Thu nhập 3 triệu/tháng, mẹ con nữ cửu vạn chợ Long Biên ăn cá mắm sống qua ngày

Sự kiện: Kinh tế toàn cảnh

Rất lâu rồi, cô Dung và Hoa – con gái cô không biết các món ăn từ thịt lợn trông như thế nào. Với thu nhập vỏn vẹn 3 triệu đồng/tháng, thứ duy nhất cô có thể mua cho những bữa ăn của cả hai mẹ con là: trứng và cá mắm.

2 giờ sáng, không khí nhộn nhịp của chợ Long Biên (Hà Nội) len lỏi trong từng xe hàng, Hoa chậm rãi đỡ từng bao tải bưởi trên vai mẹ xuống đất, tay còn lại cố níu lấy chiếc xe đẩy để xe không tuột dốc trôi mất. 

Hoa (16 tuổi) là một trong những nữ cửu vạn nhỏ tuổi nhất ở chợ Long Biên, gọi là “cửu vạn” nhưng em chỉ ra chợ làm việc vặt, còn mẹ Hoa – cô Nguyễn Thị Dung (57 tuổi) mới là lao động chính. 

Hoa không biết chữ, em mắc bệnh chậm phát triển trí tuệ nên giao tiếp khó khăn và nhận thức chỉ như đứa trẻ ba tuổi. Ngày mới sinh Hoa được 2 tháng thì chồng mất nên cô Dung đặt tên con theo họ của mình.

Năm 2010, từ một xã nghèo ở Hà Nam, cô Dung ôm Hoa khi ấy vừa tròn 4 tuổi rời quê lên thành phố, trong người còn đúng 100.000 đồng. Hồi đó cô đâu nghĩ được gì, chỉ biết là cô cần tìm một đường sống để nuôi con, thế là cô tha luôn cái Hoa ra chợ làm cửu vạn cùng mình, mẹ đi đâu thì con đi đấy.

Chật vật xoay sở ở Hà Nội với thu nhập... 3 triệu đồng/tháng

Buổi tối, lối mòn dẫn từ khu nhà trọ ra cổng chợ Long Biên tấp nập những xe hàng và mấy người nối đuôi nhau đi làm, họ bắt đầu ngày làm việc của mình lúc 19 giờ. Cùng với nhóm cửu vạn, hai mẹ con cô Dung men theo ánh đèn đường, túc tắc đi bộ ra chợ.  

Vừa ra tới nơi, cô Dung được khách quen giao việc luôn. Cô xắn tay áo chạy vội về phía thùng xe chở toàn bưởi rồi thoăn thoắt chuyển những bao hàng lên vai. Hoa phụ mẹ đẩy xe hàng tới điểm cần giao, tuy thao tác chậm nhưng em làm cẩn thận và chăm chỉ nghe theo lời mẹ . 

Rong ruổi theo mẹ ra chợ hơn 5 năm trời, đến năm Hoa tròn 10 tuổi, cô Dung bắt đầu để con phụ cô công việc cửu vạn ở chợ.

Rong ruổi theo mẹ ra chợ hơn 5 năm trời, đến năm Hoa tròn 10 tuổi, cô Dung bắt đầu để con phụ cô công việc cửu vạn ở chợ.

Lấp ló sau thùng xe tải, cổ cô Dung ngoặt sang một bên nương theo những bao hàng nặng khoảng 15kg. Trên cổ cô, mấy vết xước nhỏ cũ vừa mới đóng vẩy thì hôm nay lại bị bao tải cọ vào làm trầy da. Cô bảo: “Lúc làm thì không thấy đau đâu nhưng đêm về tắm rửa, nước vào mới xót. Nhưng cô quen rồi, cứ hết lượt xước này lại đến lượt xước khác thôi”.

Hàng ngày, cô Dung làm cửu vạn “toàn thời gian” ở chợ Long Biên từ 7 giờ tối đến 4 giờ sáng với sự hỗ trợ của Hoa. Công việc chính của cô là vận chuyển các thùng hàng từ nơi này đến nơi khác trong khu vực chợ. Thường là hàng hoa quả tươi, mỗi bao nặng từ 5 – 20kg. 

Tuỳ theo cân nặng, cô Dung được trả trung bình từ 3.000 – 10.000 đồng/bao. Đêm nào nhiều việc hai mẹ con vận chuyển được khoảng 50 thùng lớn – nhỏ thu nhập có thể dao động từ 120.000 – 200.000 đồng.

Trước đây, hai mẹ con nữ cửu vạn chủ yếu vận chuyển hàng hóa bằng sức. Cứ bê được khoảng 10 thùng hàng thì lưng bắt đầu đau sụn, khách giao thêm việc cô Dung cũng không dám nhận. Thời gian gần đây, cô “sắm” được thêm chiếc xe đẩy nhờ vậy thu nhập cũng cải thiện hơn.

Không đồ bảo hộ, không bao tay… làm cửu vạn hơn 10 năm nay nhưng những món “đồ nghề” của cô chỉ có chiếc áo sơ mi với hai bàn tay thô ráp. 

Không đồ bảo hộ, không bao tay… làm cửu vạn hơn 10 năm nay nhưng những món “đồ nghề” của cô chỉ có chiếc áo sơ mi với hai bàn tay thô ráp. 

“Những ngày đều khách là thế nhưng cũng có nhiều đêm cô ngồi từ 21 giờ đến tận rạng sáng vẫn không ai gọi đi làm. Vật vờ ở chợ đến hết buổi hai mẹ con phải nhịn đói đến tận hôm sau vì không có tiền mua nổi cái bánh mì” – Cô Dung kể.

Trở về phòng trọ vào lúc rạng sáng, cô Dung và Hoa nằm thượt ra giữa ngổn ngang nào quần áo, đồ đạc, những giỏ hàng khách gửi… nhưng không có món nào giá trị quá 100.000 đồng. Hai mẹ con ngủ thiếp đi với tiếng bụng trống kêu “ọc ọc” vì lại thêm một đêm nữa, cả hai không có gì bỏ vào bụng.

Những bữa cơm quên mùi thịt

Căn phòng lụp xụp dưới chân cầu Long Biên của mẹ con cô Dung rộng khoảng 15m2, vừa mở cửa bước vào đã thấy nồng nặc mùi mắm. Cô Dung bảo cô phát sợ thứ mùi này, đến mức có đêm về cô nôn khan mấy lần. 

Đây là mùi phát ra từ đĩa cá mắm khô trên bàn – một món ăn từ ngày này qua tháng nọ của mẹ con cô Dung. 

Với thu nhập trung bình từ 3.000.000 – 5.000.000 đồng/tháng, cô Dung phải trả tiền nhà, tiền điện nước hết 1.200.000 đồng, tiền bến bãi ở chợ Long Biên khoảng 480.000 đồng, số còn lại là tiền ăn cho cả tháng. 

Cô cân đo đong đếm từng đồng bạc lẻ mới để ra được khoảng 40.000 đồng/ngày cho 3 bữa ăn của hai mẹ con.

Căn phòng của hai mẹ con cô Dung nằm cuối xóm trọ lao động nghèo ở chân cầu Long Biên.

Căn phòng của hai mẹ con cô Dung nằm cuối xóm trọ lao động nghèo ở chân cầu Long Biên.

Thịt lợn trở thành món ăn quá xa xỉ khi mẹ con cô thậm chí không dám nghĩ đến bữa sáng. Do đặc thù công việc phải đi làm đêm nên cô Dung và Hoa thường ngủ dậy muộn. “Đôi khi là cố tình ngủ dậy muộn để cho qua bữa sáng” – Cô Dung nghẹn ngào.

Theo lời kể của nữ cửu vạn, nhiều buổi sáng thực ra đã tỉnh dậy từ lúc 6 – 7 giờ nhưng phải cố nhắm mắt lại để ngủ tiếp vì không có tiền ăn sáng, mà không ăn thì không có sức đi lại, làm việc nên thà ngủ tiếp còn hơn.

Cô Dung đã vậy, nhưng cô xót xa cho cái Hoa. Từ khi theo cô lên thành phố, Hoa không được ăn một bữa sáng nào tử tế, hoặc là nhịn đói, hoặc là ăn cơm nguội từ bữa tối qua để lại. Hồi còn giãn cách xã hội có nhóm tình nguyện viên đến cho lương thực thực phẩm và tặng bữa sáng cho cả xóm trọ mỗi người một hộp xôi. “Lúc đó Hoa thích lắm vì lần đầu tiên được ăn một bữa sáng no căng bụng như thế” – Cô Dung kể.

Mâm cơm của hai mẹ con nữ cửu vạn với món ăn quen thuộc từ ngày này qua tháng nọ.

Mâm cơm của hai mẹ con nữ cửu vạn với món ăn quen thuộc từ ngày này qua tháng nọ.

Với hai bữa chính, món ăn chủ yếu là trứng và cá mắm, không có rau vì theo cô Dung, Hà Nội thời bão giá mua một mớ rau cho hai mẹ con cũng hết 10.000 đồng. Chỉ khi nào về quê mang thực phẩm lên mới có rau để ăn.

Cá mắm khô cô chọn loại rẻ nhất khoảng 20.000 đồng/kg, không chế biến cầu kỳ chỉ rán lên ăn với cơm trắng. Thi thoảng đổi bữa với trứng cũng là trứng vịt vì to và rẻ hơn trứng gà. 

Món ăn không có nhiều lựa chọn nên cô Dung thường nấu một bữa ăn cả ngày. Có khi bê ra rồi lại bê vào vì cả hai mẹ con đều lắc đầu “không thể nuốt nổi”. Một hôm, đang ăn trưa thấy Hoa bật khóc, Hoa kêu nhai cá đau miệng quá, cô Dung thương con chạy sang hàng xóm vay tạm 50.000 đồng, mua một miếng thịt lợn nhỏ vừa đủ cho Hoa đổi bữa.

Cô Dung cho biết, dù cuộc sống ở Thủ đô quá khó khăn nhưng cô cũng không thể về quê vì ở quê không còn người thân cũng không có nhà để ở.

Cô Dung cho biết, dù cuộc sống ở Thủ đô quá khó khăn nhưng cô cũng không thể về quê vì ở quê không còn người thân cũng không có nhà để ở.

10 năm nay, mỗi ngày của hai mẹ con cô Dung chỉ xoay quanh những bữa ăn như vậy. Thủ đô đối với Hoa – cô bé 16 tuổi, chỉ thu bé vừa bằng con đường từ phòng trọ đến cánh cổng chợ Long Biên, Hoa không có ước ao gì nhưng ánh mắt của em lấp lánh khi được người lạ tặng một hộp xôi, cho một gói bánh hay chỉ đơn giản là thấy đường phố đông đúc phía ngoài cánh cổng chợ.

Cuộc sống của một cửu vạn “yếu sức” như cô ở Hà Nội quá khó khăn, nhưng cô không còn nhiều lựa chọn cho công việc mới, bởi Hoa vẫn và sẽ mãi là đứa trẻ cần được che chở. Chính cô, đôi khi cũng muốn buông bỏ ngay trong khoảnh khắc cô không còn đủ tiền mua nổi một mớ rau. 

Nhưng rồi thấp thoáng dưới ánh đèn đường, cô Dung vẫn dắt tay cái Hoa men theo con ngõ nhỏ đi thẳng ra chợ Long Biên. Hoa thì thầm vào tai mẹ là hôm nay sẽ làm chăm chỉ. “Để làm gì? - Để có tiền mua xôi” – cuộc hội thoại của hai mẹ con vừa dứt thì có người gọi cô Dung tới bê hàng.

Nguồn: [Link nguồn]

Nghề lạ ở Việt Nam: Đập phá đồ mà hái ra tiền

Tuy nhiên, không phải ai cũng biết “đập phá” đúng cách để có thể kiếm tiền bằng phương pháp độc đáo này.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Châu Dương ([Tên nguồn])
Kinh tế toàn cảnh Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN