê cho biết: GDP của Việt Nam ở quý IV tăng 5,22% so với cùng kỳ năm trước, trong khi đó mức tăng ở quý I là 4,72%, ở quý II là 6,73%, ở quý III là âm 6,02%.Tính chung cả năm 2021, GDP ước tính tăng 2,58%, trong đó khu vực nông lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,9%, khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 4,05%, khu vực dịch vụ tăng 1,22%...

Trong mức tăng trưởng chung của nền kinh tế năm 2021 thì khu vực nông - lâm nghiệp và thủy sản đóng góp 13,97%, khu vực công nghiệp và xây dựng đóng góp 63,80%; khu vực dịch vụ đóng góp 22,23%. Tốc độ tăng trưởng của Việt Nam trong năm 2021 có thể đứng đầu Đông Nam Á. Các doanh nghiệp ở Việt Nam đã thể hiện sự năng động và đạt được những kết quả đáng khích lệ ngay trong năm 2021, khi dịch COVID-19 đang còn bùng phát dữ dội. Năm 2020, cả nước có 116.800 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng số vốn đăng ký hơn 1,6 triệu tỷ đồng và tổng số lao động đăng ký gần 854.000 lao động.

Dự báo về bức tranh toàn cảnh nền kinh tế nước ta năm 2022, Tiến sỹ Cấn Văn Lực và Nhóm chuyên gia ở Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV (Ngân hàng Thương mại cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam) đã nhận định:

Trong bối cảnh thế giới mà theo dự báo sẽ có nhiều biến động, đặc biệt là diễn biến dịch COVID-19 còn phức tạp, khó lường, tăng trưởng GDP toàn cầu năm 2022 sẽ vào khoảng 4-4,5%, lạm phát toàn cầu khoảng 3,3% thì mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội năm 2022 của Việt Nam sẽ là đa mục tiêu, trong đó trọng tâm vẫn là vừa phòng, chống dịch bệnh hiệu quả, đảm bảo an toàn sức khỏe và sinh mạng người dân; vừa phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội trong trạng thái bình thường mới.

Theo ông Cấn Văn Lực, các hoạt động KT - XH được dự báo sẽ phục hồi mạnh hơn khi dịch bệnh đang dần được kiểm soát

Theo ông Cấn Văn Lực, các hoạt động KT - XH được dự báo sẽ phục hồi mạnh hơn khi dịch bệnh đang dần được kiểm soát

Về tăng trưởng GDP năm 2022, các hoạt động kinh tế - xã hội được dự báo sẽ phục hồi mạnh hơn khi dịch bệnh được kiểm soát tốt hơn và Việt Nam tiếp tục chiến lược sống chung an toàn với COVID-19.

Nền kinh tế Việt Nam năm 2022 có thể sẽ phát triển theo 1 trong 2 kịch bản. Nếu nước ta thực hiện tốt Chương trình phòng, chống dịch và Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế-xã hội 2022-2023 thì lĩnh vực kinh tế có thể tăng trưởng 6,5-7% (khả năng cao). Còn nếu Việt Nam phòng, chống dịch thiếu nhất quán và chậm triển khai Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế-xã hội thì GDP có thể chỉ tăng 5-5,5%.

Về lạm phát năm 2022, trong cả 2 kịch bản trên, dự báo CPI bình quân sẽ tăng khá cao, lên mức 3,5-3,8%. Lạm phát tăng chủ yếu là do giá cả, lạm phát toàn cầu còn ở mức cao, khả năng đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu vẫn còn diễn ra, kéo theo lạm phát chi phí đẩy (nhập khẩu lạm phát); lạm phát do cầu kéo (cùng với đà phục hồi kinh tế); và độ trễ cũng như việc thực thi chính sách tài khóa, tiền tệ có phần mở rộng, thích ứng (một phần là do thực hiện Chương trình phục hồi nêu trên).

Về lãi suất năm 2022, dự kiến Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục điều hành chủ động, linh hoạt, đồng bộ các công cụ chính sách tiền tệ, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác nhằm kiểm soát lạm phát, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ phục hồi kinh tế-xã hội. Do đó, lãi suất dự báo được duy trì ở mức thấp, mặc dù trong bối cảnh thế giới tăng lãi suất, nhu cầu tín dụng và áp lực lạm phát tăng lên (như phân tích ở trên) có thể khiến mặt bằng lãi suất tăng nhẹ ở một số thời điểm.

Chia sẻ với phóng viên, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, Giảng viên cấp cao Học viện Tài chính cho biết, năm 2021, đại dịch COVID-19 bùng phát mạnh mẽ đã tác động rất lớn đến nền kinh tế, nhất là các tỉnh phía nam như: TPHCM, Đồng Nai, Bình Dương...

Tuy nhiên, dựa trên những kết quả về kinh tế - xã hội trong năm 2021, PGS. TS Đinh Trọng Thịnh tin tưởng dù không cần gói hỗ trợ mới, tăng trưởng GDP năm 2022 vẫn có thể đạt 7% đến 7,5%.

Theo PGS. TS Đinh Trọng Thịnh, trong năm 2022, với đà các nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục tích cực đẩy mạnh đầu tư vào Việt Nam; các doanh nghiệp trong nước tiếp tục thành lập mới và khối doanh nghiệp quay trở lại hoạt động tăng lên. Cùng với sự tháo gỡ khó khăn, những chính sách về hỗ trợ sản xuất kinh doanh của Chính phủ thì nền kinh tế của chúng ta sẽ tăng trưởng và phát triển một cách tốt nhất.

Với những chính sách hỗ trợ sản xuất kinh doanh của Chính phủ, các chuyên gia tin tưởng nền kinh tế của VN sẽ tăng trưởng và phát triển tốt nhất năm 2022

Với những chính sách hỗ trợ sản xuất kinh doanh của Chính phủ, các chuyên gia tin tưởng nền kinh tế của VN sẽ tăng trưởng và phát triển tốt nhất năm 2022

“Không cần phải có gói hỗ trợ mới như các đề xuất gần đây, chỉ cần thực hiện hiệu quả các gói hỗ trợ hiện có, đồng thời đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp hoạt động, tôi tin rằng tăng trưởng GDP năm 2022 có thể lên tới 7% đến 7,5%, nếu như không có những gì quá đột biến”, PGS. TS Đinh Trọng Thịnh khẳng định.

Chia sẻ thêm về hỗ trợ phục hồi phát triển kinh tế, PGS. TS Đinh Trọng Thịnh cho rằng, điều đầu tiên quan trọng nhất là chúng ta phải sống chung tốt nhất với dịch COVID-19 thì mới phục hồi sản xuất một cách liên tục và tiếp đó là phải giữ ổn định cán cân kinh tế vĩ mô.

Hiện, nhiều người lo lắng về rủi ro “lạm phát nhập khẩu” gia tăng khi giá nguyên vật liệu đầu vào từ xăng dầu, sắt thép cho đến các hàng hóa đều tăng lên. Tuy nhiên, sự tăng giá này bắt đầu từ đầu năm 2021 và đã được chuyển hóa vào trong nền sản xuất. Năm 2021, lạm phát 2021 rơi vào khoảng 2%, con số này không quá lớn. Mặt khác, lạm phát là lạm phát năm nay so với năm sau, năm 2021 đã lạm phát, tăng giá thì năm 2022 sẽ không tăng nhiều được như thế nữa; tối đa cũng chỉ 3,7% đến 3,8%.

“Nhìn chung, Chính phủ đã đề ra mục tiêu tổng quát “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh COVID-19, bảo vệ tối đa sức khỏe, tính mạng của nhân dân”, cùng với “tận dụng tốt các cơ hội để thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội với các giải pháp tổng thể”. Tiếp tục giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, nâng cao tính tự chủ, khả năng chống chịu, thích ứng của nền kinh tế… thì cơ hội phục hồi nền kinh tế Việt Nam năm 2022 là khả quan” – ông Thịnh nói thêm.

              Chuyên gia kinh tế Nguyễn Xuân Thành - Thành viên Tổ Tư vấn của Thủ tướng CP

Năm 2022, tăng trưởng kinh tế có thể đạt 6,5%, thậm chí 7,5%. Đối với chính sách tài khóa, tỷ lệ bội chi ngân sách năm 2022 vẫn đang được dự toán ở mức 4% GDP. Việt Nam cần có kế hoạch có thể dùng những nguồn lực ngoài ngân sách để có 1 gói hỗ trợ tăng chi cho ngành y tế, tiếp tục một số chính sách miễn, giảm thuế, giảm gánh nặng chi phí cho doanh nghiệp. Nếu trường hợp dịch Covid-19 được khống chế, ổn định vĩ mô, mục tiêu tăng trưởng GDP của Việt Nam năm 2022 đạt 6,5% trong tầm tay.

TS Nguyễn Đăng Nghĩa, Giám đốc trung nghiên cứu và tư vấn nông nghiệp nhiệt đới

Củng cố vị thế nhà cung cấp hàng đầu về nông sản thực phẩm: Qua hai năm đại dịch COVID-19 rất nhiều ngành hàng bị ảnh hưởng nặng nề, nhiều chuỗi cung ứng bị đứt gãy, nhiều ngành nghề suy giảm sản lượng doanh số nhưng nông nghiệp và thực phẩm vẫn tiếp tục tăng trưởng. Bởi dù kinh tế, khoa học, công nghệ có phát triển đến thế nào đi chăng nữa thì nhu cầu về ăn uống, dinh dưỡng của con người vẫn là một trong những nhu cầu quan trọng và cơ bản nhất, không thể cắt giảm.

Với vị thế là một cường quốc sản xuất và xuất khẩu nhiều nông sản và thực phẩm quan trọng cho toàn thế giới như lúa gạo, cà phê, hạt điều, hạt tiêu, ca cao, khoai mì, tôm, cá tra, trái cây… Việt Nam càng có cơ hội củng cố vị thế nhà cung cấp hàng đầu và thêm cơ hội cung cấp hàng hóa cho khách hàng. Với những thế mạnh đã có và xu hướng lựa chọn thực phẩm tươi, an toàn, nông sản Việt Nam sẽ tiếp tục tăng trưởng trong những năm sắp tới.

Ông Lê Viết Hải- Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hòa Bình

Cơ hội cho DN Việt Nam mở rộng thị trường nước ngoài: Sau đại dịch Covid-19, do một số các lý do khách quan từ các nước láng giềng, đã trở thành cơ hội của Việt Nam, để các DN trong nước chứng tỏ nội lực, tìm kiếm các đối tác và cơ hội từ thị trường nước ngoài. Tuy nhiên, để có thể làm tốt việc này thì đòi hỏi Chính phủ có các chính sách giúp DN tư nhân trong nước trở nên cạnh tranh, mạnh mẽ và vững vàng hơn khi đi ra nước ngoài; nguồn nhân lực được đào tạo dồi dào và tốt hơn; các điều kiện về quan hệ quốc tế, song phương, đa phương,... tốt nhất để DN tự tin ra nước ngoài.

Bên cạnh đó, về phía DN cũng cần nhận ra những hạn chế đang có để kịp thời khắc phục bằng nỗ lực tự thân.

Nguồn: [Link nguồn]

Bay gần 40% giá trị, “con cưng”của doanh nhân Mai Kiều Liên khiến nhiều nhà đầu tư hoảng hốt

Các chuyên gia chứng khoán tiếp tục đánh giá rủi ro ngắn hạn ở mức thấp, cho thấy thị trường sẽ nghiêng về kịch bản...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Hồng Hương ([Tên nguồn])
Vui xuân Quý Mão Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN