Doanh nghiệp vi phạm luật đấu giá đất, thao túng thị trường sẽ bị xử lý thế nào?

Sự kiện: Kinh tế toàn cảnh

Theo các cơ quan chuyên môn, hiện tượng đấu giá đất rất cao rồi bỏ cọc tạo mặt bằng giá ảo để thao túng thị trường diễn ra khá phổ biến, thậm chí có trường hợp mang tính tổ chức.

Liên quan đến việc các doanh nghiệp trúng đấu giá đất Thủ Thiêm hủy hợp đồng, bỏ cọc, Bộ Xây dựng, Bộ Tài nguyên - Môi trường đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm pháp luật đấu giá đất, có yếu tố trục lợi trong đấu giá quyền sử dụng đất.

Mới đây, Bộ Xây dựng đưa ra trong báo cáo gửi Thủ tướng về tác động của các kết quả đấu giá quyền sử dụng đất đến thị trường bất động sản, đặc biệt là các trường hợp có kết quả trúng đấu giá cao bất thường, gấp nhiều lần giá khởi điểm.

Theo Bộ Xây dựng, kết quả trúng đấu giá 4 lô đất đã tác động đến mặt bằng giá đất, nhà ở, thị trường bất động sản khu vực Thủ Thiêm

Theo Bộ Xây dựng, kết quả trúng đấu giá 4 lô đất đã tác động đến mặt bằng giá đất, nhà ở, thị trường bất động sản khu vực Thủ Thiêm

Theo Bộ Xây dựng, hiện tượng bỏ giá rất cao một số lô đất, rồi bỏ cọc, tạo mặt bằng giá ảo để thao túng thị trường, mua đi, bán lại nhiều lô đất trúng đấu giá, thu lợi bất chính đang diễn ra khá phổ biến ở nhiều nơi, một số vụ việc có tổ chức.

Với trường hợp đấu giá đất vàng Thủ Thiêm, kết quả trúng đấu giá 4 lô đất đã tác động đến mặt bằng giá đất, nhà ở, thị trường bất động sản khu vực Thủ Thiêm. Sau khi có thông tin kết quả trúng đấu giá 4 lô đất, giá rao bán đất nền, nhà ở khu vực Thủ Thiêm đã đồng loạt tăng nhưng giao dịch ghi nhận rất ít.

Nhận định về kết quả trúng đấu giá, Bộ Xây dựng cho rằng quá trình tổ chức đấu giá đất ở một số nơi có hiện tượng cò đấu giá, quân xanh - quân đỏ lộng hành, thông đồng, dìm giá, làm sai lệch kết quả đấu giá, gây mất an ninh trật tự, thất thoát nguồn thu ngân sách, ảnh hưởng đến quyền lợi của người tham gia đấu giá.

Có tình trạng xã hội đen đe dọa cá nhân, tổ chức có nhu cầu tham gia đấu giá, ép phải xin rút hồ sơ; thông đồng giữa tổ chức tư vấn định giá với người tham gia đấu giá để dìm giá như các vụ đấu giá quyền sử dụng đất tại tỉnh Thái Bình năm 2020, tại huyện Đông Anh, thành phố Hà Nội năm 2021.

Chính vì vậy Bộ Xây dựng kiến nghị Thủ tướng giao các bộ Tài nguyên - môi trường, Tư pháp, Tài chính tăng cường thanh tra, kiểm tra việc thực hiện các quy định pháp luật về đấu giá đất, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm pháp luật về đấu giá, trục lợi trong đấu giá đất.

Nghiên cứu, sửa đổi các quy định của pháp luật hiện hành theo hướng quy định thống nhất hình thức, trình tự, thủ tục trong tổ chức thực hiện đấu giá quyền sử dụng đất; xác định giá khởi điểm để đấu giá quyền sử dụng đất.

Bổ sung quy định về số tiền đặt trước khi tham gia đấu giá và số tiền đảm bảo thực hiện hợp đồng khi trúng đấu giá, đồng thời quy định rõ thời hạn người, tổ chức trúng đấu giá phải nộp đủ số tiền trúng đấu giá để hạn chế tình trạng lợi dụng đấu giá đất để đầu cơ, "thổi giá" đất.

Bộ Tài nguyên - Môi trường cũng đề nghị các tỉnh, TP xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm các quy định pháp luật, ngăn chặn hành vi lợi dụng đấu giá quyền sử dụng đất để gây nhiễu loạn thị trường

Bộ Tài nguyên - Môi trường cũng đề nghị các tỉnh, TP xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm các quy định pháp luật, ngăn chặn hành vi lợi dụng đấu giá quyền sử dụng đất để gây nhiễu loạn thị trường

Không chỉ Bộ Xây dựng, Bộ Tài nguyên - Môi trường cũng có Công văn số 413 gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc rà soát công tác đấu giá quyền sử dụng đất theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Đồng thời đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tập trung rà soát, kiểm tra công tác tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất trên địa bàn đảm bảo đúng pháp luật, công khai, minh bạch; kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm các quy định pháp luật, ngăn chặn hành vi lợi dụng đấu giá quyền sử dụng đất để gây nhiễu loạn thị trường, trục lợi.

Bên cạnh đó, chấn chỉnh hoạt động đấu giá quyền sử dụng đất, trong đó tập trung vào việc thực hiện đúng quy định các trường hợp phải đấu giá quyền sử dụng đất, nhất là những khu đất “vàng” sau khi rà soát, sắp xếp lại các cơ sở nhà, đất của Nhà nước để chống thất thu cho ngân sách nhà nước và phòng chống tiêu cực, tham nhũng trong lĩnh vực đất đai.

Trước đó, trong văn bản gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hiệp hội BĐS TP.HCM (HoREA) cũng cho rằng qua cuộc đấu giá 4 lô đất thuộc Khu đô thị mới Thủ Thiêm đã cho thấy rõ các bất cập và sự cần thiết phải sớm sửa đổi, bổ sung một số quy định của luật Đấu giá tài sản 2016 và các pháp luật có liên quan, nhất là các quy định về đấu giá quyền sử dụng đất để thực hiện dự án đầu tư kinh doanh BĐS, nhà ở, khu đô thị, nhằm xây dựng môi trường đầu tư minh bạch, công bằng, cạnh tranh lành mạnh, đảm bảo sự phát triển ổn định, bền vững của thị trường BĐS, không làm thất thu ngân sách nhà nước, không làm thất thoát tài sản công là nguồn lực đất đai, không để bị lợi dụng đấu giá để trục lợi bất chính…

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch HoREA, phân tích luật Đấu giá tài sản 2016 và công tác thực thi pháp luật về điều kiện khi tham gia đấu giá cũng có nhiều bất cập nên những doanh nghiệp mới thành lập hoặc có số vốn rất nhỏ cũng đủ điều kiện tham gia đấu giá các lô đất có giá hàng chục ngàn tỉ đồng. Trong những năm qua, đã có nhiều dự án BĐS, nhà ở tại các vị trí đất vàng hoặc dự án có quy mô diện tích rất lớn nhưng chủ đầu tư chậm đưa đất vào sử dụng, có dấu hiệu găm giữ đất, đầu cơ đất đai, mà các biện pháp xử phạt không đủ sức răn đe và dường như chưa có trường hợp nào bị cơ quan nhà nước có thẩm quyền ra quyết định thu hồi dự án theo quy định tại điểm i, khoản 1, điều 64 luật Đất đai 2013...

Nguồn: [Link nguồn]

CEO của doanh nghiệp thứ hai xin bỏ cọc tại Thủ Thiêm là ai?

Để trúng đấu giá lô đất tại Thủ Thiêm, Công ty Bình Minh đã phải vượt qua 13 doanh nghiệp (DN) khác với 140 lượt gọi...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Quỳnh Chi ([Tên nguồn])
Kinh tế toàn cảnh Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN