Taliban bị Mỹ dùng "núi" bom đạn dập vùi, hất cẳng như thế nào?

Đợt ném bom phủ đầu bằng oanh tạc cơ B-2, nối tiếp là oanh tạc cơ B-1, B-52 cùng các chiến đấu cơ cất cánh từ tàu sân bay, và tên lửa hành trình, mở đầu chiến dịch can thiệp quân sự của Mỹ ở Afghanistan năm 2001.

Chiến đấu cơ Mỹ xuất kích dội bom Taliban và al-Qaeda ở Afghanistan năm 2001.

Vụ khủng bố ngày 11.9.2001 làm chấn động thế giới là nguyên nhân kéo Mỹ vào cuộc chiến dài nhất lịch sử ở Afghanistan. Nhân dịp kỷ niệm 20 năm vụ khủng bố 11.9, mời độc giả cùng nhìn lại những dấu mốc quan trọng ở giai đoạn đầu Mỹ can thiệp vào Afghanistan nhằm lật đổ Taliban và al-Qaeda.

Ngày 11.9.2001, 19 thành viên tổ chức khủng bố al-Qaeda đã cướp 4 máy bay chở khách, điều khiển 2 trong số này đâm vào tòa tháp đôi Trung tâm Thương mại Thế giới (WTC) ở New York, Mỹ, khiến gần 3.000 người chết.

Tổng thống Mỹ khi đó là George W. Bush thề sẽ “chiến thắng trong cuộc chiến chống khủng bố”, chỉ đích danh Osama bin Laden, thủ lĩnh al-Qaeda khi đó, là kẻ đứng sau vụ khủng bố 11.9.

Ông Bush yêu cầu chính quyền Taliban ở Afghanistan “giao nộp bin Laden cho nhà chức trách Mỹ”, hoặc là chịu chung số phận.

Ngày 20.9.2001, hai ngày sau khi ông Bush ký thành luật một nghị quyết cho phép sử dụng vũ lực chống lại những kẻ gây ra vụ khủng bố 11.9, Mỹ ra tối hậu thư với Taliban.

Tổng thống Mỹ khi đó là George W. Bush ra lệnh không kích ở Afghanistan vào ngày 7.10.2001.

Tổng thống Mỹ khi đó là George W. Bush ra lệnh không kích ở Afghanistan vào ngày 7.10.2001.

Tối hậu thư yêu cầu Taliban giao nộp cho Mỹ toàn bộ các thủ lĩnh al-Qaeda, bao gồm bin Laden; trả tự do cho toàn bộ công dân nước ngoài; đóng cửa các trại huấn luyện khủng bố; bàn giao khủng bố và những kẻ ủng hộ cho nhà chức trách; cấp quyền để Mỹ thị sát một cách toàn diện các trại huấn luyện khủng bố.

Một ngày sau, Taliban bác bỏ tối hậu thư của Mỹ, cho rằng không có bằng chứng xác thực về việc bin Laden liên quan đến vụ khủng bố 11.9.

Kết quả là vào ngày 7.10.2001, sau một thời gian chuẩn bị, Mỹ phát động Chiến dịch Tự do Bền vững nhằm lật đổ Taliban ở Afghanistan, bắt sống hoặc tiêu diệt các thủ lĩnh al-Qaeda.

Oanh tạc cơ tàng hình B-2 “phủ đầu” Taliban

Đợt không kích phủ đầu kéo dài 5 ngày, mở đầu bằng 6 oanh tạc cơ tàng hình B-2, mỗi chiếc mang theo tối đa 20 tấn bom đạn.

Cựu trung tướng Mỹ David A. Deptula, nói khi đó ông đã đề xuất với Bộ Chỉ huy Trung tâm (CENTCOM) về việc sử dụng oanh tạc cơ B-2 để bắt đầu cuộc chiến.

“Chúng tôi mất chưa tới 30 ngày để lên kế hoạch về chiến dịch không kích nhằm vào Taliban và al-Qaeda”, ông Deptula nói, theo tạp chí Airforce. “Oanh tạc cơ B-2 rất phù hợp để tấn công phủ đầu”.

Oanh tạc cơ chiến lược tàng hình B-2 có nhiệm vụ tấn công phủ đầu.

Oanh tạc cơ chiến lược tàng hình B-2 có nhiệm vụ tấn công phủ đầu.

Trong sứ mệnh không kích dài nhất lịch sử, những chiếc B-2 hoạt động liên tục không ngừng nghỉ trong 70 giờ để dội bom Taliban và al-Qaeda. 6 chiếc B-2 cất cánh theo 3 nhóm, lần lượt vào các ngày 7, 8 và 9.10.

Cất cánh từ căn cứ Whitteman AFB, oanh tạc cơ B-2 tiếp nhiên liệu 5 lần tại California, đảo Hawaii, đảo Guam, eo biển Malacca và căn cứ trên đảo Diego Garcia, trước khi bay qua không phận Pakistan để dội bom Afghanistan.

Đường bay này dài hơn các phương án khác, nhưng đảm bảo yếu tố bất ngờ, hạn chế phải bay qua không phận nhiều nước.

“Chúng tôi nhắm đến trạm radar quân sự của Taliban ở Kabul và Kandahar, các khẩu đội tên lửa phòng không, các sân bay quân sự với 80 máy bay chiến đấu, chủ yếu là các tiêm kích MiG”, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ khi đó là Donald Rumsfeld, nói.

Cựu đại tá Tony Cihak, một trong những phi công từng lái oanh tạc cơ B-2, nói: “Chúng tôi cất cánh đi làm nhiệm vụ vào đêm thứ hai, trước khi cuộc chiến bắt đầu".

Phía trước các phi công là 30 giờ bay không ngừng nghỉ, với 5 chặng tiếp nhiên liệu chỉ để tới Afghanistan. Trong chuyến bay dài như vậy, các mục tiêu cũng thay đổi.

Phi hành đoàn phải cập nhật lại dữ liệu về tọa độ mục tiêu cho những quả bom dẫn đường JDAM, cung cấp các dữ liệu mới mà trung tâm chỉ huy cung cấp.

Những chiếc B-2 bay xuyên Thái Bình Dương, tới Ấn Độ Dương, qua không phận Pakistan để dội bom TAliban và al-Qaeda.

Những chiếc B-2 bay xuyên Thái Bình Dương, tới Ấn Độ Dương, qua không phận Pakistan để dội bom TAliban và al-Qaeda.

Xâm nhập vào không phận Afghanistan, một oanh tạc cơ B-2 do thiếu tá Melvin G. Deaile và đại úy Brian Neal điều khiển, ném 12 trong số 16 quả bom JDAM, mỗi quả nặng từ 200kg cho tới 900kg, trong 2 giờ quần thảo trên bầu trời Afghanistan.

Quay trở lại Ấn Độ Dương để tiếp nhiên liệu, chiếc B-2 dự định hạ cánh ở căn cứ Diego Garcia, nhưng sở chỉ huy yêu cầu hai phi công quay lại sử dụng nốt 4 quả bom JDAM, mất thêm 90 phút trong không phận Afghanistan.

Ở căn cứ Diego Garcia, 18 oanh tạc cơ B-1 và B-52 đang chờ lệnh xuất kích. Do không có chỗ cho chiếc B-2 lưu lại lâu, các chỉ huy quyết định vẫn để động cơ máy bay hoạt động, thay kíp phi công mới, tiếp thêm nhiên liệu và thực phẩm, cất cánh ngay lập tức để trở về Mỹ.

Trong 3 ngày đó, tất cả 6 chiếc B-2 hoạt động liên tục trong 70 giờ. Không có bất cứ máy bay nào gặp trục trặc về động cơ hay gặp sự cố phải hủy bỏ nhiệm vụ.

Mỹ dội bom dồn dập, Taliban thất thủ chóng vánh

Cựu trung tướng Deptula gọi sứ mệnh của các oanh tạc cơ B-2 là nhiệm vụ “đánh sập cửa”, đảm bảo Mỹ và đồng minh kiểm soát hoàn toàn không phận Afghanistan.

Sau khi những chiếc B-2 rời đi, đến lượt oanh tạc cơ B-1 và B-52 xuất kích. 25 tiêm kích F-14 và F/A-18 cất cánh từ tàu sân bay USS Car Vinson và USS Enterprise, tham chiến từ biển Ả Rập.

Bản đồ Afghanistan trong chiến dịch can thiệp quân sự của Mỹ năm 2001.

Bản đồ Afghanistan trong chiến dịch can thiệp quân sự của Mỹ năm 2001.

Các máy bay Mỹ mang theo bom dẫn đường bằng vệ tinh, giúp tấn công mục tiêu từ xa mà không cần phải bay thấp hay có lực lượng mặt đất để định hướng mục tiêu.

Ngoài ra, Mỹ và Anh còn phóng 50 tên lửa hành trình Tomahawk từ các tàu chiến và tàu ngầm ở ngoài khơi Ấn Độ Dương, làm sáng rực bầu trời đêm Afghanistan.

Riêng các oanh tạc cơ B-52 rải hàng tấn bom không điều khiển xuống các trại huấn luyện của Taliban và al-Qaeda, đặc biệt là một khu trại ở tỉnh Baghlan, phía bắc Kabul. “Chúng tôi chọn cách rải bom nhằm tạo sự tàn phá trên diện rộng, phá hủy các tòa nhà và cơ sở của khủng bố”, một quan chức Mỹ khi đó nói.

Xe tăng của Liên minh Phương Bắc tiến vào thủ đô Kabul ngày 13.11.2001, sau khi giới lãnh đạo Taliban rút lui trong đêm.

Xe tăng của Liên minh Phương Bắc tiến vào thủ đô Kabul ngày 13.11.2001, sau khi giới lãnh đạo Taliban rút lui trong đêm.

Một phi công lái oanh tạc cơ B-52 tham gia nhiệm vụ, nói mình và phi hành đoàn không hề nhận thấy bất cứ sự kháng cự nào từ Taliban.

Ngày 14.10.2001, Taliban gửi thông điệp sẵn sàng đưa bin Laden sang một nước thứ ba xét xử nếu Mỹ cung cấp bằng chứng về sự liên quan của thủ lĩnh al-Qaeda với vụ khủng bố 11.9. Mỹ đã bác bỏ đề nghị này.

Không thể chống đỡ những đòn không kích của Mỹ, chính quyền Taliban ở Afghanistan sụp đổ nhanh chóng. Taliban liên tiếp để mất quyền kiểm soát các thành phố lớn vào tay Liên minh Phương Bắc do Mỹ hậu thuẫn.

Đêm ngày 13.11.2001, toàn bộ ban lãnh đạo Taliban rút chạy khỏi thủ đô Kabul, mang theo tất cả những gì có thể, để lại phía sau thủ đô vắng lặng.

__________________

Mỹ từng có cơ hội bắt sống trùm khủng bố bin Laden, sớm chấm dứt cuộc chiến ở Afghanistan ngay trong năm 2001. Nhưng vì sao Mỹ lại vuột mất cơ hội này? Mời độc giả đón đọc bài dài kỳ 2 xuất bản ngày 12.9.

Nguồn: [Link nguồn]

Video: Vụ Taliban bắn rơi trực thăng khiến 30 lính Mỹ thiệt mạng

Hai kẻ đánh bom tự sát làm rung chuyển sân bay Kabul ngày 26.8 khiến hơn 100 người thiệt mạng, bao gồm 13 lính Mỹ. Đây là...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Đăng Nguyễn - Tổng hợp ([Tên nguồn])
Phong trào Hồi giáo Taliban Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN