Quan hệ đồng minh của TQ và Pakistan "đi xuống": Vì đâu?

Việc chậm tới thăm Trung Quốc của lãnh đạo quốc gia Nam Á, một đồng minh của Bắc Kinh, không đơn giản chỉ do đại dịch Covid-19, theo một chuyên gia.

Ông Dương Khiết Trì - một nhà ngoại giao hàng đầu Trung Quốc - hội kiến Thủ tướng Pakistan hồi tháng 6. Ảnh: Tân Hoa xã

Ông Dương Khiết Trì - một nhà ngoại giao hàng đầu Trung Quốc - hội kiến Thủ tướng Pakistan hồi tháng 6. Ảnh: Tân Hoa xã

Sau Ả rập Saudi, Trung Quốc sẽ là quốc gia thứ 2 mà tân lãnh đạo Pakistan ghé thăm ngay sau khi nhậm chức, theo Abdul Basit - một chuyên gia nghiên cứu tại Trường Nghiên cứu Quốc tế S. Rajaratnam (Singapore). 

Những chuyến thăm đầu tiên này là cử chỉ thiện chí có ý nghĩa quan trọng với Pakistan trong những năm gần đây do nước này ngày càng phụ thuộc kinh tế vào Ả rập Saudi và Trung Quốc. 

Trong bối cảnh đó, chuyên gia Basit cho rằng, việc Thủ tướng Pakistan Shahbaz Sharif bất ngờ trì hoãn tới thăm Trung Quốc là dấu hiệu cho thấy mối quan hệ đồng minh giữa đôi bên đang căng thẳng. 

Kể từ khi ông Sharif nhậm chức, Tổng tư lệnh quân đội Pakistan Qamar Javed Bajwa đã tới thăm Trung Quốc. Ở chiều ngược lại, ông Dương Khiết Trì - một nhà ngoại giao hàng đầu Trung Quốc - đã tới thăm Pakistan. Động thái này của đôi bên cho thấy cả hai đang nỗ lực khôi phục mối quan hệ. 

Vậy điều gì là nguyên nhân khiến ông Sharif trì hoãn việc tới thăm Trung Quốc? Theo một số quan chức, các biện pháp hạn chế Covid-19 nghiêm ngặt của Trung Quốc là lí do. Thủ tướng Pakistan sẽ tới Bắc Kinh ngay khi các biện pháp này được nới lỏng. Lý do này có thể chấp nhận được, nhưng chưa đầy đủ, theo chuyên gia Basit. 

Quan hệ đồng minh giữa Trung Quốc và Pakistan đã "đi xuống" kể từ khi Lữ đoàn Majeed - đội cảm tử thuộc phe ly khai Quân giải phóng Baloch (BLA) - thực hiện vụ đánh bom liều chết nhằm vào các công dân Trung Quốc ở Viện Khổng tử, thuộc Đại học Karachi (Pakistan), khiến 3 công dân Trung Quốc thiệt mạng. 

Trong 2 năm qua, các vụ tấn công nhằm vào công dân và các dự án Trung Quốc đã tăng lên ở tỉnh Balochistan và Karachi - thành phố lớn nhất Pakistan - làm dấy lên lo ngại về sự an toàn của công dân Trung Quốc ở quốc gia Nam Á này.  

Trong chuyến thăm Trung Quốc gần đây, tướng Bajwa - tổng tư lệnh quân đội Pakistan - hứa sẽ tăng cường an ninh cho Hành lang Kinh tế Trung Quốc - Pakistan (CPEC) và các dự án cơ sở hạ tầng khác của Trung Quốc ở Pakistan.  

Trung Quốc đã thúc giục Pakistan hoàn tất cuộc điều tra về vụ tấn công ở Đại học Karachi và đưa thủ phạm ra trước công lý. Ngày 5/7, cảnh sát Karachi tuyên bố bắt được kẻ chủ mưu vụ đánh bom liều chết, giúp phá vỡ mạng lưới của BLA trong thành phố Karachi. Tuy nhiên, điều này chưa làm Bắc Kinh thỏa mãn. Trung Quốc kỳ vọng Pakistan sẽ làm nhiều hơn thế.

Cảm ơn Pakistan vì đã tìm ra kẻ chủ mưu, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc, Triệu Lập Kiên, bày tỏ hy vọng Pakistan sẽ "tiếp tục  nỗ lực tìm kiếm sự thật, trừng phạt nghiêm khắc kẻ gây án, kiên quyết truy quét các tổ chức khủng bố liên quan đến vụ án và đảm bảo sự an toàn cho công dân Trung Quốc ở Pakistan".

Bắc Kinh còn hối thúc Islamabad đưa Lữ đoàn Majeed vào danh sách trừng phạt khủng bố 1267 của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc. Trung Quốc cũng yêu cầu Pakistan bồi thường tài chính cho gia đình các nạn nhân trong vụ đánh bom ở Karachi. 

Quan trọng hơn, Bắc Kinh đã đề nghị Islamabad cho phép các công ty tư nhân Trung Quốc cung cấp an ninh cho các dự án và công dân Trung Quốc ở Pakistan. Lời đề nghị này đã rơi vào bế tắc khi Pakistan chưa sẵn sàng cho phép các công ty an ninh tư nhân hiện diện ở nước này. Pakistan cho rằng sự hiện diện đó sẽ làm mất hình ảnh của nước này trong việc thực thi pháp luật. 

Hơn nữa, Islamabad coi động thái này là tiền thân của việc Trung Quốc bố trí một đơn vị quân đội trên đất Pakistan. Từ đó, phương Tây và Ấn Độ càng có cơ sở cho rằng CPEC là một dự án chiến lược, không phải dự án kinh tế đơn thuần. 

Bao trùm lên mối quan hệ giữa Pakistan và Trung Quốc còn là các khoản thanh toán quá hạn của Islamabad với các nhà sản xuất điện độc lập của Trung Quốc (IPPs). Pakistan đang nợ IPPS hơn 300 tỷ Rs (rupee Pakistan) (khoảng 1,6 tỷ USD). 

Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), tổ chức mà Pakistan đang khẩn cầu một gói cứu trợ, đã phản đối các khoản thanh toán này. IMF hối thúc Pakistan đàm phán lại các điều khoản với IPPs theo chính sách điện lực của nước này năm 1994 và 2002, để đưa mức bồi thường tài chính của họ ngang với các nhà cung cấp điện khác ở Pakistan. 

Để trả đũa, IPPs dọa ngừng hoạt động tại Pakistan. Trung Quốc khẳng định, các thỏa thuận của Pakistan với IPPs đều trong khuôn khổ CPEC. Bất kỳ thỏa thuận nào giữa Pakistan và IMF không nên ảnh hưởng đến các thỏa thuận với IPPs. 

Theo chuyên gia Basit, Trung Quốc không mặn mà với chính quyền Thủ tướng Sharif và tổng tư lệnh quân đội Bajwa - người sắp nghỉ hưu vào tháng 11 tới. Bắc Kinh sẽ tiếp tục chính sách "chờ đợi", trong khi ông Sharif nỗ lực giải quyết các lo ngại của Bắc Kinh. Cần thời gian để quan hệ Trung Quốc - Pakistan trở lại như trước.

Nguồn: [Link nguồn]

Quốc gia đồng minh đình chỉ thỏa thuận vũ khí 23 tỉ USD với Mỹ: Trung Quốc được nhắc tên

Các Tiểu Vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) ngày 14.12 tuyên bố đình chỉ thỏa thuận mua 50 tiêm kích F-35 trị giá 23 tỉ USD, do bất đồng về điều khoản có nhắc đến Trung Quốc.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Nguyễn Thái - Theo SCMP ([Tên nguồn])
Tin tức Trung Quốc Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN