"Xuân điển" hay bí hiểm tiếng lóng trong giang hồ

Sự kiện: Khám phá võ thuật

Xuân điển (hay thần điểm) tức là tiếng lóng của giang hồ. Các phái võ xưa nay coi “xuân điển” như bảo vật môn phái, không truyền ra ngoài.

Trên giang hồ vẫn có câu “Thà cho mười lạng vàng, chẳng dạy một câu xuân”, hoặc “Thà truyền mười tay, chẳng truyền một miệng”. Người luyện võ phần lớn thích ngao du thiên hạ, trao đổi quyền cước, công phu lại càng phải học tập, nắm bắt tiếng lóng giang hồ.

Căn cứ vào những giai thoại ghi chép về “xuân điển” ở thời kỳ Minh- Thanh, thì thời đó có 3 anh em vì cuộc sống xô đẩy mà phải phiêu bạt giang hồ sau khi đều thụ giáo cùng một môn phái.

Một người làm tiêu sư bảo vệ, một người vì đường cùng nên theo nghề trộm cắp, một người vẫn theo nghề võ. Để tránh sau này anh em khỏi tàn hại lẫn nhau, khi chia tay họ định ra những lời nói lóng (dạng như mật khẩu): Gọi bảo tiêu (hay phiêu sư) là “hưởng quải”, xưng là “chiếm đất một dải”, thầy võ gọi là “Nội quải” xưng là “chiếm đất một tháp”, còn tướng trộm cướp thì gọi là “Bằng hữu”. Sau này con cháu, đệ tử gặp nhau, chỉ xưng tiếng lóng sẽ nhận ra người một nhà.

"Xuân điển" hay bí hiểm tiếng lóng trong giang hồ - 1

Nhân vật Yến Thanh trong phim Thuỷ Hử - một lãng tử giang hồ huyền thoại, đã có cả một môn phái quyền thuật mang tên nhân vật này.

Các tiếng lóng đó đời truyền đời không ngừng cải tiến, bổ sung và phát triển thành một thứ ngôn ngữ được hệ thống hoá theo những quy chuẩn bí mật. Đời sau gọi là “xuân điển” (điển tích mùa xuân) hay “thần điểm” (điểm ở môi miệng).

Ngay từ cách gọi tên đã thấy sự bí hiểm của tiếng lóng. Những môn phái, bang hội khác theo đó sáng tạo ra những hệ tiếng lóng của riêng mình, lưu hành nội bộ theo những quy định nghiêm ngặt, coi như bảo bối, ai tiết lộ là phạm quy môn và kết cục thì không cần nói, chắc ai cũng hiểu. Bởi đã tham gia vào giới này, mọi người đều phải tuân thủ một thứ luật bất thành văn mà không có trong bộ luật của bất cứ triều đình nào, chế độ nào: “Luật giang hồ”.

Tiếng lóng thời bấy giờ cũng được phân hạng riêng theo từng thứ bậc trong xã hội. Tam giáo Cửu lưu (Tam giáo là ba đạo Nho, Thích (Phật), Đạo (Lão); còn Cửu lưu chỉ các dòng Nho gia, đạo gia (đạo sĩ), âm dương gia, pháp gia, danh gia, mặc gia, tung hoành gia, tạp gia và nông gia- chỉ chung các tôn giáo và các nghề trong xã hội xưa) tập hợp và hình thành nên giang hồ bí hiểm và phức tạp.

Trừ Tam giáo ra, Cửu lưu lại chia làm 3 cấp Thượng, Trung, Hạ. Thượng Cửu lưu gồm: 1. Tể tướng, 2. Thượng thư, 3. Đô đốc, 4. Phiên niết (phán quan), 5. Đề đài (trông coi đài ở triều đình như Ngự sử đài), 6. Trấn đài, 7. Đạo (đạo doãn, phủ doãn), 8. Phủ (tri phủ), 9. Tri châu.

Trung Cửu lưu gồm: 1. Thầy thuốc, 2. Bát tự (người xem tướng số theo Tử vi), 3. Phiêu hàng (người viết thuê), 4. Suy (người đoán chữ), 5. Cầm kỳ (người cầm cờ, chơi đàn), 6. Thư hoạ (Viết vẽ), 7. Tăng (sư), 8. Đạo (đạo sĩ), 9. Ma Y (người xem, đoán tướng).

Hạ Cửu lưu gồm: 1, Vương bát (người làm nghề lầu xanh), 2, Quy (người môi giới, mai mối), 3. Kịch tử (con hát), 4. Suy (thổi kèn, đánh trống), 5. Đại tài (người làm trò, làm xiếc, ảo thuật), 6. Tiểu tài (làm hề), 7. Sinh (thợ cắt tóc), 8. Kẻ cướp, 9. Người đốt lò (“ổi yên giả”-người thổi khói).

Xã hội phong kiến Trung Hoa phân biệt rõ ràng giai tầng với Thượng, Trung, Hạ Cửu lưu, tức là chín lần ba hai mươi bảy hạng người. Mỗi hạng lại có tiếng lóng riêng, ví dụ như gọi thầy thuốc là “tế băng công”, thợ mộc là “giáp ất sinh”… đủ cho thấy tính phức tạp cũng như ngôn ngữ vô cùng đa dạng của tiếng lóng trong xã hội.

Làm một võ sư hoặc tiêu sư đi lại trong giang hồ không chỉ thuộc nhiều tiếng lóng hành nghề các loại mà lại còn phải giỏi ở hạng của mình. Ra khỏi cửa nhà coi như đã bước chân vào xã hội, bất kể đến nơi nào cũng phải bái kiến người có địa vị cao trong làng võ địa phương, đồng thời phải dùng tiếng lóng giang hồ giới thiệu thân thế rõ ràng, không thế là sinh phiền ngay.

Xuân điển nói chung chia làm mật ngữ phi ngôn ngữ và mật ngữ ngôn ngữ, tức là tiếng lóng phát không ra tiếng và tiếng lóng phát thành tiếng, cả hai phương thức này đều vận dụng ví dụ hình tượng hoặc tính song nghĩa của hình tượng để thăm hỏi hay dò xét đối phương xem là đệ tử của môn phái nào, bang hội nào…

Do vậy xuân điển như một phương thức giao tiếp, môi giới cho hiệp khách, khách buôn, lâu la của làng võ xuôi Nam ngược Bắc và là ngôn ngữ đặc thù của giang hồ Trung Hoa một thủa.

Điểm những "tiếng lóng" lừng danh giới giang hồ

Nói chung, các phái võ thuật đều có tiếng lóng riêng của phái mình và được bảo mật nghiêm ngặt. Tuy nhiên theo thời gian, các môn phái và các tầng lớp trong xã hội tự ngầm công nhận với nhau những tiếng lóng lưu hành trong võ lâm rộng rãi khiến mọi người đều biết.

Ví dụ như:

Đao: gọi là “phiến tử”

Kích: “Nguyệt nha phong” (trăng mũi liềm)

Chuỷ thuỷ: “đình tử” (bậu cửa sổ)

Đại đao: “hải thanh tử”

Thương, giáo: “điều tử” (vật thon dài)

Thương: “hoa điều” (que hoa)

Súng tây: “con lừa đen”

Súng trường: “phún tử” (ống phun)

Mua súng: “xuyến mạn tử” (xâu dây)

Mua đạn: “xuyến phi tử” (xâu chuỗi hạt)

Ông già: “cao” (bánh bột)

Trai trẻ: “nha nhi” (răng nhỏ)

Cô gái: “đậu nhi” (đậu nhỏ)

Uống nước: “khâu chung” (khép chén)

Cầm đũa: “ban lương” (di dời xà nhà)

Hút thuốc: “bảng hoả” (nhảy lửa)

Sưởi lửa: “lĩnh giáp”

Nhảy qua cửa sổ: “lưu câu” (chuồn khỏi vòng)

Mũ đội: “đỉnh thiên” (đội trời)

Kính đeo mắt: “hộ kiểm” (che má)

Tất chân, xà cạp: “thuận thoái” (thuận chân)

Phía Nam: “dương” (ánh sáng)

Phía Bắc: “mạc” (lãnh đạm)

Phía Tây: “liệt” (bày ra)

Phía Đông: “đảo”

Kẻ thù đang xông tới chém giết: “thuỷ mạn liễu” (nước tràn rồi)

Chết rồi: “toái liễu” (đã nát rồi)


… và còn nhiều, rất nhiều nữa không thể nào kể cho xuể. Nhưng nhìn chung, tiếng lóng trong giang hồ hồi đó chủ yếu mang lối nói hình tượng, không đi kèm những từ ngữ tục tĩu hay văng tục, chửi thề như thời nay.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Chu Hồng Châu (danviet.vn)
Khám phá võ thuật Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN