Giá nhà cao “ngất ngưởng”: Vợ chồng trẻ thu nhập 50 triệu mỗi tháng "than khó"

Giá nhà ở các thành phố lớn liên tục lập kỷ lục mới, ngày càng vượt xa thu nhập của người dân khiến giấc mơ có chốn an cư của nhiều người trẻ ngày càng xa vời, khó thành hiện thực...

Giá nhà tăng vài lần, vợ chồng trẻ thu nhập 50 triệu mỗi tháng vẫn... "hụt hơi"

Vợ chồng chị Hằng (quê Hưng Yên) đang thuê nhà tại Hai Bà Trưng (Hà Nội). Được biết, hai vợ chồng chị đều làm văn phòng, có tổng thu nhập trung bình khoảng 50 triệu đồng/tháng. Mỗi tháng, sau khi trừ các khoản chi phí thuê nhà và sinh hoạt thiết yếu, gia đình anh chỉ để ra được khoảng 20% số tiền trên, tương đương khoảng 10 triệu đồng mỗi tháng. Chị Hằng cho biết, thu nhập của gia đình chị đã thuộc diện khá so với nhiều người bạn cùng cảnh ở trọ, tuy nhiên khi thị trường BĐS ngày một tăng cao, để tiết kiệm tiền mua nhà thì dường như vẫn còn là “giấc mơ xa”.

"Trừ các khoản chi tiêu cố định, mỗi năm vợ chồng tôi chỉ tiết kiệm được khoảng 100 -150 triệu đồng. Để mua một căn hộ chung cư cũ ở ven thành phố thì cũng cần mức tài chính khoảng 3 tỷ đồng. Thực sự, mua nhà đang là câu chuyện không tưởng với chúng tôi” – chị Hằng chia sẻ.

Giá nhà tăng vài lần, nhưng thu nhập của người dân không thay đổi nhiều

Giá nhà tăng vài lần, nhưng thu nhập của người dân không thay đổi nhiều

May mắn hơn vợ chồng chị Hằng, anh Tài – chủ tiệm sửa chữa xe máy tại quận Hà Đông (Hà Nội) cho hay,  năm 2019 vợ chồng anh vay thêm ngân hàng mua căn nhà diện tích 30m2 với tổng số tiền là 2,5 tỷ đồng. Sau 4 năm, theo lời anh Tài, thời điểm này một số nhà cùng khu vực đang rao bán căn 30m2 tương tự, với mức giá từ 6,5 đến 7 tỷ đồng.

Tuy nhiên, cũng theo chia sẻ của ông chủ tiệm sửa xe, dù giá nhà tăng lên tới 2 – 3 lần, thì cuộc sống của anh cũng không có thay đổi gì vì thu nhập hàng ngày không tăng.

“Giá nhà tăng thì cũng vui đấy nhưng cuộc sống của gia đình tôi vẫn như vậy thôi. Mình mua để ở, không có nhu cầu bán. Và nếu có bán, thì cũng phải tìm mua nhà khác, chắc gì đã tốt hơn nhà này”, anh Tài nói thêm.

Tương tự, chị Chuyên - một người chuyên bán thị xiên nướng và đồ ăn nhanh tại Hoàng Mai (Hà Nội), cho hay chị mua căn chung cư cũ năm 2020 giá gần 1 tỷ đồng, giờ những căn tương tự đã lên hơn 2 tỷ đồng.

“Giá nhà tăng, nhưmg cuộc sống của tôi không có gì thay đổi. Tôi chỉ thấy may mắn khi mua được căn nhà này sớm, chứ đắt bỏng tay như năm nay thì những người làm công việc nhặt tiền lẻ như tôi, không biết bao giờ mới gom đủ 2 tỷ đồng để mua được nhà” – chị Chuyên vui vẻ nói.

Thực tế, khi giá nhà liên tục thiết lập các đỉnh mới, thì với đại bộ phận các gia đình đã có nhà riêng cuộc sống vẫn vậy, thu nhập của họ không tăng nên cuộc sống không có gì đổi thay. Họ ở nhà của mình và vẫn phải làm việc, xoay xở với chuyện “cơm áo gạo tiền”, mưu sinh mỗi ngày.

Song, khi giá nhà tăng cao - với những người chưa mua được nhà riêng sẽ thành “áp lực kép”, bởi cái đích đó với họ dường như ngày càng xa vời.

Cần sớm minh bạch thị trường nhà đất

Trên các diễn đàn về tài chính cá nhân, thời gian gần đây, câu chuyện mua nhà, tăng giá nhà luôn là chủ đề được bàn luận nhiều nhất.

Nhiều người băn khoăn, khi giá nhà liên tục tăng cao thì phần lớn người đi làm ở thành phố - đối tượng đang phải thuê nhà sẽ đối diện “áp lực kép” bởi vừa lo chi trả tiền thuê nhà vừa mong tiết kiệm tiền để mua nhà riêng: “Giá nhà càng tăng cao đồng nghĩa chất lượng cuộc sống của người dân đang đi xuống. Vì họ làm và tiết kiệm tới vài chục năm vẫn khó mà mua được nhà”; “mua nhà ở thành phố với người trẻ chúng tôi, giờ đây chẳng khác gì câu chuyện “trèo cột mỡ”"...

Thiếu cân bằng cung - cầu về nhà ở và nhu cầu đầu cơ của nhiều người, đã đẩy giá nhà tăng cao

Thiếu cân bằng cung - cầu về nhà ở và nhu cầu đầu cơ của nhiều người, đã đẩy giá nhà tăng cao

Theo giới chuyên môn, thời gian vừa qua có hiện tượng nhiều cá nhân kinh doanh bất động sản nhỏ lẻ, không thành lập doanh nghiệp có mục đích đầu cơ “ôm” nhà, “ôm” đất để kích giá thành trên thị trường.

Mới đây, theo báo cáo thị trường bất động sản của Dat Xanh Services về thị trường BĐS những tháng cuối năm 2024, giá nhà ở tại các đô thị lớn dự báo tăng thêm khoảng 5-10% vào nửa cuối năm nay, nguyên nhân do nhu cầu đầu cơ của những người đã có nhà là rất lớn.

Tương tự, ông Nguyễn Quốc Khánh, Phó Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam (VARS) cũng nhấn mạnh, thị trường khan hiếm nguồn cung lại có thêm nhóm đầu cơ lớn khiến khả năng tiếp cận nhà ở của phần đông người dân ngày càng khó.

Trước tình trạng giá đất tăng cao “ngất ngưởng” như hiện nay, nhiều chuyên gia khuyến nghị các đơn vị phát triển bất động sản có dự án mới đang trong giai đoạn nghiên cứu, nên chủ động chuyển sang phân khúc giá bình dân, sản phẩm để sử dụng, ít mang tính đầu cơ để dễ bán khi tung ra thị trường.

Đối với Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh Bất động sản, Bộ Xây dựng cũng đã có nghị định quy định chung Luật Nhà ở; Phát triển nhà ở xã hội; Cải tạo chung cư cũ; Luật kinh doanh bất động sản; Hệ thống thông tin về thị trường bất động sản. Các nghị định này đã được hoàn chỉnh và sẵn sàng trình ban hành, đảm bảo thực thi khi Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh Bất động sản có hiệu lực từ 1/8. Hy vọng, khi các luật mới có hiệu lực sẽ giúp cân bằng giá cả, minh bạch, tạo điều kiện thuận lợi cho người mua nhà.

Nguồn: [Link nguồn]

Theo thống kê từ các đơn vị nghiên cứu thị trường BĐS, giá chung cư Hà Nội đã tiệm cận TPHCM, ở mức 50-60 triệu đồng/m2. Đặc biệt, dù giá ở phân khúc này cao nhưng chưa có dấu hiệu ngừng tăng.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Tuấn Kiệt ([Tên nguồn])
Thị trường bất động sản Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN