Kỳ bí ngôi chùa 300 năm tuổi, không sư trụ trì nào ở quá 3 năm

Sự kiện: 24h vạn dặm

Ngôi chùa Phúc Quang 300 năm tuổi bề thế, cổ kính nhưng không thể “giữ chân” vị sư nào quá ba năm.

Lác đác có vị sư đến trụ trì chùa, nhưng chỉ được dăm bữa nửa tháng, thậm chí có người vừa tới chưa được trọn ngày đã rời đi.

Đến tận bây giờ, nguyên nhân vì sao chùa không sư vẫn là bí ẩn chưa lời giải.

Vẻ đẹp cổ kính của chùa Phúc Quang thể hiện ở trong tầng lớp kiến trúc và hệ thống cây xanh

Vẻ đẹp cổ kính của chùa Phúc Quang thể hiện ở trong tầng lớp kiến trúc và hệ thống cây xanh

Ngỡ ngàng vẻ đẹp Phúc Quang Tự

Nằm cách TP Bắc Giang khoảng 20km, chùa Phúc Quang tọa lạc ngay bên cạnh tỉnh lộ 295 (xã Tiên Lục, huyện Lạng Giang, tỉnh Bắc Giang), được coi là một trong số những ngôi chùa đẹp và cổ kính nhất ở Bắc Giang.

Cụ Trần Văn Mạnh (80 tuổi) - người trông nom chùa Phúc Quang chia sẻ, chùa được xây dựng dưới thời vua Lê Cảnh Hưng (năm 1723) và đã được công nhận là di tích lịch sử văn hóa cấp Quốc gia từ năm 1989.

“Chùa có tổng thể 35 gian, tổng diện tích khoảng hơn 1.000m2, đang lưu giữ 90 pho tượng Phật quý và chiếc chuông lớn có từ thời xây dựng chùa, tức là từ hơn 300 năm trước”, cụ Mạnh tự hào giới thiệu.

Tọa lạc trên đồi thông xanh mát, núp bóng dưới những tán cây cổ thụ lớn, chùa Phúc Quang vẫn lưu giữ được vẻ đẹp trường tồn từ hàng trăm năm trước, từ những đường nét chạm trổ trên mái vòm, cột, xà nhà… Cảnh quan, mọi vật ở chùa, từ các bức tượng, lư hương cho đến sân, cổng… đều được lau dọn, quét tước sạch sẽ.

“Chùa không có sư trụ trì, nhưng người dân sinh sống quanh chùa, các phật tử đến chùa đều cùng nhau gìn giữ. Công tác vệ sinh ngoài khuôn viên và trong chùa vẫn được mọi người thực hiện thường xuyên nên cảnh quan vẫn rất tôn nghiêm”, cụ Mạnh cho hay.

Ông Trần Văn Tuất (65 tuổi, trú tại xã Tiên Lục) - một người thường xuyên đến thắp hương, làm công quả dọn dẹp chùa cho biết: “Người dân mong muốn có một vị sư tới đây trụ trì chùa, nhưng khi chưa có thì người dân cùng nhau gìn giữ ngôi chùa này”.

Những vị sư lần lượt rời đi

Cụ Trần Văn Mạnh bên cây hương đá trước sân chính chùa Phúc Quang

Cụ Trần Văn Mạnh bên cây hương đá trước sân chính chùa Phúc Quang

Cụ Mạnh, ông Tuất và cả các cụ cao niên trong làng đều không lý giải được câu chuyện vì sao, ngôi chùa đẹp và bề thế, có niên đại tới 300 năm như vậy lại không có sư trụ trì.

Nói chính xác ra thì cũng có vài vị sư trụ trì từng đến chùa, nhưng rồi sau đó đều lần lượt lặng lẽ rời đi đầy bí ẩn.

“Mọi người truyền miệng về lời nguyền ở đây. Nào là có vị sư đến trụ trì, cứ mỗi lần thắp nhang thì thấy có con rắn ở đâu xuất hiện nghểnh cổ lên đuổi. Nào là “lời nguyền” viết trên cây hương bằng đá trước sân chính của chùa; cây hương chính chôn đầy vàng bạc. Nào là chùa này thiêng hơn chùa Một Cột, phải có hai sư thì mới ở được vì âm khí ở đây nặng…”, ông Tuất kể.

Từ khi sư Thích Huệ Cửu rời khỏi thì cũng có một số vị sư đến ngỏ ý muốn trông coi chùa Phúc Quang. Sau đó, chúng tôi hướng dẫn các vị này làm thủ tục theo quy định của pháp luật và quy định của Giáo hội Phật giáo. Tuy nhiên, sau đó không thấy vị nào quay lại cả. Có vị đến bảo xin ở lại chùa mà không có giấy tờ phân công hay giới thiệu của Giáo hội Phật giáo tỉnh Bắc Giang nên nhân dân cũng không đồng ý, vì không thể chứng minh có phải sư thật hay không. Những năm gần đây, bằng số tiền của những nhà hảo tâm công đức, chùa luôn được tu tạo và chỉnh trang kịp thời, cảnh quan luôn được giữ gìn tôn nghiêm.

Ông Hoàng Văn Tuấn, Chủ tịch UBND xã Tiên Lục, huyện Lạng Giang

Tuy nhiên, ông Tuất cho biết, mới đây, những dòng chữ trên cây hương bằng đá được các chuyên gia ngôn ngữ dịch và cho biết: “Không có lời nguyền gì cả, chỉ là việc ghi danh những người công đức vào chùa!”.

Ngay cả chuyện dưới chân cây hương này có vàng bạc và “lời nguyền” được chôn ở đó cũng bị ông Tuất phủ nhận.

Sự thể là mấy năm trước, khi tôn tạo sân chùa, ông có tham gia đào chân cây hương lên để nâng cao theo mặt sân thì ở dưới chỉ có một tảng đá để giữ chân hương.

Nhưng chuyện không vị sư nào có thể “gõ mõ tụng kinh”, gắn bó với chùa Phúc Quang được quá 3 năm và số nhà sư cũng không quá dăm ba vị trong suốt chiều dài lịch sử ngôi chùa là có thật.

Bởi, các cụ cao niên ở đây đã chứng kiến, có một số vị sư đến ngỏ ý muốn ở lại trông nom chùa, nhưng cứ đến thắp hương tại cây hương đá trước sân chính của chùa thì quay đầu ra đi.

Vị sư gần nhất về trông nom, cai quản chùa Phúc Quang tên là Thích Huệ Cửu, tên khai sinh là Nguyễn Thành Chung (quê ở Ninh Thuận), về trụ trì từ năm 2010.

“Cuối năm 2010, trời đang mưa rét, có một vị sư không biết từ đâu đến xin tá túc trong chùa. Thấy vẻ ngoài hiền lành, đức độ nên người dân địa phương cho phép sư thầy ở lại, tiện việc trông nom công việc chùa chiền cho làng.

Mới đầu, người dân trong xã, đặc biệt là các cụ cao niên thấy chùa Phúc Quang có sư trụ trì thì rất phấn khởi, hay đến chùa vãn cảnh, lễ bái.

Sư Thích Huệ Cửu còn quyên tiền xây dựng mới một khu nhà khang trang mà đến nay nhà chùa vẫn đang sử dụng. Người dân thấy vậy rất vui mừng”, cụ Mạnh kể lại.

Theo lời cụ Mạnh, sư Thích Huệ Cửu hết lòng chăm lo công việc nhà chùa, các cụ trong làng từ đó cũng thường xuyên đến chùa lễ Phật nhiều hơn.

Tuy nhiên, chưa đầy 3 năm sau, ngày 2/3/2013, sư lẳng lặng bỏ đi trong đêm. Đến sáng, người dân mới biết sư bỏ đi, còn lý do vì sao thì không một ai hay.

Kể từ đó, cụ Trần Văn Mạnh là người được người dân trong xã tin tưởng ủy thác trông coi, nhang đèn hương khói tại chùa Phúc Quang.

Cụ Mạnh cho biết, dù không có sư nhưng với sự linh thiêng và cảnh quan cổ kính, ngôi chùa đã thu hút rất nhiều phật tử và du khách đến đây thắp hương, vãn cảnh.

“Khi chưa có dịch Covid-19, có ngày hàng chục ô tô với hàng trăm du khách đến tham quan và thắp hương.

Người dân nơi đây đều tin tưởng vào sự linh thiêng của chùa. Bằng chứng là suốt những năm tháng chiến tranh, mặc dù khu vực xung quanh bị bom đạn oanh tạc đến xơ xác, riêng chùa Phúc Quang và xã Tiên Lục vẫn được bảo vệ an toàn.

Nhiều người cho rằng chính ngôi chùa hơn 300 năm tuổi đã trấn giữ vùng đất này, giúp dân an cư lạc nghiệp”, cụ Mạnh lý giải.

Nguồn: [Link nguồn]

Độc đáo ngôi chùa phủ đầy gốm sứ

Chùa Tiêu Dao, xã Bát Tràng (Gia Lâm, Hà Nội) từ lâu được biết đến là nơi kết hợp giữa đặc sản làng nghề với văn hóa tâm linh bằng hàng trăm chi tiết gốm sứ tinh xảo được...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Phùng Đô ([Tên nguồn])
24h vạn dặm Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN