6 tỷ phú Việt Nam ba tháng đút túi 2,2 tỷ đô la

Sự kiện: Kinh tế toàn cảnh

Kết thúc chuỗi tăng 9 phiên liên tiếp, tuần qua, VN-Index có thời điểm thủng mốc 1.230 điểm. Hiện tượng nghẽn lệnh có phần trầm trọng hơn, nhà đầu tư bức xúc khi 3 phiên gần đây, sàn HOSE “đơ” chỉ sau khoảng 2 giờ giao dịch.

VN-Index đảo chiều, Penny "nổi sóng"

Đầu tuần, dòng tiền hưng phấn tiếp tục nhập cuộc sôi động, VN-Index tăng liên tục 3 phiên, lên mức cao nhất 1.246,4 điểm. Tuy nhiên, thành quả lập đỉnh không thể bảo toàn trong 2 phiên cuối tuần, VN-Index giằng co trước áp lực chốt lời, có thời điểm giảm sâu về 1.227,6 điểm. Kết phiên 9/4, VN-Index ở mức 1.231,66 điểm.

Nhịp giảm tuần qua được các nhà đầu tư đánh giá là cần thiết để thị trường tăng bền vững, sau cú "phi nóng” hơn 80 điểm từ phiên 26/3 – 7/4. Điều này không nằm ngoài dự báo của các chuyên gia, khi trước đó, nhóm phân tích của CTCK Ngân hàng BIDV cho rằng, thị trường sẽ có tích lũy ngắn hạn trong vùng 1215-1230 điểm. Trước đó, VN-Index đã tăng từ 1.162.21 lên 1.242.38 điểm, trụ vững qua mốc tâm lý 1.200 điểm.

Penny đua nhau tím trần

Penny đua nhau tím trần

Dẫn dắt đà tăng của VN-Index là nhóm cổ phiếu vốn hoá lớn, tuy nhiên, đây cũng là nhóm khiến chỉ số giảm điểm mạnh nhất trong 2 phiên cuối tuần. Phiên 9/4, VCB, VHM, VIC, VJC, … là các mã khiến VN-Index mất hơn 5,4 điểm. Nhóm cổ phiếu ngân hàng có sự phân hoá rõ rệt, sắc xanh không còn chiếm ưu thế, khi loạt mã VCB, BID, TCB, VIB là nguyên nhân khiến thị trường về sát mốc 1.230 điểm.

Ở chiều ngược lại, các cổ phiếu vốn hoá nhỏ (penny) đua nhau tím trần. Đặc biệt, trong 2 phiên VN-Index giảm điểm, nhóm penny “ngược dòng” tạo sóng. Phiên 9/4, các penny ROS, CIG, AMD, FTM, TDG, … tăng nóng gần 7%. ROS khớp lệnh hơn 53 triệu cổ phiếu; HQC khớp lệnh hơn 23,4 triệu cổ phiếu.

Nhìn vào một số hiện tượng penny thời gian qua, nhiều nhà đầu tư kỳ vọng giá cổ phiếu mình mua sẽ tăng gấp 3-5 lần, kiên trì nắm giữ và nhanh chóng "xả" hàng khi giá tăng mạnh. Tuy nhiên, không phải nhà đầu tư “cưỡi” sóng penny nào có lời, khi có những mã trượt dài, mất giá tới 300% chỉ trong 1 năm.

6 tỷ phú Việt lọt xếp hạng Forbes

Theo danh sách tỷ phú thế giới năm 2021 vừa được Tạp chí Forbes (Mỹ) công bố, Việt Nam có 6 đại diện. Đó là Chủ tịch Vingroup Phạm Nhật Vượng, CEO VietJet Air Nguyễn Thị Phương Thảo, Chủ tịch Hòa Phát Trần Đình Long, Chủ tịch Techcombank Hồ Hùng Anh, Chủ tịch Thaco Trần Bá Dương và Chủ tịch Masan Nguyễn Đăng Quang. Đây là năm Việt Nam có nhiều đại diện nhất trong danh sách.

Mốc thời điểm xác định giá trị tài sản về chứng khoán và tỉ giá quy đổi ngoại tệ là ngày 5/3. Thống kê từ đầu năm 2021, giá trị tài sản ròng của 6 tỉ phú giàu nhất sàn chứng khoán Việt Nam đã tăng khoảng 2,2 tỷ USD.

Trong đó, tài sản trên thị trường chứng khoán của chủ tịch Vingroup gần bằng tài sản của 5 vỉ tỷ phú còn lại. Với tổng sở hữu trên 1,9 tỷ đơn vị cổ phiếu VIC và VHM (đại diện cho VIC), giá trị tài sản chứng khoán của ông Phạm Nhật Vượng hiện đạt hơn 224 nghìn tỷ đồng. Năm nay, ông Vượng lần thứ 9 góp mặt, với tài sản 7.3 tỷ, đứng thứ 344 thế giới, thăng hạng so với năm ngoái

Công ty Cổ phần Tập đoàn Masan (MSN) của tỷ phú Nguyễn Đăng Quang cũng tăng giá gần 7% trong tháng qua, tăng giá khoảng 70% trong 1 năm, một phần giúp ông Nguyễn Đăng Quang qua trở lại danh sách tỷ phú 2021 của Forbes. Hiện, MSN giao dịch giá 92.100 đồng/ cổ phiếu.

HPG tăng giá gấp hơn 3 lần trong năm qua cũng giúp ông Trần Đình Long, Chủ tịch Hoà Phát quay lại bảng xếp hạng tỷ phú 2021 của Forbes sau 1 năm vắng bóng. HPG chốt phiên 9/4 ở mức 49.550 đồng/ cổ phiếu.

HOSE nghẽn lệnh ngay phiên sáng

Sau gần 4 tháng sàn HOSE nghẽn lệnh, tuần qua, nhà đầu tư thêm một lần nữa phải thích nghi với kiểu "đơ" mới, sàn tắc ngay từ phiên sáng. 3 phiên cuối tuần, HOSE nghẽn lệnh sau khoảng hơn 2 tiếng giao dịch. Bộ phân IT của một CTCK mô tả sự cố ngày 9/4: "Giao dịch sàn HSX đã không trả xác nhận lệnh mới từ thời điểm 11:27 (Lệnh đặt vào không khớp)". Sàn HOSE "đơ" khi giá trị giao dịch đạt hơn 13.000 tỷ đồng.

Lo ngại đầu giờ chiều sàn "tắc đường", trên các diễn đàn chứng khoán, nhà đầu tư mách nhau tranh thủ giao dịch sáng.

Hôm nay (10/4), HOSE sẽ thử nghiệm hệ thống giao dịch lần thứ 2 với CTCK. Cuối tháng 3/2021, HOSE cho biết đang phối hợp với FPT xây dựng hệ thống giao dịch tạm, thời gian dự kiến khoảng 3 đến 4 tháng. Tuy nhiên, lộ trình cụ thể, thời gian hoàn thành không được công bố chi tiết.

Nguồn: [Link nguồn]

Tạm dừng nhận giao dịch cổ phiếu mới trên HOSE

Sau khi được HOSE thẩm định và cấp quyết định niêm yết, cổ phiếu được tạm thời giao dịch trên HNX đến khi sự cố...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Việt Linh ([Tên nguồn])
Kinh tế toàn cảnh Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN