"Đại gia" sân bay lãi kỷ lục nhưng phải gánh khoản nợ xấu hơn 2.000 tỷ đồng từ các hãng hàng không

Sự kiện: Kinh tế toàn cảnh

Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) dù lãi cao nhưng đang phải trích lập 576 tỷ đồng do khoản nợ xấu hơn 2.000 tỷ từ 4 hãng hàng không lớn.

Theo báo cáo tài chính vừa được công bố, chỉ trong quý 2-2022, ACV mang về doanh thu thuần lên hơn 3.400 tỉ đồng, tăng hơn 125% so với cùng kỳ năm trước. Chưa kể doanh thu hoạt động tài chính cũng tăng gấp đôi lên tới 1.900 tỉ đồng, nhờ chênh lệch tỉ giá (đồng yen Nhật bị mất giá). Ngoài ra, doanh nghiệp còn lãi 76 tỉ đồng từ các công ty liên doanh liên kết, tăng 445% so với cùng kỳ năm trước.

Trừ đi giá vốn và các chi phí, doanh nghiệp này chốt quý 2 với mức lãi ròng sau thuế xấp xỉ 2.600 tỉ đồng, cao gấp 8 lần so với quý cùng kỳ năm trước, trở thành quý lãi kỷ lục kể từ khi niêm yết trên sàn chứng khoán (2016), đồng thời cao hơn cả hai năm dịch COVID-19 (2020 và 2021) cộng lại.

Quý 2, ACV lãi ròng sau thuế gần 2.600 tỉ đồng, cao gấp 8 lần so với quý cùng kỳ năm trước

Quý 2, ACV lãi ròng sau thuế gần 2.600 tỉ đồng, cao gấp 8 lần so với quý cùng kỳ năm trước

Tính chung nửa đầu năm nay, ACV gặt hái được 5.500 tỉ đồng doanh thu và 3.500 tỉ đồng lãi ròng sau thuế, tương đương mức tăng lần lượt 62% và 190% so với bán niên trước, vượt xa kế hoạch lợi nhuận đề ra cho cả năm.

Tại thời điểm cuối quý 2, khối tài sản của công ty xấp xỉ 55.900 tỉ đồng, tăng gần 2% so với hồi đầu năm. Vốn chủ yếu sở hữu cũng tăng 8% so với hồi đầu năm lên mốc 40.600 tỉ đồng. Trong vòng nửa năm nay, khoản nợ phải trả của doanh nghiệp này đã được giảm hơn 12% xuống còn khoảng 15.200 tỉ đồng. 

Ông Vũ Thế Phiệt - tổng giám đốc ACV - giải trình với các cơ quan quản lý thị trường chứng khoán rằng kết quả kinh doanh tăng trưởng vượt trội do: "Thị trường hàng không, đặc biệt trong nước, được hồi phục. Dịch bệnh trong nước cơ bản được kiểm soát và người dân không còn thực hiện hạn chế đi lại giãn cách xã hội như trước. Các chuyến bay quốc tế cũng dần được kết nối trở lại".

Mặc dù kết quả kinh doanh tăng trưởng vượt bậc so với thời điểm dịch COVID-19 bùng phát mạnh, nhưng áp lực vẫn đè lên ACV khi bị gánh khoản nợ xấu hơn 2.000 tỉ đồng, tăng 25% so với hồi đầu năm, chủ yếu từ các hãng hàng không lớn.

Cụ thể, ACV đang phải chịu khoản nợ xấu lớn nhất từ Công ty CP Hàng không Tre Việt (Bamboo Airways) với giá trị hơn 653 tỉ đồng, tiếp đến là khoản nợ xấu từ Công ty CP Hàng không Vietjet (hơn 635 tỉ đồng), Công ty CP Hàng không Pacific Airlines (hơn 379 tỉ đồng), Tổng công ty Hàng không Việt Nam - Vietnam Airlines (hơn 300 tỉ đồng), Công ty CP Hàng không Mê Kông - Air Mekong (xấp xỉ 26 tỉ đồng) và các khách hàng khác.

Doanh nghiệp cũng giải thích, 2.000 tỉ đồng nợ xấu là "các khoản phải thu quá hạn thanh toán hoặc chưa quá hạn thanh toán nhưng khó có khả năng thu hồi".

Tại cuối quý 2 năm nay, ACV cho biết đã dành hơn 576 tỉ đồng để trích lập dự phòng cho các khoản nợ xấu kể trên, tương đương tăng 16% so với đầu năm.

Trong ngành hàng không Việt Nam, Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (mã chứng khoán ACV) được xem là "đại gia" sân bay, khi cơ cấu doanh nghiệp gồm 22 chi nhánh nằm ở các cảng hàng không khắp cả nước, đồng thời có 1 công ty con và 6 công ty liên doanh liên kết cùng ngành.

Kết thúc phiên giao dịch ngày 3/8, cổ phiếu ACV tiếp tục tăng 0,3 điểm (0,34%) lên 87.9 điểm. Đây cũng là phiên tăng điểm nằm trong chuỗi hàng chục phiên tăng liên tiếp của ACV những ngày qua.

Nhận định thị trường chứng khoán này 4/8, các công ty chứng khoán khuyến nghị nhà đầu tư cân nhắc giá tốt để chốt lời đối với các cổ phiếu đã tăng nhanh đến vùng cản để gặt hái thành quả.

Công ty Chứng khoán MB – MBS cho rằng, VN-Index đang tiệm cận ngưỡng cản kỹ thuật 1.250 điểm, áp lực chốt lời sẽ thường xuyên diễn ra trong các phiên sắp tới ở vùng 1.250 điểm – 1.262 điểm.

Tương tự, Công ty Chứng khoán Rồng Việt - VDSC cũng khuyến nghị nhà đầu tư cân nhắc chốt lời cổ phiếu đã tăng nhanh.

Hiện tại, VNIndex chưa vượt qua vùng cản 1.240 – 1.250 điểm, một phần do nhóm vốn hóa lớn vẫn chưa có diễn biến mạnh. Tuy nhiên, xu thế của VN-Index, kể cả VN30-Index, vẫn trong chiều hướng chuyển biến tốt. Dự kiến trong phiên giao dịch 4/8, khả năng rung lắc hoặc điều chỉnh trong phiên có thể xảy ra nhưng thị trường vẫn có cơ hội vượt qua và tiếp tục nhịp tăng điểm.

Do vậy, theo VDSC, nhà đầu tư vẫn có thể xem xét mua tích lũy tại các cổ phiếu đang có tín hiệu thu hút dòng tiền sau nền tích lũy hoặc lùi về gần nền tích lũy trong thời gian gần đây. Tuy nhiên, cũng nên cân nhắc giá tốt để chốt lời đối với các cổ phiếu đã tăng nhanh đến vùng cản để gặt hái thành quả.

Nguồn: [Link nguồn]

Một cổ phiếu họ FLC bị xem xét đình chỉ giao dịch nhưng giá cổ phiếu vẫn kịch trần

Ngày 2/8, Sở giao dịch chứng khoán TPHCM (HOSE) phát đi thông báo về việc xem xét đình chỉ giao dịch với cổ phiếu của CTCP Xây dựng FLC Faros (HOSE: ROS) với lý do chậm công bố BCTC...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Hồng Hương ([Tên nguồn])
Kinh tế toàn cảnh Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN