Động thái mới của Mỹ ở Niger sau khi quân nhân Nga tiến vào căn cứ có binh sĩ Mỹ đồn trú

Mỹ vẫn muốn duy trì một số lượng nhỏ binh sĩ ở Niger kể cả khi quốc gia Tây Phi này đã đưa các quân nhân Nga tới một căn cứ không quân có binh sĩ Mỹ đồn trú.

Căn cứ không quân số 201 ở miền trung Niger là nơi Mỹ đặt các máy bay không người lái (UAV).

Căn cứ không quân số 201 ở miền trung Niger là nơi Mỹ đặt các máy bay không người lái (UAV).

CNN dẫn nguồn tin từ các quan chức Mỹ cho biết, Washington hi vọng sẽ không phải rút toàn bộ 1.000 binh sĩ khỏi Niger trong thời gian tới.

Giới chức Mỹ nói một phái đoàn sẽ tới Niger vào cuối tuần này để thảo luận chi tiết hơn về kế hoạch rút quân và khả năng Mỹ vẫn có thể tiếp tục duy trì một số lượng nhỏ binh sĩ ở quốc gia Tây Phi.

“Chúng tôi sẽ tận dụng tất cả những gì có thể dựa trên tình hình hiện nay, sẵn sàng giảm quy mô hoạt động xuống mức mà Niger có thể chấp nhận”, Chris Maier, trợ lý bộ trưởng quốc phòng Mỹ phụ trách các hoạt động đặc biệt, nói với CNN.

Một trong những vấn đề mà phái đoàn Mỹ tới Niger cần giải quyết là tìm kiếm thỏa thuận cho phép các máy bay quân sự Mỹ hoạt động trong không phận Niger. Kể từ cuộc đảo chính vào tháng 7 năm ngoái ở quốc gia Tây Phi, quân đội Mỹ phải gửi yêu cầu cụ thể về các chuyến bay quân sự trong lãnh thổ Niger.

Một quan chức quân đội Mỹ giải thích quá trình rút quân sẽ được chia làm nhiều giai đoạn trong vài tháng. Giai đoạn đầu tiên là rút bớt các trang thiết bị không quan trọng, sau đó là đưa các nhóm binh sĩ đầu tiên rời Niger.

Quan chức Mỹ lưu ý với CNN rằng, khả năng Niger cho phép Mỹ duy trì sự hiện diện quân sự hạn chế là rất thấp bởi chính quyền quân sự đã nêu rõ quan điểm muốn quân đội Mỹ rời khỏi nước này.

Mỹ có thể muốn duy trì số ít binh sĩ để có thể giữ lại căn cứ không quân số 201 đặt ở miền trung Niger. Washington đã chi hàng trăm triệu USD để xây dựng căn cứ từ năm 2016 – 2019. Căn cứ bắt đầu đi vào hoạt động từ tháng 11/2019.

Tuần trước, Niger đã cho phép một nhóm quân nhân Nga di chuyển vào bên trong căn cứ không quân số 101 ở thủ đô Niamey, nơi có binh sĩ Mỹ đồn trú. Lầu Năm Góc sau đó đã xác nhận, nói rằng binh sĩ Nga và Mỹ sử dụng các cơ sở hạ tầng riêng biệt trong căn cứ và không tương tác với nhau.

Hôm 4/5, Niger đã đón nhóm quân nhân Nga thứ hai tới quốc gia cùng với các trang thiết bị quân sự và lương thực. Nhóm quân nhân Nga đầu tiên tới Niger vào ngày 10/4 cùng các hệ thống phòng không. Riêng trong tháng 4, Nga đã điều 3 máy bay vận tải quân sự chở vật tư quân sự tới Niger.

Theo CNN, sự hiện diện quân sự của Mỹ ở châu Phi tương đối nhỏ và trên danh nghĩa là tập trung vào các nỗ lực chống khủng bố. Nhưng các quan chức Mỹ cũng tin rằng châu Phi là chìa khóa trong cuộc cạnh tranh ảnh hưởng toàn cầu giữa Nga và Mỹ.

Niger đã chấm dứt thỏa thuận hợp tác quân sự với Mỹ vào tháng 3/2024. Ngoài Niger, một quốc gia khác ở châu Phi là Chad cũng cảnh báo sẽ chấm dứt hợp tác quân sự với Mỹ. Mặc dù sự hiện diện quân sự của Mỹ ở Chad là không đáng kể nhưng viễn cảnh rút quân cũng ảnh hưởng đến vai trò của Mỹ ở châu Phi.

Một số quan chức Mỹ nói rất khó để Washington cạnh tranh với Moscow ở châu Phi, do Nga sẵn sàng đưa ra những lời đề nghị hấp dẫn. Ví dụ như có thể cung cấp vũ khí ngay lập tức, hướng dẫn quân đội các nươc châu Phi sử dụng vũ khí tiên tiến. Ngoài ra, Nga cũng không đưa ra nhiều điều kiện ràng buộc như Mỹ.

Một quan chức Mỹ giấu tên nói với CNN rằng, việc Mỹ không còn được hoan nghênh ở châu Phi về lâu dài cũng có thể ảnh hưởng tiêu cực đến khả năng tiếp cận của quân đội Mỹ ở Địa Trung Hải.

Nguồn: [Link nguồn]

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ – ông Lloyd Austin – cho hay, quân đội Nga không có quyền tiếp cận lực lượng Mỹ đóng ở Căn cứ Không quân 101.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Đăng Nguyễn - CNN ([Tên nguồn])
Vũ khí quân sự Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN