Vì sao tên lửa đánh chặn rocket của Israel có đường bay uốn lượn?

Hình ảnh thường thấy trong cuộc xung đột Israel – Hamas những ngày qua là hệ thống phòng không Vòm Sắt (Iron Dome) đánh chặn rocket phóng từ Dải Gaza, giống như loạt rocket gặp phải lá chắn vô hình.

Theo tờ Indian Express, Vòm Sắt là hệ thống phòng không tầm ngắn, gồm tổ hợp radar dẫn hướng và tên lửa đánh chặn Tamir, do Israel tự nghiên cứu và sản xuất.

Vòm Sắt chuyên đánh chặn các mục tiêu tầm thấp như rocket, đạn pháo và đạn súng cối, đồng thời có khả năng bắn rơi máy bay, trực thăng và máy bay không người lái (UAV).

Israel bắt đầu nhận thấy cần phải phát triển một hệ thống phòng không chuyên đánh chặn các vật thể phóng loạt kể từ sau cuộc chiến tranh Israel – Liban năm 2006.

Năm đó, nhóm vũ trang Hezbollah đã phóng hàng ngàn quả rocket nhằm vào lãnh thổ Israel, khiến 44 dân thường Israel thiệt mạng và 1.384 người bị thương. Bộ trưởng Quốc phòng Israel, Tham mưu trưởng quân đội và một loạt các tướng lĩnh sau đó đã từ chức.

Hệ thống phòng không Vòm Sắt khai hỏa.

Hệ thống phòng không Vòm Sắt khai hỏa.

Một năm sau, Israel thông báo nhà sản xuất vũ khí Rafael Advance của nước này bắt đầu nghiên cứu một hệ thống phòng không mới nhằm bảo vệ các thành phố và tính mạng của người dân. Hệ thống Vòm Sắt sau đó được công ty hàng không vũ trụ Israel phát triển và triển khai vào năm 2011.

Nhà sản xuất Rafael Advance tuyên bố Vòm Sắt có năng lực đánh chặn thành công 90%, nhưng các chuyên gia thống nhất tỉ lệ thành công là 80%.

Tổ hợp Vòm Sắt có 3 hệ thống hoạt động đồng thời để tạo ra lá chắn trong một khu vực nhất định, đối phó nhiều mối đe dọa, gồm hệ thống radar phát hiện mục tiêu, hệ thống kiểm soát vũ khí (BMC) và hệ thống phóng tên lửa đánh chặn.

BMC về cơ bản là hệ thống trung gian giữa radar và tên lửa đánh chặn. Vòm Sắt có khả năng hoạt động trong mọi điều kiện thời tiết, cả ngày lẫn đêm.

Anil Chopra, cựu nguyên soái không quân Ấn Độ, người đứng đầu Trung tâm Nghiên cứu sức mạnh không quân (CAPS) ở New Delhi, đã đưa ra giải thích thêm về hệ thống Vòm Sắt.

“Radar của hệ thống Vòm Sắt được thiết kế để chuyên phát hiện những vật thể cỡ nhỏ, tính toán quỹ đạo chính xác của các vật thể này”, ông Chopra nói.

Tên lửa của hệ thống Vòm Sắt có khả năng tự thay đổi hành trình để đánh trúng mục tiêu dựa trên dữ liệu mà radar cung cấp.

Vì sao tên lửa đánh chặn rocket của Israel có đường bay uốn lượn? - 2

3 cách đánh chặn thường thấy của hệ thống Vòm Sắt.

3 cách đánh chặn thường thấy của hệ thống Vòm Sắt.

Tên lửa có 3 cách tiếp cận mục tiêu tùy thuộc vào vị trí khai hỏa, gồm tiếp cận từ phía trước, từ phía bên cạnh và phía sau. Nếu đánh chặn từ phía trước thất bại, tên lửa sẽ quay đầu lao về phía mục tiêu từ phía sau.

Điều này lý giải vì sao các tên lửa đánh chặn luôn bay theo hình vòng cung hoặc uốn lượn trước khi phá hủy mục tiêu trên không.

“Ở khoảng cách 10 mét so với vật thể, tên lửa đánh chặn sẽ tự động kích nổ để vô hiệu hóa mục tiêu”, ông Chopra nói thêm.

Mỗi tổ hợp Vòm Sắt có giá khoảng 50 triệu USD, trong đó giá mỗi tên lửa đánh chặn Tamir là khoảng 40.000 USD. Ngược lại, mỗi quả rocket mà Hamas phóng sang lãnh thổ Israel chỉ có giá khoảng 1.000 USD.

Để đảm bảo hiệu suất chính xác, các kíp tên lửa Vòm Sắt thường phóng hai tên lửa đánh chặn một quả rocket.

“Phương pháp đánh chặn như vậy hết sức tốn kém”, ông Chopra nhận định. “Nhưng nó đóng vai trò răn đe, cũng như là cách hiệu quả để bảo vệ mạng sống, giúp cho người dân Israel không còn cảm thấy sợ rocket”.

Nguồn: [Link nguồn]

Hệ thống Vòm Sắt của Israel:”Bảo bối phòng không” hay ”cỗ máy gây ung thư”?

Báo Con Mắt Trung Đông ngày 18/5 có bài viết giải thích chi tiết các vấn đề về hệ thống chống tên lửa Vòm Sắt của...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Đăng Nguyễn - Indian Express ([Tên nguồn])
Vũ khí quân sự Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN