TQ phóng tên lửa diệt tàu sân bay ra Biển Đông, trinh sát cơ Mỹ đã chờ sẵn

Máy bay trinh sát Mỹ chuyên giám sát các vụ phóng tên lửa đạn đạo đã xuất hiện ở Biển Đông vào sáng ngày 26.8, cùng thời điểm Trung Quốc phóng hai tên lửa đạn đạo diệt hạm từ đất liền.

Máy bay trinh sát RC-135S, chuyên "đánh hơi" các vụ phóng tên lửa đạn đạo, gần đây đã xuất hiện ở Biển Đông.

Máy bay trinh sát RC-135S, chuyên "đánh hơi" các vụ phóng tên lửa đạn đạo, gần đây đã xuất hiện ở Biển Đông.

Theo tờ Thời báo Hoàn cầu, đây là lần thứ hai liên tiếp trong hai ngày máy bay do thám Mỹ xuất hiện ở vùng cấm bay do Trung Quốc áp đặt để diễn tập bắn đạn thật.

Hôm 26.8, Trung Quốc tuyên bố áp đặt vùng cấm bay ở Biển Đông. Mục đích là gửi thông điệp rõ ràng rằng Mỹ sẽ phải chịu trách nhiệm nếu máy bay Mỹ bị quân đội Trung Quốc bắn rơi vì xâm nhập vùng tập trận.

Ngay trong sáng ngày 26.8, máy bay trinh sát RC-135S, loại máy bay chuyên thu thập dữ liệu phóng tên lửa đạn đạo và thông tin tình báo, đã xuất hiện ở Biển Đông.

Chiếc RC-135S vượt eo biển Ba Sĩ từ phía đông, hướng về phía tây nam vào Biển Đông và quay trở về theo đúng lộ trình trên, tổ chức Tổ chức Sáng kiến Minh bạch Chiến lược Biển Đông (SCSPI) cho biết.

Máy bay Mỹ đã tiếp cận một cuộc tập trận của Trung Quốc ở ngoài khơi phía đông nam đảo Hải Nam. Cuộc tập trận đã diễn ra từ ngày 24.8 và kết thúc vào ngày 29.8.

Máy bay Mỹ xuất hiện trùng thời điểm Trung Quốc phóng hai tên lửa đạn đạo diệt hạm từ Thanh Hải và Chiết Giang ra Biển Đông, nguồn tin quân sự giấu tên tiết lộ trên tờ SCMP.

Tên lửa DF-26B được phóng từ tỉnh Thanh Hải ở tây bắc Trung Quốc trong khi tên lửa DF-21D được phóng từ tỉnh Chiết Giang ở miền đông nước này. Cả hai tên lửa đều rơi xuống khu vực giữa tỉnh Hải Nam và quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam.

DF-21D và DF-26 được coi là hai mẫu tên lửa đạn đạo có thể đe dọa tàu sân bay Mỹ, nên còn gọi là sát thủ tàu sân bay. DF-21D có tầm bắn 1.450 km, tốc độ trên 12.000 km/giờ, trang bị đầu đạn thông thường hoặc hạt nhân.

DF-26 có tầm bắn 4.000 km, trang bị đầu đạn siêu vượt âm (HGV) với quỹ đạo thấp và có khả năng chuyển hướng khi bay đến mục tiêu, khiến đối phương khó đánh chặn.

Hai mẫu tên lửa trên tạo ra mối đe dọa nguy hiểm với tàu chiến Mỹ, đặc biệt là tàu sân bay, nên Mỹ rất muốn tìm hiểu cách Bắc Kinh phóng tên lửa, theo Hoàn Cầu.

Tuy nhiên, Trung Quốc luôn phóng tên lửa đạn đạo từ sâu trong đất liền, tránh sự nhòm ngó của các nước khác. Không rõ máy bay Mỹ đã thu thập được những dữ liệu nào về đợt phóng tên lửa đạn đạo mới nhất của Trung Quốc.

Ngoài ra, máy bay trinh sát RC-135S vẫn có thể thu thập dữ liệu về cuộc tập trận của hải quân Trung Quốc nhờ vào vô số những cảm biến lắp đặt trên máy bay.

Nguồn: [Link nguồn]

Hàng loạt công ty TQ bị Mỹ trừng phạt vì tham gia xây đảo nhân tạo trái phép ở Biển Đông

Hôm 26.8, Mỹ đưa 24 công ty Trung Quốc vào danh sách đen và phải bị hạn chế vì tham gia vào hoạt động xây dựng trái phép...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Đăng Nguyễn - Hoàn Cầu ([Tên nguồn])
Vũ khí quân sự Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN