Quân Mỹ "choáng" khi lần đầu giao tranh trực tiếp với Taliban và al-Qaeda

Chiến dịch Anaconda là lần đầu tiên quân đội Mỹ giao tranh trên thực địa với Taliban và al-Qaeda trong giai đoạn đầu của cuộc chiến chống khủng bố ở Afghanistan. Các binh sĩ Mỹ và đồng minh đã bất ngờ khi phải đối mặt với hỏa lực dữ dội từ đối phương, khiến họ phải chịu tổn thất và thay đổi chiến thuật.

Oanh tạc cơ B-52 rải bom trong Chiến dịch Anaconda.

Chiến dịch Anaconda bắt đầu từ sáng sớm ngày 2.3.2002 và kéo dài trong 17 ngày. Khu vực chiến đấu nằm trên phạm vi khoảng 100km2 ở thung lũng Shah-i-Khot, cách không xa biên giới Pakistan.

Khu vực này có địa hình hiểm trở, riêng thung lũng Shah-i-Khot ở độ cao 2.500 mét so với mực nước biển. Nhưng dãy núi xung quanh cao tới 4.000 mét.

Mỹ đưa vào chiến trường khoảng 2.000 quân, bao gồm 200 binh sĩ đặc nhiệm và 200 quân đồng minh, cùng 1.000 tay súng Afghanistan.

Ở phía bên kia là khoảng 1.000 các tay súng Taliban và al-Qaeda, với nhiều sắc tộc khác nhau, từ người Ả Rập, Afghanistan, Chechen, Uzbekistan và Pakistan.

Những kẻ khủng bố đã chiếm các ngôi làng ở thung lũng Shah-i-Khot từ trước đó 6 tuần, xua đuổi người dân địa phương. Giới chức Mỹ lo ngại đây sẽ là thành trì mới để làm bàn đạp đưa khủng bố quay trở lại, trở thành mối đe dọa của chính phủ mới thành lập ở Afghanistan.

Tướng Richard B. Myers, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ khi đó nói: “Những kẻ khủng bố bắt đầu tập hợp lại ở một nơi đến mức tạo ra mối đe dọa. Chúng tôi đã âm thầm theo dõi, để chúng tập trung lại, đến khi thích hợp sẽ tấn công tiêu diệt”.

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ khi đó là Donald H. Rumsfeld mô tả mối nguy hiểm mà al Qaeda và Taliban tạo ra: “Mục tiêu của chúng là nhằm loại bỏ chính phủ mới của Afghanistan, tiêu diệt các lực lượng liên minh và cố gắng giành lại khả năng sử dụng Afghanistan làm căn cứ cho các hoạt động khủng bố”.

Chiến dịch Anaconda là lần đầu tiên quân đội Mỹ giao tranh trực tiếp với al-Qaeda và Taliban.

Chiến dịch Anaconda là lần đầu tiên quân đội Mỹ giao tranh trực tiếp với al-Qaeda và Taliban.

Binh sĩ Afghanistan do Mỹ huấn luyện sẽ là lực lượng nòng cốt đối đầu với Taliban và al-Qaeda ở thung lũng Shah-i-Khot. Quân đội Mỹ sẽ mai phục tiêu diệt tàn quân đối phương, cũng như hỗ trợ chỉ điểm mục tiêu cho các máy bay không kích.

Giao tranh nổ ra từ sáng sớm ngày 2.3.2002, những chiếc xe tải chở binh sĩ Afghanistan và liên quân hứng chịu hỏa lực dữ dội từ đối phương ở thị trấn Sirkankel.

Một binh sĩ Mỹ thiệt mạng khi đạn súng cối của al-Qaeda đánh trúng một chiếc xe tải. 450 lính Afghanistan do tướng Zia Lodin chỉ huy không tiến được thêm bước nào, ngay cả khi có trực thăng tấn công AH-64 Apache của Mỹ yểm trợ.

“Có những kẻ xấu sử dụng vũ khí với hỏa lực rất mạnh, xả đạn không ngừng vào họ”, thiếu tá Bryan Hiferty, phát ngôn viên sư đoàn tác chiến vùng núi số 10, nói.

Ở phía nam Sirkankel, một đơn vị của sư đoàn lính dù số 101 cũng vấp phải sự kháng cự dữ dội. Chỉ huy đơn vị, đại tá Frank Wiercinski, nói: “Chúng tôi sống sót sau 3 loạt bắn súng cối từ kẻ thù, có thời điểm 9-10 tay súng al-Qaeda tràn lên tấn công, nhưng chúng tôi đều trụ vững”.

Tại một khu vực khác gần đó, các thành viên sư đoàn tác chiến vùng núi số 10 của quân đội Mỹ bị al-Qaeda kìm chân trong 12 giờ, bắn loạt đạn súng cối và rocket khiến 13 lính bị thương.

Cuộc bao vây ngay từ ngày đầu diễn ra không suôn sẻ, các tay súng al-Qaeda và Taliban phân tán thành các nhóm nhỏ chỉ từ 3 người, tràn ra từ hang động tấn công rồi lại rút lui. Số khác chiếm giữ các cao điểm trên các sườn núi, chờ cơ hội phục kích.

Toàn cảnh kế hoạch tiêu diệt cứ điểm của TAlban và al-Qaeda ở thung lũng Shah-i-Khot.

Toàn cảnh kế hoạch tiêu diệt cứ điểm của TAlban và al-Qaeda ở thung lũng Shah-i-Khot.

4.3.2002 là ngày tồi tệ nhất với quân đội Mỹ trong chiến dịch. 7 binh sĩ Mỹ thiệt mạng trong giao tranh ác liệt gần một đỉnh núi có tên là Takur Gar.

Rặng núi tại Takur Gar cung cấp tầm nhìn ra toàn bộ thung lũng, là địa điểm chiến lược Mỹ đặt mục tiêu kiểm soát. Tuy nhiên, các tay súng al-Qaeda và Taliban đã dựng ở đây các boongke vững chắc.

Trong trận đánh kéo dài 1 ngày, hai trực thăng Chinook CH-47 bị các tay súng al-Qaeda bắn rơi. Nhờ hỏa lực từ cường kích AC-130 và hai tiêm kích F-15E, quân đội Mỹ mới có thể chiếm được đỉnh núi.

Nói về những khó khăn trong chiến dịch, một quan chức quốc phòng Mỹ trả lời trên tờ Washington Post: “Kế hoạch ban đầu là lực lượng Afghanistan dẫn đầu, Mỹ yểm trợ. Đến khi giao tranh lại thành Mỹ dẫn đầu và Afghanistan yểm trợ”.

“Chúng tôi cũng thất bại trong việc đưa địch vào bẫy, thay vào đó, các binh sĩ phải chiến đấu ngay tại điểm phục kích của địch”, quan chức này nói thêm.

Một tay súng Taliban bị quân đội Mỹ tiêu diệt trong Chiến dịch Anaconda.

Một tay súng Taliban bị quân đội Mỹ tiêu diệt trong Chiến dịch Anaconda.

Quân đội Mỹ liền thay đổi chiến thuật. Các binh sĩ thu hút hỏa lực đối phương để máy bay ném bom dẫn đường chính xác tiêu diệt. Những tay súng khủng bố còn sống chạy ra bên ngoài hang động liền bị bắn chết.

Hai phi công điều khiển cường kích A-10, Trung tá Edward Kostelnik và Đại úy Scott Campbell, được cho là đã tiêu diệt hơn 200 tay súng al-Qaeda và Taliban trong lần thực hiện nhiệm vụ kéo dài 15 tiếng.

Đại úy Brunson Howard, một phi công điều khiển trực thăng AH-1 Cobra, mô tả về việc nhìn thấy một chiến binh al Qaeda lao ra, tay cầm súng phóng lựu chống tăng RPG. “Hắn ta bị tiêu diệt nhanh đến mức không có cơ hội chống trả”, Howard nói.

Về mặt chiến lược, kế hoạch đã thành công. Các chiến đấu cơ Mỹ đã ném tới 2.500 quả bom xuống thung lũng Shah-i-Khot, cho đến ngày 12.3.

Trong những ngày cuối cùng, chiến dịch chuyển sang tập trung vô hiệu hóa các ổ kháng cự nhỏ. Đến giữa tháng 3, Mỹ thông báo tiêu diệt một nửa lực lượng khủng bố ở Shah-i-Khot, tương đương khoảng 500 tay súng. Phía Mỹ tổn thất 8 binh sĩ và 72 người khác bị thương.

Nhiệm vụ thứ hai, tìm hiểu thêm về các hoạt động của al-Qaeda, cũng đã thành công. Các binh sĩ Mỹ phát hiện một nhà máy sản xuất bom thư và một kho tài liệu hướng dẫn kỹ thuật của khủng bố.

Sau thất bại ở thung lũng Shah-i-Khot, các tay súng al-Qaeda rút về biên giới Pakistan. Một số ít tay súng Taliban phân tán ở 4 tỉnh phía nam Afghanistan, gồm Kandahar, Zabul, Helmand và Uruzgan, chờ thời cơ phản công.

Nguồn: [Link nguồn]

Bin Laden tưởng số đã tận, không ngờ Mỹ để sổng và sự trớ trêu của lịch sử

Một trong những tiếc nuối lớn nhất của Mỹ là đã không đạt được mục tiêu trong trận đánh quyết định ở mạng lưới...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Đăng Nguyễn - Tổng hợp ([Tên nguồn])
Phong trào Hồi giáo Taliban Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN