Xe tăng còn chỗ đứng trong chiến tranh thế kỷ 21 không?

Khi máy bay không người lái vũ trang chiếm ưu thế trên chiến trường, ngay cả xe tăng M1 Abrams hùng mạnh của Mỹ cũng ngày càng trở nên dễ bị tổn thương, mà những gì diễn ra tại Ukraine là ví dụ. Vậy liệu những cỗ chiến xa có còn chỗ đứng trong chiến tranh thế kỷ 21?

Khi UAV chiếm ưu thế

Cuộc chiến bằng máy bay không người lái (UAV) ở Ukraine đang làm biến đổi chiến tranh hiện đại đã bắt đầu gây thiệt hại nặng nề cho một trong những biểu tượng mạnh mẽ nhất của sức mạnh quân sự Mỹ - xe tăng - và đe dọa viết lại cách sử dụng nó trong các cuộc xung đột trong tương lai.

Một quan chức cấp cao của Mỹ cho biết, trong tháng 2 và tháng 3 năm nay, lực lượng Nga đã tiêu diệt 5 trong số 31 xe tăng M1 Abrams do Mỹ sản xuất mà Lầu Năm Góc gửi tới Ukraine vào mùa thu năm ngoái. Đại tá Markus Reisner, một giảng viên quân sự cao cấp của quân đội Áo, người theo dõi sát sao cách sử dụng và thất lạc vũ khí trong cuộc xung đột ở Ukraine, cho biết ít nhất 3 chiếc khác đã bị hư hại vừa phải kể từ khi xe tăng được đưa ra tiền tuyến vào đầu năm nay.

Xe tăng hạng nặng M1 Abrams trên thao trường ở Ba Lan. Mỹ đã viện trợ nhiều chiến xa loại này cho Ukraine. - Ảnh: EPA.

Xe tăng hạng nặng M1 Abrams trên thao trường ở Ba Lan. Mỹ đã viện trợ nhiều chiến xa loại này cho Ukraine. - Ảnh: EPA.

Đó là một phần nhỏ trong số 796 xe tăng chiến đấu chủ lực của Ukraine đã bị phá hủy, thu giữ hoặc bỏ rơi kể từ khi chiến sự bắt đầu vào tháng 2 năm 2022, theo Oryx, một trang phân tích quân sự tính toán tổn thất dựa trên bằng chứng trực quan. Phần lớn trong số đó là xe tăng thời Liên Xô, Nga hoặc Ukraine sản xuất; chỉ có khoảng 140 chiếc được đưa ra chiến trường được các nước NATO trao cho Ukraine.

Ngoài những chiếc M1 Abrams, dữ liệu từ Oryx cho thấy xe tăng Leopard của Đức cũng trở thành bia đỡ đạn, với ít nhất 30 chiếc đã bị phá hủy. Leopard là một cỗ máy chiến tranh hiện đại, được trang bị tốt và nổi tiếng chắc chắn như danh tiếng của ngành công nghiệp Đức.

Song việc Leopard bị bắn hạ không gây sốc như M1 Abrams. Chiếc xe tăng hạng nặng của Mỹ được nhiều người coi là một trong những loại chiến xa mạnh nhất thế giới. Theo tiến sĩ Can Kasapoglu, nhà phân tích quốc phòng tại Viện Hudson (một cơ quan tư vấn quốc phòng có trụ sở tại Washington), việc tiêu diệt M1 Abrams bằng UAV vũ trang dễ dàng hơn so với nhận định ban đầu của một số quan chức và chuyên gia cho thấy “một cách khác mà xung đột ở Ukraine đang định hình lại bản chất của chiến tranh hiện đại”.

Một người lính Ukraine đang dùng kính thực tế ảo để điều khiển máy bay không người lái từ một hầm ngầm. - Ảnh: New York Times.

Một người lính Ukraine đang dùng kính thực tế ảo để điều khiển máy bay không người lái từ một hầm ngầm. - Ảnh: New York Times.

Vũ khí chống tăng có độ chính xác cao, chi phí thấp

Bất chấp sức mạnh mang tính biểu tượng trên chiến trường, xe tăng không phải là không thể xuyên thủng và chúng dễ bị tổn thương nhất ở nơi lớp giáp mỏng nhất: phía trên khối động cơ ở nửa sau xe và khoảng trống giữa thân xe với tháp pháo.

Trong nhiều năm, những vị trí này chủ yếu là mục tiêu của mìn, thiết bị nổ tự chế, súng chống tăng RPG (mà chúng ta quen gọi là B40, B41) và đặc biệt là tên lửa chống tăng dẫn đường, chẳng hạn như các hệ thống vác vai Javelin hay NLAW. Những tên lửa này được sử dụng rộng rãi trong thời kỳ đầu của cuộc xung đột Nga - Ukraine vì chúng có thể tấn công xe tăng từ trên cao và đạt tỷ lệ bắn trúng tới 90%.

Song các máy bay không người lái hiện đang được sử dụng để chống lại xe tăng ở Ukraine thậm chí còn chính xác hơn. Được biết đến là máy bay không người lái góc nhìn thứ nhất hay FPV, chúng được trang bị một camera truyền hình ảnh thời gian thực về bộ điều khiển, người có thể hướng dẫn chúng bắn trúng xe tăng ở những điểm dễ bị tổn thương nhất. Đại tá Reisner cho biết, trong một số trường hợp, FPV đã được cử đến để "kết liễu" những chiếc xe tăng đã bị mìn hoặc tên lửa chống tăng làm hư hại khiến chúng không thể được đưa ra khỏi chiến trường và sửa chữa.

Tùy thuộc vào kích thước và mức độ tinh vi của công nghệ, FPV có thể có giá chỉ từ 500 USD - một khoản đầu tư quá nhỏ để tiêu diệt một chiếc xe tăng M1 Abrams trị giá 10 triệu USD. Đại tá Markus Reisner cho biết, ông đã thu thập được nhiều video về xe tăng ở Ukraine bị máy bay không người lái truy đuổi hoặc bị FPV bay vào tháp pháo đang mở của chúng.

Máy bay không người lái giá rẻ, với trần bay thấp nên tránh được hầu hết các loại radar, đang khẳng định như một công cụ tấn công xe tăng hiệu quả từ trên cao. Và bên cạnh đó, trên chiến trường, những người lính đang phục kích xe tăng bằng thế hệ vũ khí bắn mới cũng rất hiệu quả, khiến việc tiêu diệt xe tăng trở nên đơn giản đến mức đáng lo ngại.

Giáo sư Edward Luttwak, chiến lược gia quân sự chuyên tư vấn cho nhiều chính phủ trên thế giới và là tác giả của những cuốn sách “Nghệ thuật đổi mới quân sự: Bài học từ Lực lượng phòng vệ Israel”, nhận định: “Một người lính bộ binh quyết tâm chiến đấu giờ đây được tăng cường sức mạnh siêu phàm nhờ sở hữu một số lượng lớn tên lửa chống tăng dùng một lần”.

Các binh sĩ Ukraine đang bắn một tên lửa chống tăng Javelin, loại vũ khí đã hạ gục nhiều xe tăng trên chiến trường. - Ảnh: Bloomberg.

Các binh sĩ Ukraine đang bắn một tên lửa chống tăng Javelin, loại vũ khí đã hạ gục nhiều xe tăng trên chiến trường. - Ảnh: Bloomberg.

Không có cách nào dễ dàng hoặc duy nhất để bảo vệ

Một số quan chức và chuyên gia tin rằng các chỉ huy Ukraine đã lên kế hoạch cứu xe M1 Abrams cho các hoạt động tấn công trong tương lai vào năm tới và phản đối việc gửi chúng ra tiền tuyến, nơi họ có nguy cơ mất nốt số chiến xa hiện đại này. Thay vào đó, những chiếc xe tăng “made in USA” đã được triển khai vào đầu năm nay cùng với Lữ đoàn cơ giới 47 do Mỹ huấn luyện. Tuy nhiên, Đại tá Reisner cho biết các máy bay không người lái có thể đã tiêu diệt vài xe tăng M1 Abrams vì Lữ đoàn 47 dường như không có được sự bảo vệ của các hệ thống phòng không tầm ngắn như pháo cao xạ tự hành Gepard do Đức thiết kế.

Tuy nhiên, các chỉ huy quân đội Ukraine khác cho biết họ hiếm khi sử dụng tên lửa đất đối không tiên tiến hoặc các hệ thống phòng không khác để chống lại FPV, vì những vũ khí đó thường cần để bắn hạ máy bay phản lực và trực thăng. Và một số chuyên gia nghi ngờ tính hiệu quả của các hệ thống phòng không này vì máy bay không người lái quá nhỏ và nhanh để có thể bị radar đánh trúng hoặc phát hiện.

Theo ông Michael Kofman, thành viên cấp cao của Quỹ Carnegie ở Washington, FPV có thể bị dừng bằng thiết bị gây nhiễu làm gián đoạn kết nối của chúng với phi công từ xa. Súng ngắn và thậm chí cả lưới đánh cá đơn giản đã được sử dụng để tiêu diệt hoặc bắt một số máy bay không người lái loại này trên chiến trường Ukraine.

Ông Kofman nói: “Ở giai đoạn này, phương tiện hiệu quả nhất được sử dụng để đánh bại FPV là tác chiến điện tử và nhiều loại bảo vệ thụ động khác nhau”, bao gồm áo giáp bổ sung và các loại lá chắn khác trên xe tăng.

David M. van Weel, trợ lý tổng thư ký NATO về chiến tranh mới nổi, cho biết một số quân đội đã thử nghiệm chùm tia laser có thể tiêu diệt máy bay không người lái khi tấn công, về cơ bản bằng cách đốt cháy chúng bằng năng lượng cao của laser. Những loại vũ khí được gọi là năng lượng định hướng như vậy có thể sẽ rẻ hơn và có nguồn cung lớn hơn các loại đạn dược khác, đồng thời có thể bắn trúng các mục tiêu nhỏ như FPV. Tuy nhiên, giống như tất cả các cuộc chiến tranh mới nổi, chỉ là vấn đề thời gian trước khi các biện pháp đối phó được phát minh để vô hiệu hóa tia laser.

Ảnh chụp từ camera của một máy bay không người lái khi nó tấn công chiếc xe tăng M1 Abrams tại chiến trường Ukraine. - Ảnh: Forbes.

Ảnh chụp từ camera của một máy bay không người lái khi nó tấn công chiếc xe tăng M1 Abrams tại chiến trường Ukraine. - Ảnh: Forbes.

Vậy xe tăng có lỗi thời không?

Câu trả lời, thật ngạc nhiên, lại là không. Đại tá Reisner cho biết các kỹ sư quân sự đã luôn tìm ra những cách mới để tiêu diệt xe tăng kể từ khi chúng được sử dụng trên chiến trường, nhưng xe tăng cho đến nay vẫn là lực lượng không thể thiếu trong quân đội các quốc gia.

Chung quan điểm trên, trung tá John Nimmons - người đứng đầu Nhóm Sáng kiến Chỉ huy (CIG) của Trường Thiết giáp Fort Benning (Mỹ), cho rằng giá trị thực sự của xe tăng vẫn được tìm thấy ở mọi cấp độ chiến tranh, bất chấp sự phổ biến của các hệ thống máy bay không người lái, đạn dẫn đường, pháo chính xác hay tên lửa chống tăng hiện đại, và vì thế, FPV không khiến M1 Abrams và các xe tăng tiên tiến khác như Leopard của Đức trở nên lỗi thời.

Theo trung tá Nimmons, các đặc điểm vốn có của xe tăng về khả năng sát thương, khả năng sống sót và tính cơ động khi là một phần của đội vũ trang tổng hợp mang lại cho các chỉ huy lực lượng mặt đất một lựa chọn tác chiến khi xem xét cách tốt nhất để chiếm giữ các mục tiêu quan trọng, duy trì động lực và gây áp lực liên tục lên lực lượng địch. Và, khả năng bố trí lực lượng thiết giáp ở bất cứ đâu trên chiến trường cũng cho thấy giá trị chiến lược về khả năng răn đe và tấn công của xe tăng.

Một máy bay không người lái của Ukraine được gắn theo mìn để chuẩn bị tấn công xe tăng tại vùng Kherson. - Ảnh: New York Times .

Một máy bay không người lái của Ukraine được gắn theo mìn để chuẩn bị tấn công xe tăng tại vùng Kherson. - Ảnh: New York Times .

Tương tự, Đại tá Reisner cũng cho rằng, xe tăng vẫn là loại vũ khí nguy hiểm nhất trong chiến tranh trên bộ. “Nếu bạn muốn chiếm giữ địa hình, bạn cần có xe tăng”, ông nói. Nhưng chuyên gia quân sự này cũng nhận định, FPV sẽ là một phần quan trọng trong thứ mà một số nhà phân tích tin rằng sẽ thúc đẩy chiến tranh ngầm trong tương lai, với vũ khí điều khiển từ xa điều khiển các phương tiện chiến đấu trên mặt đất. Trong tình huống này, binh lính sẽ điều khiển hệ thống vũ khí từ các hầm ngầm gần đó để đảm bảo họ có thể duy trì đường ngắm và tần số vô tuyến đối với vũ khí.

Những trận chiến trên bộ như vậy, trong tương lai chủ yếu có thể chỉ là cuộc đọ sức giữa máy bay không người lái ở góc nhìn thứ nhất và các phương tiện thiết giáp không người lái trên mặt đất. “Họ sẽ chiến đấu với nhau giống như trong phim 'Kẻ hủy diệt'”, Đại tá Reisner nói.

Nguồn: [Link nguồn]

Chiếc FPV Nga đuổi theo xe tăng Abrams, sau đó tấn công vào phía sau tháp pháo của phương tiện này.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Nguyễn Khánh ([Tên nguồn])
Vũ khí quân sự Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN