Gánh lãi suất còng lưng, nhà đầu tư bất động sản hụt hơi nhìn đất rớt giá mạnh

Lãi suất tăng cao khiến nhiều nhà đầu tư còng lưng gánh lãi vay ngân hàng vì sử dụng đòn bẩy tài chính để đầu tư thời điểm giá đất cao ngất ngưởng.

Nguyễn Hoàng Anh, một nhà đầu tư bất động sản tại khu vực huyện Nhơn Trạch (tỉnh Đồng Nai) cho hay, năm 2021 anh đã đầu tư 5 lô đất tại khu vực huyện Nhơn Trạch và huyện Long Thành. Không đủ vốn nên anh đã vay ngân hàng khoảng 5 tỷ đồng, thời hạn vay chỉ 3 năm, vì nghĩ mua xong một thời gian chờ giá lên cao rồi bán và giải chấp cho ngân hàng.

Tuy nhiên hiện nay thị trường bất động sản khu vực này đang rơi “thê thảm”, giá bán hiện đã giảm sâu, thậm chí một số khu vực rao bán với giá chỉ bằng một nửa so với thời điểm mua vào.

Gánh lãi suất còng lưng, nhà đầu tư bất động sản hụt hơi nhìn đất rớt giá mạnh - 1

Lãi suất cho vay tăng cao đã khiến nhiều nhà đầu tư bất động sản sử dụng đòn bẩy tài chính gánh lãi còng lưng  (Ảnh: Phan Chính)

Anh Hoàng Anh cho biết lãi suất thời điểm hiện tại là 13%, mỗi tháng anh phải trả khoảng trên 54 triệu đồng tiền lãi.

“Đây là một con số vô cùng cao so với tiềm lực tài chính hiện tại của cá nhân tôi cũng như các nhà đầu tư sử dụng đòn bẩy tài chính như tôi, rất khó để chúng tôi đi tiếp vì thu nhập cả gia đình hiện không đủ để trả lãi”, anh này nói.

Trong khi đó, anh Nguyễn Nam, một nhà đầu tư mới tham gia thị trường ở Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh khi nơi đây xảy ra sốt đất chia sẻ, thời điểm cuối năm 2021, anh và một nhóm nhà đầu tư đã đi vay để gom đất với mục đích lướt sóng. Hồi đầu năm 2022, anh vay 2,5 tỷ đồng tại một ngân hàng ở TP. Vinh (Nghệ An), thế chấp sổ đỏ nhà đang ở và chiếc xe ô tô đang sử dụng cho ngân hàng, khoản vay chỉ cố định lãi suất 7,9%/năm trong 6 tháng, đến nay anh phải trả khoản lãi lên đến khoảng gần 30 triệu đồng mỗi tháng.

Đến thời điểm này, khả năng trả nợ của nhà đầu tư này rất yếu ớt, anh đang rao bán những mảnh đất đã gom tại một số khu vực trong tỉnh để trả khoản nợ ngân hàng, nhưng 2 tháng nay vẫn chưa có khách liên hệ để xem đất.

Theo anh này, giá đất rao bán hiện nay tại khu vực anh đã đầu tư giảm hơn nhiều so với thời điểm mua vào nhưng vẫn không có người quan tâm. Không bán được đất thì phải tiếp tục gánh lãi suất, hàng tháng toàn bộ số tiền có được chỉ vài chục triệu, nên phải đi vay thêm để bù vào trả lãi cho ngân hàng.

“Không biết chúng tôi có thể trụ được bao lâu nữa khi mức lãi suất ngày càng tăng cao, thị trường chưa có dấu hiệu phục hồi. Nếu sang năm không bán được để trả nợ ngân hàng thì rất khó để giữ được tài sản đang có”, anh Nam nói.

Giới chuyên gia cho rằng, hiện nay với các giao dịch sang nhượng ở thị trường thứ cấp, sẽ xuất hiện nhiều tình trạng giảm giá bán. Giá bất động sản sẽ hạ nhiệt khi áp lực vốn vay của nhà đầu tư và giới đầu cơ đang gia tăng.

Có rất nhiều nhà đầu tư đang phải gồng mình ôm hàng trong giai đoạn này cũng có thể sẽ không chịu đựng được thêm gánh nặng tài chính, thời gian tới buộc phải tính đến chuyện giảm giá sâu hoặc bán cắt lỗ. Giá nhà đất thứ cấp sẽ có xu hướng đi xuống, nhưng biên độ xuống không nhiều vì nguồn cung đang khá hạn chế.

Trong khi đó, ông Nguyễn Thế Điệp, Phó Chủ tịch câu lạc bộ bất động sản Hà Nội cho rằng, nguyên nhân dẫn đến xu hướng giảm giá bán trên thị trường thứ cấp là vì do một số dự án hết chương trình ân hạn nợ gốc, tài trợ lãi của chủ đầu tư hoặc tại các thị trường, phân khúc sản phẩm có tính thanh khoản thấp, hay sản phẩm mang tính chất đầu cơ.

Bên cạnh đó, áp lực từ lạm phát và lãi suất tăng ngày một cao đang ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng chi trả của nhà đầu tư sử dụng đòn bẩy tài chính. Trước những áp lực lớn về lãi vay, một số khách hàng chấp nhận giảm một phần lợi nhuận để bán bất động sản với mức giá thấp hơn kỳ vọng, thậm chí bán lỗ để thu hồi vốn.

“Tôi thấy thị trường lúc này như một cơn mưa, có một số người sẽ bị ướt do đang di chuyển trên đường chưa kịp vào nơi trú ẩn. Nhưng cũng có nhiều người khô ráo vì đã ở an toàn trong nhà và hơn hết sau cơn mưa trời lại sáng”, ông Điệp nói.

Nguồn: [Link nguồn]

Bất động sản sụp đổ, cặp vợ chồng trẻ vẫn kiếm chục tỷ nhờ chiến lược khôn ngoan

Natia và Jervais Seegars bắt đầu từ con số không, sở hữu mức tín dụng xấu và thu nhập thấp. Tuy nhiên, họ đã xây dựng một danh mục đầu tư trị giá hàng triệu đô la cho phép...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Phan Chính ([Tên nguồn])
Thị trường bất động sản Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN