Núi ngầm không phải là vật nhỏ, vì sao tàu ngầm 3 tỷ USD của Mỹ vẫn đâm trúng?

Giới chuyên gia gọi USS Connecticut là “xe hơi thể thao hạng sang” trong các tàu ngầm. Tuy nhiên, sau vụ va chạm với núi ngầm ở Biển Đông, USS Connecticut - khí tài trị giá 3 tỷ USD với hệ thống thiết bị điện tử được trang bị tối tân bậc nhất của Mỹ - bị đặt dấu hỏi lớn về khả năng hoạt động.

Tai nạn tàu ngầm không phải chuyện hiếm, theo chuyên gia (ảnh: CNN)

Tai nạn tàu ngầm không phải chuyện hiếm, theo chuyên gia (ảnh: CNN)

Hải quân Mỹ cho biết, tàu ngầm hạt nhân USS Connecticut lớp Seawolf đã va phải một ngọn núi ngầm ở Biển Đông hôm 2.10. Ba sĩ quan chỉ huy tàu USS Connecticut đã bị Mỹ trừng phạt sau vụ việc.

USS Connecticut là một trong 3 tàu ngầm lớp Seawolf hiếm hoi, được cho là có năng lực chiến đấu mạnh nhất của hải quân Mỹ. USS Connecticut được chế tạo chuyên biệt cho nhiệm vụ săn tàu ngầm Liên Xô dưới lòng biển sâu. Tuy nhiên, nó lại không phát hiện một ngọn núi ngầm cố định ở Biển Đông để rồi xảy ra va chạm nguy hiểm.

Theo các chuyên gia, nếu xảy ra sự cố rò rỉ hạt nhân ở Biển Đông, hậu quả đối với môi trường sẽ là vô cùng lớn.

“Việc tàu ngầm đâm phải núi ngầm là rất khó xảy ra. Tuy nhiên, chuyện gì cũng có ngoại lệ”, Thomas Shugart – thủy thủ có hơn 11 năm làm việc trên các tàu ngầm Mỹ – nhận xét.

Các tàu ngầm hiện đại ngày nay được trang bị 2 hệ thống dò đường bao gồm hệ thống định vị thủy âm chủ động và hệ thống định vị thủy âm thụ động. Hai hệ thống này được xem là “con mắt” của thủy thủ tàu ngầm.

Tuy nhiên, khi làm nhiệm vụ, hệ thống định vị thủy âm chủ động (giúp phát hiện các vật thể di chuyển, không phát ra âm thanh) có thể bị tắt vì gây ra tiếng “ping” ồn ào, dễ làm lộ vị trí. Hệ thống định vị thủy âm thụ động không gây ồn, nhưng nhược điểm của nó là không phát hiện được các vật thể bất động, không phát ra âm thanh.

“Hệ thống định vị thủy âm thụ động chỉ có thể phát hiện được những thứ phát ra âm thanh. Nếu vật trước mắt bạn không phát ra bất cứ tiếng động nào, chẳng hạn như một núi ngầm, bạn có thể sẽ không hay biết gì trước khi xảy ra va chạm”, Bryan Clark – cựu sĩ quan chỉ huy tàu ngầm thuộc hải quân Mỹ – nói.

“Tuy nhiên, khả năng tàu ngầm đâm phải núi ngầm dưới đáy biển vẫn là cực kỳ thấp. Những ngọn núi ngầm thường được đánh dấu cố định trên bản đồ. Trong tác chiến tàu ngầm, luôn có những kế hoạch cụ thể, tỉ mỉ được vạch ra”, ông Bryan Clark nói.

USS Connecticut được đưa vào hoạt động ngày 11.12.1998 (ảnh: CNN)

USS Connecticut được đưa vào hoạt động ngày 11.12.1998 (ảnh: CNN)

“Bạn cần có kế hoạch và bản đồ về khu vực hoạt động của tàu ngầm. Bạn cần nắm được các thông tin về độ nông sâu ở khu vực mà tàu ngầm sắp đi qua, nơi đó có rủi ro gì không. Bạn cần biết tất cả, cho dù đó là một núi ngầm, đống container chìm hay xác tàu đắm… Bạn cần điều khiển con tàu tránh những khu vực có nhiều rủi ro”, ông Clark nhấn mạnh.

Một số chuyên gia tàu ngầm nói với CNN rằng, trong một số tình huống bất ngờ, chỉ huy tàu ngầm buộc phải thay đổi lộ trình an toàn đã định sẵn. Thủy thủ lái tàu ngầm cũng có thể mắc sai lầm, gây ra tai nạn.

“Chưa đến 50% diện tích đáy biển được lập bản đồ ở Biển Đông - nơi 1/3 lượng hàng hóa của thế giới đi qua, cũng là nơi Trung Quốc đang xây dựng và củng cố các đảo nhân tạo. Về cơ bản, vẽ bản đồ trên Mặt trăng còn dễ hơn dưới đáy Biển Đông. Vì vậy, không có gì đáng ngạc nhiên nếu tàu ngầm di chuyển với tốc độ cao và đâm phải vật gì ở đó”, David Sandwell – giáo sư địa lý tại Viện Hải dương học Scripps ở California (Mỹ) – nói với CNN.

Hải quân Mỹ cho hay, Connecticut có thể di chuyển với vận tốc 46,3 km/giờ dưới đáy biển, nhanh hơn nhiều so với tàu chở hàng đi trên mặt nước. Connecticut cũng có thể mang nhiều vũ khí hơn các tàu ngầm tấn công khác của Mỹ. Trong một nhiệm vụ thông thường, Connecticut có thể lặn xuống cùng 50 ngư lôi và một tên lửa hành trình Tomahawk.

“Sử dụng hệ thống vệ tinh hiện đại, chúng tôi xác định được 27 đỉnh núi ngầm mà Connecticut có thể đâm phải. Lưu ý là 27 điểm này chưa được cập nhật trên bản đồ đáy biển của hải quân Mỹ”, ông Sandwell nói.

“Rất có thể Connecticut đã tắt hệ thống định vị thủy âm chủ động để tránh bị phát hiện khi làm nhiệm vụ dưới đáy biển. Nó gây rất nhiều tiếng ồn. Khi máy móc bị tắt đi, việc thủy thủ mắc sai lầm là điều dễ hiểu. Trong lịch sử, đã có nhiều vụ va chạm tàu ngầm xảy ra khi hệ thống thủy âm chủ động bị tắt”, ông Sandwell nói thêm.

Nguồn: [Link nguồn]

Mỹ trừng phạt 3 sĩ quan tàu ngầm hạt nhân đắt đỏ gặp sự cố ở Biển Đông

Hải quân Mỹ ngày 4.11 đã sa thải 3 sĩ quan trên tàu ngầm hạt nhân USS Connecticut, sau cuộc điều tra kết luận con tàu đâm...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Vương Nam – CNN ([Tên nguồn])
Tin tức Mỹ Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN