Được đàm phán mua 40 triệu liều vaccine Sputnik V của Nga, bầu Hiển có tiềm lực thế nào?

Sự kiện: Kinh tế toàn cảnh

Không chỉ được phép đàm phán mua 40 triệu liều vaccine Sputnik V của Nga bằng nguồn vốn tự có, Tập đoàn T&T của ông Đỗ Quang Hiển còn là một trong những doanh nghiệp đầu ngành ở nhiều lĩnh vực hiện nay.

Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết 73/NQ-CP về mua vaccine Sputnik V của Liên bang Nga. Tại Nghị quyết, Chính phủ đồng ý theo đề xuất của Bộ Y tế về văn bản giới thiệu Tập đoàn T&T với Quỹ đầu tư trực tiếp Liên bang Nga (RDIF) để đàm phán, mua 40 triệu liều vaccine Sputnik V của Liên bang Nga bằng nguồn kinh phí hợp pháp do Tập đoàn T&T huy động (không sử dụng kinh phí nguồn ngân sách Nhà nước và Quỹ vaccine phòng COVID-19 Việt Nam).

Trên cơ sở yêu cầu của nhà sản xuất vaccine, Thủ tướng đồng ý với đề xuất ký thỏa thuận miễn trừ trách nhiệm sử dụng vaccine Sputnik V với nội dung tương tự như nội dung thoả thuận mà Bộ Y tế đã ký trong các trường hợp mua vaccine BNT162 của Pfizer và vaccine AZD1222 do AstraZeneca sản xuất của Công ty cổ phần vaccine Việt Nam (VNVC).

Việc thực hiện cấp phép nhập khẩu, kiểm định, kiểm soát chất lượng vaccine, tổ chức tiêm miễn phí toàn bộ 40 triệu liều vaccine nêu trên theo quy định.

Tập đoàn T&T của bầu Hiển được giới thiệu để đàm phán mua 40 triệu liều vaccine Sputnik V của Liên bang Nga 

Tập đoàn T&T của bầu Hiển được giới thiệu để đàm phán mua 40 triệu liều vaccine Sputnik V của Liên bang Nga 

Trước đó, Chính phủ thông qua Nghị quyết mua vaccine ngừa Covid-19 từ Pfizer với 31 triệu liều trong đợt 1 và 20 triệu liều đợt 2. Đồng thời, giới thiệu để VNVC đàm phán, mua 30 triệu liều vaccine AZD1222 do AstraZeneca sản xuất.

Từ tháng 2 đến ngày 10/7, Việt Nam đã tiếp nhận gần 9 triệu liều, gồm vaccine AstraZeneca, Sputnik-V, Pfizer, Moderna và Sinopharm. Các vaccine được tiếp nhận từ các nguồn như: COVAX, viện trợ của chính phủ Nhật Bản, Trung Quốc và nguồn do Bộ Y tế đặt mua thông qua VNVC.

Trong khi đó, Tập đoàn T&T và doanh nhân Đỗ Quang Hiển là cái tên nổi tiếng trong giới kinh doanh Việt Nam hiện nay.

Xuất phát từ một công ty thương mại được thành lập năm 1993, sau gần 30 năm, T&T và ông Đỗ Quang Hiển đã trở thành một trong những tập đoàn đa ngành hàng đầu với cơ ngơi đồ sộ trải dài trên rất nhiều lĩnh vực kinh doanh bao gồm: Tài chính & Đầu tư; Bất động sản; Công thương; Nông nghiệp, Lâm nghiệp & Thủy sản; Hạ tầng giao thông, cảng biển & logistic; Năng lượng và Môi trường; Y tế, Giáo dục và Thể thao.

T&T Group hiện sở hữu vốn điều lệ đạt 15.000 tỷ đồng và mở rộng quy mô hơn 60 công ty thành viên với trên 80.000 cán bộ nhân viên làm việc cả trong nước và nước ngoài. Trong đó được biết đến nhiều nhất là Câu lạc bộ Bóng đá Hà Nội. Đặc biệt, T&T Group còn là cổ đông chiến lược của một số tên tuổi như Ngân hàng SHB; Cảng Quảng Ninh; Bệnh viện Giao thông vận tải Trung ương,…

Riêng ở lĩnh vực năng lượng tái tạo, năm 2020 T&T đã đưa 4 nhà máy điện mặt trời hòa lưới điện quốc gia với tổng công suất 245 MW, bao gồm: dự án Phước Ninh (45 MW), dự án Thiên Tân 1.2 (100 MW), dự án Thiên Tân 1.3 (50 MW) và dự án Hồng Liêm 3 (50 MW).

Trong những năm qua, Tập đoàn T&T đã bày tỏ sự quan tâm đến nhiều dự án điện khí lớn như Cái Mép Hạ (Bà Rịa – Vũng Tàu) tổng mức đầu tư 6 tỷ USD. T&T cũng đề xuất với tỉnh Bình Thuận để đầu tư Trung tâm điện khí LNG Sơn Mỹ 3&4 tổng công suất 3 GW (1,5 GW cho mỗi giai đoạn).

Tại tỉnh Quảng Trị, tập đoàn của ông Đỗ Quang Hiển đề xuất đầu tư Trung tâm điện khí LNG Hải Lăng, tổng mức đầu tư 4,4 tỷ USD. Còn tại Hà Tĩnh, T&T muốn bắt tay cùng PV Power phát triển dự án LNG quy mô 3,5 tỷ USD tại khu kinh tế Vũng Áng…

Với lĩnh vực bất động sản, Tập đoàn T&T Group đang phát triển hàng trăm dự án trên khắp cả nước, trong đó nhiều dự án có quy mô hàng trăm, hàng ngàn héc ta; đa dạng về các loại hình: từ chung cư, nhà ở thương mại, khu đô thị, khách sạn, khu nghỉ dưỡng, văn phòng cho thuê và trung tâm thương mại, tới bất động sản công nghiệp và bất động sản nông nghiệp.

Mới đây, Tập đoàn T&T Group của bầu Hiển đã chính thức khởi công dự án Khu du lịch sinh thái biển Tân Dân (ở P.Tân Dân, TX.Nghi Sơn, Thanh Hóa), với tổng mức đầu tư hơn 3.660 tỉ đồng.  

Trong khi đó, Ngân hàng SHB hiện đứng trong Top 5 ngân hàng Thương mại cổ phần lớn nhất Việt Nam. Tính đến 31/3, SHB có tổng tài sản đạt hơn 418.000 tỷ đồng. Vốn điều lệ hiện nay đạt hơn 19.260 tỷ đồng. Vốn tự có đạt 38.959 tỷ đồng.

Hai thiếu gia nhà bầu Hiển cũng đang nắm giữ những vị trí quan trọng trong những doanh nghiệp thuộc hệ sinh thái của Tập đoàn T&T

Hai thiếu gia nhà bầu Hiển cũng đang nắm giữ những vị trí quan trọng trong những doanh nghiệp thuộc hệ sinh thái của Tập đoàn T&T

Về phương diện cá nhân, ông Đỗ Quang Hiển đang nắm giữ một loạt vị trí quan trọng ở các doanh nghiệp như Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Sài Gòn - Hà Nội; Chủ tịch HĐQT CTCP Chứng Khoán Sài Gòn Hà Nội; Chủ tịch HĐQT & Tổng Giám đốc CTCP Tập đoàn T&T; Chủ tịch HĐQT TCty Bảo hiểm SHB – Vinacomin; Chủ tịch HĐQT CTCP Quản lý quỹ Đầu tư Sài Gòn - Hà Nội.

Vị doanh nhân họ Đỗ cũng đang sở hữu khối tài sản lên tới hàng nghìn tỷ đồng thông qua hơn 36 triệu cổ phiếu ngân hàng SHB và hơn 500 nghìn cổ phiếu SHS của CTCP Chứng Khoán Sài Gòn Hà Nội. Ông chủ Tập đoàn T&T đang đứng vị trí thứ 124 trong danh sách những người giàu nhất trên sàn chứng khoán Việt Nam (tính đến ngày 12/7).

Ông Đỗ Quang Hiển có 2 người con trai, là Đỗ Quang Vinh sinh năm 1989 và Đỗ Vinh Quang sinh năm 1995. Những động thái nhiều năm qua cho thấy vị doanh nhân này xây dựng khá rõ con đường “kế vị” cho 2 người con trai.

Trên thực tế, mặc dù đảm nhiệm nhiều cương vị quan trọng tại SHB nhưng ông Đỗ Quang Vinh lại khá “ẩn mình” trong những giao dịch liên quan đến tiền bạc, tài sản.

Tính đến thời điểm hiện tại, cá nhân con trai lớn nhà bầu Hiển chỉ sở hữu khoảng 500.000 cổ phiếu SHB sau giao dịch khớp lệnh diễn ra vào giữa tháng 6/2021, với số tiền bỏ ra ước tính khoảng 13,5 tỷ đồng.

Trái lại, con trai thứ hai của “bầu” Hiển, Đỗ Vinh Quang, lại sở hữu khối tài sản cực “khủng”. Vị thiếu gia này đang nắm giữ tới gần 52 triệu cổ phiếu SHB, tương đương giá trị trên 1.000 tỷ đồng.

Nguồn: [Link nguồn]

Nghịch lý giao dịch BĐS èo uột, giá bán vẫn tăng mạnh

Trái ngược với sự ảm đạm của thị trường BĐS thời gian gần đây, giá bán ở nhiều phân khúc vẫn ghi nhận đà tăng...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Trung Kiên ([Tên nguồn])
Kinh tế toàn cảnh Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN