Đỏ mắt tìm mua bất động sản dưới 1 tỷ đồng tại Hà Nội

Sự kiện: Kinh tế toàn cảnh

Trái ngược với sự trầm lắng của thị trường BĐS thời gian qua, những người có nhu cầu tìm mua BĐS tại những quận gần trung tâm Hà Nội với giá trị dưới 1 tỷ đồng vẫn gặp rất nhiều khó khăn.

Nguồn cung tín dụng ngân hàng bị hạn chế trong thời gian qua đã khiến thị trường BĐS rơi vào trầm lắng. Theo khảo sát, giá đất nhiều khu vực ngoại thành Hà Nội như Thạch Thất, Sơn Tây,... đã ghi nhận mức giảm từ 15 đến 20% tùy vị trí và khu vực.

Dữ liệu của Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam (VARS) cho thấy, giá bất động sản, đặc biệt là sản phẩm đất nền được điều chỉnh về giá trị thực, gần như nguyên trạng so với thời điểm cuối năm 2021 khi chưa xảy ra cơn sốt đất. Thị trường ghi nhận tình trạng “cắt lỗ”, đặc biệt là phân khúc đất nền. Giá đất nền thứ cấp tại các huyện vùng ven đã giảm 15% - 35% so với đầu năm 2022, còn đất nền dự án cũng giảm từ 8% - 15%.

Tuy nhiên, những người có số vốn nhỏ dưới 1 tỷ đồng muốn tìm mua một nơi an cư tại các khu vực gần trung tâm Hà Nội như Hà Đông, Thanh Trì,… vẫn gặp rất nhiều khó khăn. Chị Trang (Thái Bình) cho biết suốt từ cuối năm 2022 đến nay gia đình chị muốn tìm một nơi an cư tại quận Hà Đông với số vốn dưới 1 tỷ đồng nhưng vẫn chưa thực hiện được.

Không dễ để tìm mua được BĐS có giá dưới 1 tỷ đồng tại các quận gần trung tâm Hà Nội thời điểm này

Không dễ để tìm mua được BĐS có giá dưới 1 tỷ đồng tại các quận gần trung tâm Hà Nội thời điểm này

Theo chị Trang thời gian qua đã xem nhiều BĐS được các môi giới giao bán nhưng mức giá được đưa ra toàn từ 1,2 đến gần 2 tỷ đồng. Trong đó, mảnh đất chỉ hơn 30 mét vuông tại Yên Nghĩa – Hà Đông được rao bán với giá 1,2 tỷ đồng. Với nhà xây sẵn 3-4 tầng có diện tích từ 30 - 40 mét vuông mỗi sàn cũng đang được rao bán với mức giá từ 1,7 đến hơn 2 tỷ đồng.

“Bây giờ làm sao có thể tìm mua được BĐS với mức giá dưới 1 tỷ trong khu vực này” là câu nói mà chị Trang cùng chồng nhận được mỗi khi đưa ra yêu cầu tìm mua BĐS của mình với môi giới.

 “Chúng tôi hy vọng thời gian tới có thể dễ dàng vay vốn ngân hàng hơn để có thể sớm tìm được một nơi an cư cho cả gia đình”, chị Trang tâm sự khi thông tin về những gói tín dụng trị giá hàng trăm nghìn tỷ đồng được đề xuất để giải cứu thị trường BĐS.

Nỗi niềm của chị Trang cũng là tình cảnh chung của nhiều gia đình đang tìm một nơi an cư tại Hà Nội nhưng chỉ có số vốn nhỏ hiện nay.

Trong khi đó, chị Dung một môi giới BĐS tại khu vực Đồng Mai – Hà Đông cho biết hiện nay những lô đất với mức giá dưới 1 tỷ đồng trong khu vực là rất ít. Nếu có thì vị trí cũng không được đẹp bởi lỗi phong thủy hoặc nằm trong những ngõ sâu, đây là điều mà nhiều người có nhu cầu mua BĐS lần đầu không thích.

Theo chị, để mua được một mảnh đất với diện tích từ 30 đến 40 mét vuông tại khu vực Đồng Mai, Yên Nghĩa hiện nay khách hàng cần chuẩn bị mức tài chính từ hơn 1 tỷ đồng trở lên. Trong khi đó, để có thể mua được nhà an cư ngay, số vốn cần thiết cũng từ 1,5 tỷ đồng trở lên.

Với số tiền dưới 1 tỷ đồng, khách hàng chỉ có thể mua được đất tại khu vực Chương Mỹ khi giá đất ở đây vẫn còn rẻ. “Với số tiền từ 700 triệu đến 1 tỷ đồng khách hàng có thể mua được một mảnh đất ở vị trí khá đẹp tại đây. Tuy nhiên, quãng đường di chuyển để vào khu vực trung tâm Hà Nội làm việc có thể dao động từ 15 – 20km”, chị Dung chia sẻ thêm.

Trong khi đó, phát biểu tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc "Tháo gỡ khó và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững" hôm 17/2, chuyên gia kinh tế TS Cấn Văn Lực cho rằng thị trường bất động sản hiện nay có hiện tượng "bất thường", bởi kinh tế vĩ mô rất tốt nhưng thị trường lại gần như "đóng băng" và rõ ràng là có điểm nghẽn cần tháo gỡ.

Ông Lực nhấn mạnh cơ cấu thị trường mất cân đối nghiêm trọng, chỗ thì thừa, chỗ kia thì thiếu. Quan hệ cung - cầu lệch pha, giá cả chưa hợp lý.

Riêng về giá cả, ông Lực cho rằng hiện nay, giá bất động sản đang ở mức tương đối cao so với thu nhập của đa số người dân.

"Người Việt Nam trung bình cần ít nhất 23,5 năm có thu nhập để mua được nhà ở, đứng thứ 14/107 quốc gia (càng cao, càng đắt) trên thế giới, tương đương Thái Lan, Hàn Quốc (trong khi thu nhập của chúng ta thấp hơn họ); cao hơn nhiều so với các nước Indonesia (18,5 năm), Singapore (15,5 năm), Ấn Độ (9,2 năm) và Malaysia (8,1 năm)…", ông Lực cho biết.

Nguyên nhân chủ yếu là do nguồn cung hạn chế, thiếu trầm trọng nhà ở phù hợp túi tiền và dư thừa ở một số phân khúc khác (đặc biệt là phân khúc cao cấp), chi phí ở các khâu làm dự án đều cao ...

Nguồn: [Link nguồn]

Bỏ túi hơn 200 tỷ đồng, tài sản đại gia 53 tuổi tiến gần mốc 3.400 tỷ đồng

Cùng với đà tăng mạnh của thị trường chứng khoán phiên giao dịch ngày 20/2, khối tài sản của đại gia 53 tuổi này ghi nhận mức phục hồi hơn 200 tỷ đồng.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Hoàng Anh ([Tên nguồn])
Kinh tế toàn cảnh Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN