Lo mất hàng trăm triệu phí chuyển condotel thành chung cư

Sau khi một dự án condotel tại Đà Nẵng “vỡ trận” vì cam kết lợi nhuận khủng, chủ đầu tư xin chuyển thành căn hộ chung cư. Theo đó, khách hàng mua condotel phát sinh thêm hàng trăm triệu khi buộc phải chuyển thành căn hộ chung cư theo yêu cầu của chủ đầu tư.

Khách hàng lo lắng khi mất phí để chuyển condotel thành chung cư khi bị phá vỡ cam kết lợi nhuận

Khách hàng lo lắng khi mất phí để chuyển condotel thành chung cư khi bị phá vỡ cam kết lợi nhuận

Ngày 1/12, trong thông báo mới nhất gửi khách hàng mua condotel tại Đà Nẵng, doanh nghiệp vừa phá vỡ cam kết lợi nhuận cho biết, những chủ sở hữu condotel muốn chuyển đổi sang căn hộ chung cư phải đăng ký trước 20/12/2019. Phí chuyển đổi trên 15% giá gốc được giải thích là đầu tư hạ tầng xã hội như bố trí quỹ đất xây nhà xe, trường học, công viên, trạm y tế, nhà sinh hoạt cộng đồng.

Anh Nguyễn Sơn, người đã mua 4 căn condotel tại dự án này ở Đà Nẵng cho biết, vì tin tưởng vào mức cam kết lợi nhuận 12% mà chủ đầu tư đưa ra cao hơn so với ngân hàng các chủ sở hữu căn hộ condotel chấp nhận giá mua "cắt cổ" lên đến 40-60 triệu đồng/m2 vào năm 2016.

“Không đồng ý với phương án chuyển condotel sang chung cư, cũng như không chấp nhận đóng thêm phí chuyển đổi. Trong các phương án chủ đầu tư đưa ra, kể cả phương án thanh lý tài sản cũng không có lợi cho chủ sở hữu, mà chỉ làm lợi cho chủ đầu tư”, anh Sơn nói.

Theo anh Sơn tính toán, một căn condotel mua với giá lên tới 4- 5 tỷ đồng. Như vậy, khi chuyển đổi thành chung cư, khách hàng sẽ mất thêm vài trăm triệu đồng nữa.

Còn chị Hoàng Yến (trú tại Mỹ Đình, Hà Nội) cho biết nguyện vọng ban đầu khi mua condotel cho chủ đầu tư khai thác để lấy tiền thu nhập hằng tháng, chứ không phải để ở.

“Chúng tôi ở xa như Hà Nội, TP.HCM, làm sao vào đấy ở được. Chúng tôi chỉ muốn chủ đầu tư trả lợi nhuận cam kết. Còn nếu bắt buộc chuyển thành chung cư để ở thì chủ đầu tư phải chịu mọi chi phí. Ngoài ra phải có chính sách rõ ràng về các chi phí khác phát sinh trong quá trình ở sau này. Thử hỏi nếu như là nhà chung cư, chúng tôi không bao giờ chấp nhận mua với giá cao như vậy?  Chủ đầu tư không khác gì lừa khách hàng", chị Yến nói.

Trước đó, việc chuyển đổi condotel thành chung cư đã được Đà Nẵng cho phép chuyển 2.000 căn hộ.

Chia sẻ việc condotel thành chung cư, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) - cho rằng việc chuyển đổi đất du lịch (làm condotel) sang đất ở (căn hộ) như Đà Nẵng thời gian qua là rất lạ kỳ và để lại những hệ lụy lâu dài cho phát triển du lịch cũng như phát triển bền vững tại địa phương.

Bởi vì đất dành cho du lịch phải làm du lịch chứ không thể chuyển sang đất ở. Nếu muốn chuyển qua đất ở cần có hội đồng khoa học đánh giá mọi mặt. Khi đã chuyển qua đất ở, địa phương mất đi một phần đất để làm du lịch. Mà đất làm du lịch mới là nguồn lợi lâu dài của địa phương cũng như cộng đồng dân cư. Để làm nhà ở, thành phố Đà Nẵng nên chọn những vị trí khác phù hợp hơn. "Đang là đất làm du lịch và cắt ra một phần làm dự án nhà ở, làm sao phát triển bền vững được", ông Châu nói.

Cụ thể, theo cách làm của Đà Nẵng, ngay trong khu vực quy hoạch và cấp phép làm dự án du lịch giờ bỗng có thêm các tòa chung cư, nhà liền kề và biệt thự. Như vậy, cần phải có thêm chỗ để xe, trường học, bệnh viện... để phục vụ nhu cầu khu dân cư. Như vậy sẽ làm méo mó quy hoạch đã được phê duyệt, làm sai lệch quy hoạch cũ. Nếu địa phương nào cũng cho phép chuyển từ condotel sang căn hộ, quy hoạch du lịch sẽ bị phá vỡ.

Nguồn: [Link nguồn]

”Vỡ trận” Cocobay: Bài học tuyệt đối tuân thủ ”không đi vay nợ để đầu tư Condotel”

Nhà đầu tư nếu chỉ dựa vào cam kết lợi nhuận của chủ đầu tư rồi đi vay tiền ngân hàng để đầu tư Condotel thì sẽ...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Ngọc Mai ([Tên nguồn])
Thị trường bất động sản Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN