'Thợ săn' radar AGM-88 HARM mà Mỹ cung cấp cho Ukraine gây khó cho Nga

Tên lửa chống radar AGM-88 HARM mà Mỹ cung cấp cho Ukraine không phải là vũ khí mới nhưng có thể sẽ khiến quân đội Nga cân nhắc kỹ trước khi triển khai hệ thống radar của nước này.

Một quan chức quốc phòng cấp cao của Mỹ trong tháng này nói rằng Washington đang cung cấp cho Ukraine các tên lửa chống radar. Vị quan chức này không tiết lộ đó là loại tên lửa gì nhưng có một số báo cáo ghi nhận tên lửa chống bức xạ tốc độ cao AGM-88 HARM đang được sử dụng tại Ukraine.

Thủy quân Lục chiến Mỹ tháo tên lửa AGM-88 để huấn luyện ra khỏi tiêm kích F/A-18C trên sàn tàu sân bay USS Theodore Roosevelt năm 2015. Ảnh: US Navy/MCS Seaman Anthony N. Hilkowski

Thủy quân Lục chiến Mỹ tháo tên lửa AGM-88 để huấn luyện ra khỏi tiêm kích F/A-18C trên sàn tàu sân bay USS Theodore Roosevelt năm 2015. Ảnh: US Navy/MCS Seaman Anthony N. Hilkowski

Theo trang Business Insider, thông tin về sự xuất hiện tên lửa chống bức xạ tốc độ cao này tại Ukraine đã lan truyền hồi đầu tháng 8, sau khi một số nhà quan sát Nga phát hiện mảnh vỡ của một tên lửa HARM được cho đã tấn công một tên lửa phòng không của Nga ở Ukraine. Lầu Năm Góc ngay sau đó xác nhận các tên lửa HARM đã được cung cấp cho Ukraine.

“Chúng tôi đã cung cấp một số tên lửa chống bức xạ có thể phóng từ máy bay chiến đấu của Ukraine nhằm tác động tới radar của Nga” – ông Colin Kahl, Thứ trưởng Quốc phòng Mỹ đặc trách chính sách, nói với báo giới ngày 8-8, nhưng không đi sâu vào chi tiết loại tên lửa cũng như các thông tin khác.

Cũng theo Business Insider, khi có tên lửa AGM-88 HARM, lợi thế của Ukraine có thể chỉ mang tính tạm thời cho tới khi quân đội Nga đối phó được mối đe dọa này. Tuy nhiên, hiện nay sự xuất hiện của tên lửa AGM-88 sẽ khiến quân đội Nga cân nhắc kỹ trước khi triển khai hệ thống radar nước này.

Thợ săn radar

HARM là vũ khí mạnh mẽ nhưng không phải là vũ khí mới. Loại tên lửa này được triển khai lần đầu năm 1983, dài 4,3 m, nặng hơn 360 kg, có tầm bắn 48 km, và vận tốc đối đa Mach 2 (2.450 km/giờ).

Tên lửa AGM-88 HARM có thể gây rắc rối cho hệ thống radar phòng không của Nga, bảo vệ các trực thăng và chiến đấu cơ của Ukraine, đồng thời gây khó khăn cho hệ thống radar đối kháng của Nga trong việc xác định vị trí pháo binh của Ukraine.

Máy bay chiến đấu A-7E Corsairs của Hải quân Mỹ trong Chiến dịch Bão táp sa mạc mà Mỹ và quân đồng minh phát động tại Iraq năm 1991. Máy bay mang tên lửa AGM-88. Ảnh: CORBIS/Corbis/Getty Images

Máy bay chiến đấu A-7E Corsairs của Hải quân Mỹ trong Chiến dịch Bão táp sa mạc mà Mỹ và quân đồng minh phát động tại Iraq năm 1991. Máy bay mang tên lửa AGM-88. Ảnh: CORBIS/Corbis/Getty Images

Mỹ đã sử dụng tên lửa AGM-88 trong một vài chiến dịch ở Libya, Iraq. Hiện nay, tên lửa này được sử dụng tại 15 quốc gia.

Hải quân Mỹ sẽ triển khai tên lửa dẫn đường chống bức xạ tầm xa AGM-88G vào năm 2023 và tên lửa chống radar mới với tên gọi Stand-in Attack Weapon (SiAW). Loại vũ khí này được thiết kế để tấn công loạt mục tiêu trong hệ thống phòng không của đối phương và đang được phát triển cho tiêm kích tàng hình F-35.

Về phần mình, Nga có tên lửa chống bức xạ Kh-31P, được phát triển dựa trên tên lửa diệt hạm siêu thanh Kh-31.

Hạn chế về không lực

Tên lửa chống bức xạ không phải là vũ khí tuyệt vời nhưng chúng có thể vô cùng hữu dụng. Được phóng trước khi một cuộc không kích diễn ra, chúng có thể ngăn chặn hệ thống phòng không và dọn đường an toàn cho máy bay chiến đấu.

Tiêm kích F-16C của Không quân Mỹ được trang bị tên lửa AGM-88 và những tên lửa khác tại căn cứ không quân Incirkik ở Thổ Nhĩ Kỳ tháng 5-2002. Ảnh: US Air Force/Tech Sgt. Kevin Gruenwald

Tiêm kích F-16C của Không quân Mỹ được trang bị tên lửa AGM-88 và những tên lửa khác tại căn cứ không quân Incirkik ở Thổ Nhĩ Kỳ tháng 5-2002. Ảnh: US Air Force/Tech Sgt. Kevin Gruenwald

Theo nhiều cách, tên lửa chống bức xạ là một vũ khí tâm lý. HARM không hoàn toàn vô hiệu hóa hệ thống radar của Nga nhưng có thể khiến các nhà điều khiển radar phải thận trọng và chọn lọc hơn khi truyền tín hiệu.

Tại Ukraine, tên lửa chống bức xạ có tác động hạn chế. Đến nay không lực không phải là yếu tố quyết định trong cuộc xung đột hiện nay giữa Nga và Ukraine. Ukraine không có đủ máy bay hiện đại trong khi phi công Nga luôn rất thận trọng. Vô hiệu hóa radar phòng không của Nga không có nghĩa không quân Ukraine mạnh hơn.

Cho tới nay, vũ khí nguy hiểm nhất trong cuộc chiến tại Ukraine là pháo binh và HARM sẽ có vai trò giúp lực lượng Ukraine tấn công radar đối kháng của Nga vốn chịu trách nhiệm theo dõi đạn pháo và tên lửa đang bay, tính toán đường đi của chúng, định vị lựu pháo và hệ thống phóng tên lửa để tấn công chúng.

Áp chế hệ thống radar đối kháng của Nga sẽ giúp bảo vệ số lượng pháo hạn chế của Ukraine, đặc biệt là hệ thống pháo phản lực bắn loạt HIMARS do Mỹ cung cấp.

Nguồn: [Link nguồn]

Những vũ khí nào trong xung đột Nga-Ukraine có thể đang được sử dụng lần cuối?

Khi Nga và Ukraine cố gắng đổi chiến thuật để giành ưu thế thì một số vũ khí, trong đó có những loại đã được sử dụng hàng thế kỷ, có thể đang được sử dụng lần...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Tri Túc ([Tên nguồn])
Vũ khí quân sự Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN