Hình dung ‘núi khó khăn’ đang chờ ông Biden

Khó khăn chờ đón Tổng thống tân cử Joe Biden là một nước Mỹ đang trên đà suy thoái về kinh tế - xã hội do tác động nặng nề của đại dịch COVID-19.

Trong cuộc họp báo tuyên bố chiến thắng hôm 8-11 ở bang Delaware (Mỹ), Tổng thống tân cử Joe Biden cho biết trong nhiệm kỳ tới sẽ dành mọi nỗ lực để hàn gắn hai phe Dân chủ - Cộng hòa đang chia rẽ sâu sắc và ưu tiên giải quyết những vấn đề cấp bách từ nhiệm kỳ trước, theo hãng tin Reuters. Ông nhấn mạnh: “Với trái tim chân thành, bàn tay vững chắc, lòng yêu nước và niềm tin vào mỗi người dân Mỹ, chúng ta hãy cùng bắt tay xây dựng một quốc gia mà chúng ta mong muốn”.

Tổng thống tân cử Joe Biden trong cuộc họp báo ngày 8-11 ở bang Delaware (Mỹ). Ảnh: REUTERS

Tổng thống tân cử Joe Biden trong cuộc họp báo ngày 8-11 ở bang Delaware (Mỹ). Ảnh: REUTERS

Tuy nhiên, đằng sau những ngôn từ đầy hy vọng này, thực tế mà ông phải đối mặt khi chính thức bước vào Nhà Trắng chắc chắn sẽ không hề đơn giản.

COVID-19 bắt đầu tái bùng phát

Theo trang thống kê Worldometer, tính đến ngày 9-11 (giờ Việt Nam), tổng số người nhiễm COVID-19 ở Mỹ hiện đã vượt mốc 10 triệu, trong đó có hơn 240.000 ca tử vong. Tờ The New York Times còn cho biết bốn lần liên tiếp trong tuần qua, số ca nhiễm mới trong 24 giờ tại Mỹ lên tới hơn 100.000. Chính quyền của ít nhất 15 bang đã khẩn cấp ra thông báo tái áp đặt một số biện pháp hạn chế đi lại và giãn cách xã hội nhằm đối phó với đợt bùng phát mới.

Đáng lo ngại hơn là hiện nay nước Mỹ đang bước vào giai đoạn chuyển giao quyền lực rất nhạy cảm khiến các công tác chỉ đạo phòng, chống dịch trở nên khó khăn và không đạt được sự thống nhất cần thiết. Tại Nhà Trắng, Tổng thống Donald Trump đang đình chỉ phần lớn hoạt động của lực lượng đặc trách chống COVID-19 cũng như đe dọa sẽ sa thải cố vấn chống dịch hàng đầu là Giám đốc Viện Các bệnh dị ứng và truyền nhiễm quốc gia Mỹ Anthony Fauci.

“Đây là thời điểm thật sự rất bấp bênh. Ông Trump đang mải mê với cuộc chiến pháp lý nhằm thay đổi kết quả bầu cử, còn ông Biden thì chưa có quyền hành cho đến tháng 1 năm sau. Người dân chỉ có thể trông chờ vào nỗ lực chống dịch hạn chế ở từng bang. Tuy nhiên, với nguồn lực hạn chế thì kết quả khó có thể đảm bảo” - TS Ashish K. Jha thuộc ĐH Brown (Mỹ) nhận định.

Bên cạnh đó, đến nay chưa có nhiều thông tin về kế hoạch chống dịch cụ thể của Tổng thống tân cử Biden. Tờ Business Insider cho biết dựa vào những bài phát biểu suốt quá trình tranh cử của ông thì có thể hình dung sơ lược là nhiệm kỳ của ông sẽ tập trung mở rộng quy mô xét nghiệm người dân, tái gia nhập Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), cung cấp thêm thiết bị y tế cho các bang và miễn phí điều trị COVID-19 cho người dân. Những việc làm này nhìn chung chỉ là thừa hưởng từ chiến dịch cũ của ông Trump chứ chưa thật sự có điểm gì mới mẻ.

Tờ The Wall Street Journal ngày 8-11 dẫn nguồn tin nội bộ khẳng định đội ngũ của ông Biden hiện đã lên sẵn một loạt đề xuất liên quan đến nhiều chính sách dưới nhiệm kỳ Tổng thống Trump để ông có thể nhanh chóng ký lệnh đảo ngược ngay ngày đầu tiên nhậm chức.

Áp lực khôi phục kinh tế Mỹ

Cũng do sức tàn phá khủng khiếp của COVID-19, ông Biden khi nhậm chức sẽ phải thừa hưởng một nền kinh tế đang trên ngưỡng suy thoái với gần 11 triệu người Mỹ thất nghiệp từ tháng 3 đến nay. Điểm sáng duy nhất hiện tại là mức tiêu dùng hiện mạnh hơn đầu năm, khi đại dịch mới quét qua nước Mỹ. Tuy nhiên, chỉ số này mới đang hướng tới mức hồi tháng 6-2019. Không chỉ có vấn đề tỉ lệ thất nghiệp và tăng trưởng kinh tế, ông Biden sắp tới sẽ còn phải giải quyết một loạt khó khăn dài hạn, bao gồm nợ công gia tăng cũng như các mối quan hệ thương mại quốc tế bị rạn nứt.

Nghi ngại về sức khỏe ông Biden

Vào thời điểm ông Biden chính thức nhậm chức vào tháng 1 năm sau, ông sẽ trở thành nhân vật lớn tuổi nhất (78 tuổi) từng đảm nhận cương vị này trong lịch sử nước Mỹ. Thông tin này làm dấy lên nhiều ý kiến lo ngại về độ minh mẫn và khả năng lãnh đạo chính phủ của ông.

Theo chuyên trang về sức khỏe Mỹ WebMD, hiện ông Biden được cho là đang sử dụng thuốc chống đông máu và một số thuốc điều trị chứng trào ngược acid, cholesterol và dị ứng theo mùa.

Ông cũng từng trải qua một số lần phẫu thuật xoang, phẫu thuật cắt bỏ túi mật và loại bỏ phần da có khối u lành tính. Ông từng được chẩn đoán mắc rung tâm nhĩ vào năm 2009, song hiện không còn các triệu chứng bệnh.

Ngoài những vấn đề trên, theo chuyên gia Richard Dupee thuộc ĐH Tufts (Mỹ), ông Biden nhiều khả năng sẽ khó tránh khỏi nguy cơ suy giảm nhận thức do tuổi già. Trên 65 tuổi, nguy cơ mắc Alzheimer (hội chứng suy giảm trí nhớ) hoặc các bệnh sa sút trí tuệ tăng 50% mỗi năm năm. Cứ 14 người trên 65 tuổi lại có một người bị sa sút trí tuệ khi về già. Những yếu tố như hút thuốc, thừa cân, béo phì, ít vận động có thể khiến tình trạng trầm trọng hơn.

Trung Quốc nói sẽ chỉ chúc mừng ông Biden đúng luật và thủ tục Mỹ

Hơn 24 tiếng sau khi truyền thông Mỹ xác định ông Biden chiến thắng, vẫn còn một số nước lớn - trong đó có Trung Quốc (TQ) - chưa gửi lời chúc mừng, dù rất nhiều nước đã làm điều này. Theo đài CNN, họp báo ngày 9-11, người phát ngôn Bộ Ngoại giao TQ Uông Văn Bân cho biết nước này đã “ghi nhận” tuyên bố chiến thắng của ông Biden nhưng “Chúng tôi hiểu rằng kết quả bầu cử sẽ được quyết định phù hợp với luật và thủ tục của Mỹ”. Vì thế, “Chúng tôi sẽ xử lý tuyên bố (chúc mừng) phù hợp với thông lệ quốc tế” - ông Bân nói

Hiện có nhiều đồn đoán rằng TQ muốn chắc ăn, đợi đến khi ông Trump nhận thua và cũng có thể TQ không muốn quan hệ Trung - Mỹ xấu thêm trong hai tháng còn lại của nhiệm kỳ ông Trump.

Vào tháng 3, các nghị sĩ đảng Cộng hòa và đảng Dân chủ đã thống nhất thông qua gói kích thích kinh tế 2.200 tỉ USD để hỗ trợ cho doanh nghiệp nhỏ chịu ảnh hưởng vì đại dịch COVID-19. Tuy nhiên, gói hỗ trợ kinh tế này nay đã hết hạn và các nhà hoạch định chính sách vẫn chưa nhất trí về một gói hỗ trợ mới. Một yếu tố khác cần được lưu tâm là tương quan giữa tổng thống và quốc hội. Hiện về chính thức vị trí tổng thống mới lẫn thế đa số tại Thượng viện vẫn chưa ngã ngũ. Do đó, vẫn có trường hợp các đề xuất của tổng thống mới bị cản lại tại quốc hội khiến việc thông qua gói hỗ trợ mới trở nên khó khăn hơn.

Các chuyên gia dự báo kinh tế Mỹ có thể tăng trưởng trở lại vào cuối năm 2021. Tuy nhiên khả năng phục hồi của nền kinh tế nước này sẽ phụ thuộc vào thời gian, quy mô và hình thức của gói ngân sách kích thích kinh tế đang được thảo luận. Cũng cần phải lưu ý là từ đây đến cuối năm sau vẫn là một chặng đường rất dài, không chỉ về góc độ chính trị mà còn với những người thất nghiệp hoặc đang phải sống qua ngày nhờ trợ cấp. Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) thậm chí còn dự báo tỉ lệ thất nghiệp vào cuối năm sau sẽ còn tăng lên tới 5,5%, tệ hơn so với 4,7% khi ông Trump mới đắc cử, do thị trường vẫn chưa hồi phục kịp.•

Nguồn: [Link nguồn]

Điều khiến người Mỹ lo lắng khi ông Biden bước vào Nhà Trắng

Dù có được sự ủng hộ của gần như toàn bộ giới truyền thông Mỹ, nhưng chiến thắng của ông Biden được cho là vẫn...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo VĨ CƯỜNG ([Tên nguồn])
Bầu cử Tổng thống Mỹ 2020 Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN