TTCK chiều 11/4: Không dành cho NĐT yếu tim

Diễn biến thị trường trong 2 phiên vừa qua không dành cho nhà đầu tư yếu tim khi kết quả của “trận đấu” chỉ được định đoạt ở phút 90.

Diễn biến của phiên giao dịch chiều này khá trái ngược với phiên giao dịch chiều qua (10/4). Trong phiên chiều qua, lượng giao dịch cầm chừng trong phần lớn thời gian chiều và khi bước vào đợt khớp lệnh xác định giá đóng cửa, lệnh xả hàng ATC đã kéo tuột thị trường lao dốc không phanh.

Trong khi đó, khi bước vào phiên giao dịch chiều nay, lực bán có dấu hiệu tăng lên khiến nhiều nhà đầu tư yếu tim lo sợ một cuộc tháo chạy ATC như phiên chiều qua nên cố bán tháo theo. Tuy nhiên, khi bước vào phiên khớp lệnh xác định giá đóng cửa, nhiều nhà đầu tư lo sợ tranh bán trước đó chỉ biết “nuốt nước bọt” ấm ức khi lệnh mua ATC và giá trần đồng loạt được tung vào, nhấc VN-Index tăng 7,57 điểm.

Đóng cửa phiên giao dịch ngày 11/4, VN-Index tăng 7,57 điểm (+1,52%), tạm đứng ở mức 504,07 điểm. Khối lượng giao dịch cũng vượt 52 triệu đơn vị với tổng giá trị gần 1.128,42 tỷ đồng.

Giao dịch thỏa thuận đạt khối lượng trên 5 triệu đơn vị, tổng giá trị tương ứng đạt trên 228 tỷ đồng. Trong đó, ngoài VIC thỏa thuận khối lượng lớn từ phiên sáng, còn có cổ phiếu GAS thỏa thuận 1,5 triệu đơn vị, tổng giá trị đạt 78 tỷ đồng (chiếm gần 67,5% tổng khối lượng giao dịch).

Với 8 mã giảm giá và 22 mã tăng giá, VN30 tăng 7,39 điểm (+1,32%) lên 565,76 điểm. Trong đó, nhiều mã tăng giá mạnh như VNM và DRC cùng tăng 2.000 đồng; STB tăng 1.300 đồng; VIC, DQC, BVH và MSN cùng tăng 1.000 đồng; PVD và CSM tăng 1.100 đồng…

Kết thúc phiên giao dịch, SSI đã bứt phá vượt qua ITA và là cổ phiếu thanh khoản tốt nhất trên sàn HOSE với tổng khối lượng khớp lệnh đạt trên 2,2 triệu đơn vị. Đóng cửa, SSI giảm 200 đồng xuống 18.300 đồng/CP.

Vị trí tiếp theo là ITA với khối lượng khớp lệnh trên 2,1 triệu đơn vị và các cổ phiếu khác có khối lượng khớp lệnh trên 1 triệu đơn vị gồm CSM, IJC, REE, CTG, CII, KSA, DPM, VSH.

Khối ngoại mua vào 86 mã trên sàn HOSE với tổng khối lượng 3.798.730 đơn vị, trong đó họ mua vào nhiều nhất cổ phiếu HPG và VSH với khối lượng 426.260 đơn vị và 312.720 đơn vị.

Trên sàn HNX, sự rung lắc của các mã bluechip cũng khiến chỉ số HNX-Index mất mốc 61 điểm và chỉ còn tăng nhẹ trên mức tham chiếu. ACB vẫn là trụ cốt chính hỗ trợ HNX-Index tăng điểm. Sau thông tin có thể hoàn nhập 663 tỷ đồng lợi nhuận, ACB đã nới rộng mức tăng lên 700 đồng, tạm đứng giá 16.600 đồng/CP.

Kết thúc ngày giao dịch, với 117 mã tăng giá, 64 mã giảm giá và 217 mã đứng giá, chỉ số HNX-Index tăng 0,75 điểm (+1,24%) lên 61,08 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt gần 45,67 triệu đơn vị với tổng giá trị giao dịch đạt gần 289,8 tỷ đồng.. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đạt 14,35 triệu đơn vị với tổng giá trị 40,07 tỷ đồng.

Với 5 mã giảm giá, 6 mã đứng giá và 19 mã tăng giá, HNX30 tăng 1,47 điểm (+1,29%) lên 115,66 điểm. Trong đó, ACB tăng 800 đồng lên 16.700 đồng/CP; KLS, PVX, SCR, SHB cùng tăng 100 đồng, VND và VCG đang đứng mức tham chiếu.

SHB vẫn giữ vững vị trí đầu tiên về thanh khoản với tổng khối lượng giao dịch đạt 8,51 triệu đơn vị. Tiếp đó là SCR đạt 3,04 triệu đơn vị và PVX đạt 2,39 triệu đơn vị.

Khối ngoại mua vào 37 cổ phiếu với khối lượng 14.375.700 đơn vị và bán ra 27 cổ phiếu với khối lượng 14.811.310 đơn vị. Trong đó họ thỏa thuận hơn 13,8 triệu cổ phiếu PHS.

Chỉ số VIR-50 đo lường biến động của 50 cổ phiếu vốn hóa lớn nhất trên TTCK Việt Nam phiên này tăng 6,84 điểm lên mức 487,57 điểm (1,40%). Trong đó có 32 mã tăng giá, 13 mã giảm và 5 mã đứng giá. Tăng mạnh nhất phải kể đến các mã như STB (6,5%), DRC (5,2%), ACB (5,0%), VCF (4,5%) và GAS (4,5%). Giảm mạnh nhất là các mã như HVG (-6,5%), IJC (-3,0%), PNJ (-2,2%), CII (-2,1%) và OGC (-1,6%).

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Thanh Thúy (Đầu tư chứng khoán)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN