Việt Nam sẽ nghiên cứu dùng huyết tương điều trị cho bệnh nhân Covid-19

Các chuyên gia hàng đầu về huyết học và bệnh truyền nhiễm tại Việt Nam đang nghiên cứu sử dụng huyết tương người khỏi Covid-19 để điều trị cho bệnh nhân nhiễm Covid-19 nặng.

Việt Nam đang nghiên cứu sử dụng huyết tương người khỏi Covid-19 để điều trị cho bệnh nhân nhiễm Covid-19 nặng. (Ảnh: Một trường hợp khỏi bệnh Covid-19 tại Việt Nam). 

Việt Nam đang nghiên cứu sử dụng huyết tương người khỏi Covid-19 để điều trị cho bệnh nhân nhiễm Covid-19 nặng. (Ảnh: Một trường hợp khỏi bệnh Covid-19 tại Việt Nam). 

Tiểu ban Điều trị, Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19, cho biết, Bộ Y tế đã giao Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cùng Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương và hệ thống các bệnh viện chuyên ngành huyết học nghiên cứu tách chiết huyết tương từ người khỏi, để điều trị cho các bệnh nhân nặng theo phác đồ được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khuyến cáo. 

Theo PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế), Phó trưởng Tiểu ban điều trị, Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19, hiện Việt Nam cũng đang triển khai một số nhóm giải pháp, biện pháp khác trong điều trị bệnh Covid-19. Tiểu ban điều trị cũng thường xuyên họp để cập nhật các phác đồ điều trị này.

Tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, Tiến sĩ Phạm Ngọc Thạch, giám đốc bệnh viện cho biết, bệnh viện đang dự thảo đề tài nghiên cứu về sử dụng huyết tương của bệnh nhân đã khỏi bệnh để điều trị các bệnh nhân nặng. Mục đích là cố gắng cứu những bệnh nhân Covid-19 nặng, khi đã hết các phương án điều trị. Phía bệnh viện và Viện Huyết học - Truyền máu đang thảo luận vấn đề lấy máu, huyết tương, chỉ định…

Đề tài này mới đang ở giai đoạn khởi đầu. Các chuyên gia đang thu thập, nghiên cứu kỹ các tài liệu y khoa để đảm bảo an toàn nhất cho người bệnh khi tham gia thử nghiệm lâm sàng.

Cũng theo TS Thạch, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương sẽ nghiên cứu kỹ vấn đề chỉ định cho trường hợp nào. Bệnh viện sẽ sử dụng huyết tương của những người đã khỏi bệnh để điều trị bệnh Covid-19 cho những trường hợp bệnh nhân nặng trong trường hợp số ca bệnh nặng vào bệnh viện quá nhiều.

TS. Bạch Quốc Khánh, Viện trưởng Huyết học - Truyền máu Trung ương cũng cho biết, sử dụng huyết tương của người khỏi bệnh là phương pháp điều trị bệnh nhân nặng, cơ thể có tải lượng virus cao, đã điều trị bằng các phương pháp thông thường nhưng virus trong cơ thể không giảm. Huyết tương của người khỏi bệnh được truyền vào cơ thể các bệnh nhân này sẽ hỗ trợ diệt virus.

Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương đã cử bác sĩ làm việc cùng Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới để xây dựng quy trình, hướng dẫn, chỉ định của phương pháp điều trị bằng huyết tương.

Điều trị bằng huyết tương là phương pháp mới, chưa được Việt Nam sử dụng, nên nhóm chuyên gia đang nghiên cứu tài liệu và đánh giá kỹ lưỡng.

Theo WHO, trong huyết tương của người đã khỏi bệnh Covid-19 chứa một số lượng lớn các kháng thể có thể chống lại virus SARS-CoV-2. Tại Trung Quốc, một số bệnh nhân nặng cũng đã được điều trị bằng liệu pháp huyết tương chứa kháng thể này. Kết quả cho thấy những hiệu quả nhất định. Trong 12 - 24 giờ điều trị, bệnh nhân đã có những dấu hiệu chuyển biến tích cực khác, tình trạng viêm giảm và số tế bào bạch cầu tăng cao.

Gần đây, Pháp cũng thông báo chuẩn bị thử nghiệm lâm sàng truyền huyết tương của những người đã khỏi bệnh Covid-19 cho các bệnh nhân nặng. Mỹ cũng đã cho phép các bác sĩ thử nghiệm phương pháp dùng huyết tương này.

Bộ Y tế khuyến cáo về việc cách ly, theo dõi sức khỏe trong phòng chống Covid-19:

- Đối với những người tiếp xúc gần với bệnh nhân dương tính với Covid-19: Phải cách ly ngay tại cơ sở y tế trong vòng 14 ngày, đồng thời lấy mẫu bệnh phẩm để xét nghiệm.

- Đối với người tiếp xúc với người tiếp xúc gần với bệnh nhân dương tính với Covid-19: Cách ly, theo dõi sức khỏe tại nhà, nơi lưu trú, cư trú trong vòng 14 ngày và thông báo với chính quyền cơ sở (phường, xã, thị trấn) và phải theo dõi chặt chẽ tình hình sức khỏe. Nếu thấy có biểu hiện sốt, ho, hắt hơi, sổ mũi, mệt mỏi, ớn lạnh hoặc khó thở thì lập tức cho cách ly ngay tại cơ sở y tế và lấy mẫu bệnh phẩm để xét nghiệm.

- Thường xuyên đeo khẩu trang, che miệng khi ho, hắt hơi.

- Rửa tay bằng xà phòng liên tục để tránh nguy cơ lây truyền bệnh cho những người khác.

- Chia sẻ lịch trình di chuyển của bản thân với nhân viên y tế.

- Gọi ngay đến đường dây nóng thông báo thông tin: 1900322819009095.

Nguồn: [Link nguồn]

Bác sĩ đầu tiên ở Việt Nam bị lây Covid-19 từ bệnh nhân được điều trị thế nào?

Nam bệnh nhân 116 (29 tuổi) là bác sĩ tại Khoa Cấp cứu (Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TƯ, cơ sở 2) đã được công bố khỏi...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Diệu Thu ([Tên nguồn])
Tin tức COVID-19 Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN