Phố Wall chao đảo sau "biến cố" kinh tế TQ

Thị trường chứng khoán Mỹ đã trải qua một phiên giao dịch đầy sóng gió trong ngày 23/5.

Trong hầu hết thời gian giao dịch buổi sáng, thị trường bị chi phối bởi những lo lắng rằng các chương trình kích thích kinh tế của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) sẽ sớm bị thu hẹp và số liệu sản xuất yếu kém tại các nhà máy ở Trung Quốc.

Tuy nhiên, đà lao dốc của thị trường đã được chặn đứng sau khi cổ phiếu HP tăng 17%, lên cao nhất trong 52 tuần.

Sở dĩ giá cổ phiếu của hãng sản xuất máy tính tăng vọt như vậy là do trước đó hãng này đã nâng triển vọng kinh doanh trong năm 2013 của mình sau khi công bố kết quả doanh thu quý 1/2013 vượt qua dự báo của giới phân tích. Việc cổ phiếu HP tăng mạnh đã hỗ trợ tốt cho chỉ số công nghiệp Dow Jones và hạn chế bớt đà suy giảm của chỉ số S&P 500.

Những dấu hiệu cho thấy thị trường nhà đất và việc làm đang có sự hồi phục cũng đã giúp cho các chỉ số thu lại được phần nào số điểm đã mất trong ngày. Khối lượng giao dịch toàn thị trường vẫn bùng nổ lên tới 7 tỷ cổ phiếu, do nhiều nhà đầu tư đang điều chỉnh danh mục cổ phiếu trước kỳ nghỉ dài sắp tới. Dự kiến Phố Wall sẽ nghỉ phiên 27/5.

Kết thúc ngày giao dịch đầy biến động 23/5, chỉ số công nghiệp Dow Jones giảm nhẹ 12,67 điểm, tương ứng với mức 0,08%, xuống còn 15.294,50 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm nhẹ 4,84 điểm, tương ứng với mức 0,29% xuống còn 1.650,51 điểm. Tương tự, chỉ số Nasdaq Composite cũng giảm nhẹ 3,88 điểm, tương ứng 0,11%, xuống còn 3.459,42 điểm.

Trên sàn giao dịch New York, số cổ phiếu giảm điểm vượt trội hơn số cổ phiếu tăng điểm, với tỷ lệ là 17/ 12. Trong khi trên sàn Nasdaq, xu thế ngược lại với khoảng 13 cổ phiếu tăng điểm thì có 12 mã giảm điểm.

Cũng trong ngày 23/5, các sàn giao dịch chứng khoán chủ chốt ở khu vực châu Á đã biến động dữ dội, trong đó đáng chú ý nhất là thị trường Nhật Bản khi giảm tới hơn một nghìn điểm, xuống mức thấp nhất trong khoảng một tuần vừa qua. Đây có thể xem là phiên giao dịch biến động dữ dội nhất của thị trường chứng khoán Nhật Bản kể từ tháng 3 năm 2011.

Theo giới phân tích thị trường, việc lợi suất trái phiếu chính phủ của Nhật Bản tăng vọt, đồng Yên ngày càng lên giá, trong khi sản xuất tại Trung Quốc yếu kém và những thông tin không mấy lạc quan về khả năng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ sẽ sớm thu hẹp hoặc thậm chí là rút bỏ các chương trình nới lỏng định lượng, đã có tác động mạnh tới chứng khoán Nhật.

Kết thúc phiên giao dịch ngày 23/5, chỉ số Nikkei 225 của thị trường Nhật Bản giảm tới 1.143,28 điểm, tương ứng với 7,32%, xuống 14.483,98 điểm. Chỉ số Hang Seng của chứng khoán Hồng Kông cũng giảm mạnh tới 591,4 điểm, tương ứng 2,54%, còn 22.669,68 điểm. Các thị trường Trung Quốc, Đài Loan, Hàn Quốc và Singapore đều giảm tới hơn 1%. 

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Thanh Hải (Vneconomy)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN