Wimbledon, Djokovic hãy học Federer: Lùi 1 bước, nhảy vọt 2-3 bước
(Nhận định tennis) Novak Djokovic đã phải rời Wimbledon, hậu quả của chấn thương hành hạ anh hơn 1 năm qua. Nghỉ hết năm 2017 có lẽ là lựa chọn khôn ngoan nhất cho Nole.
Nhìn lại trận đấu Djokovic - Berdych, tứ kết Wimbledon 2017
Novak Djokovic bị loại khỏi Wimbledon 2017 khi phải bỏ cuộc giữa chừng trận gặp Tomas Berdych do chấn thương. Phong độ của Nole vẫn chưa có dấu hiệu tiến bộ trở lại kể từ sau Roland Garros 2016, chức vô địch của giải đấu đó đã bắt đầu một giai đoạn tay vợt người Serbia thi đấu kém cỏi dù không ai lúc đó lường trước điều này.
Cảnh Djokovic cần trợ lý y tế đã trở nên quen thuộc thời gian gần đây
Chấn thương cùi chỏ mới đây của Djokovic chỉ là một trong những chấn thương mà Djokovic đã phải đối phó trong vòng 1 năm trở lại đây. Anh đã vào tứ kết Wimbledon trong tình trạng bị đau vai và hai trận đấu ở vòng 4 và vòng tứ kết của Nole diễn ra trong liền 2 ngày (trận vòng 4 bị hoãn do Rafael Nadal đánh quá lâu trước đó 1 hôm), cho anh quá ít thời gian để hồi phục.
Hình ảnh Djokovic phải nhờ sự chăm sóc của bác sĩ giữa lúc các trận đấu diễn ra đã là một hình ảnh không quá xa lạ với khán giả theo dõi anh thi đấu trong thời gian gần đây. Và có lẽ việc nghỉ thi đấu tới hết năm là điều Djokovic nên làm vào lúc này.
Djokovic trong quá khứ đã thừa nhận rằng mọi tay vợt khi ở trạng thái thể lực tốt nhất đều có thể thi đấu với phong độ cao, nhưng sự khác biệt về kết quả được quyết định bởi tâm lý thi đấu. Djokovic đã luôn là một tay vợt dùng trí để tạo ra sự khác biệt, anh có phong cách thi đấu phù hợp trên mọi mặt sân và phù hợp với mọi loại đối thủ, và anh biết điều chỉnh cách đánh của mình với từng tay vợt mình đối mặt, từng bối cảnh trận đấu.
Tuy nhiên khi ở thể trạng không được tốt, những cú đánh của Djokovic dù ý đồ hay cũng khó có độ chính xác cao khi anh ở trạng thái thể lực sung mãn. Djokovic đã từng nói “Tennis là cuộc sống của tôi, tôi cần tập trung và tôi cần chiến thắng”, và tư tưởng đó đã thôi thúc anh trở thành tay vợt vĩ đại như ngày nay. Nhưng cũng chính tư tưởng đó đang khiến anh cố vượt qua giới hạn của cơ thể, bất chấp chấn thương để thi đấu.
Năm ngoái Roger Federer cũng cố vớt vát chút thể lực còn lại để thi đấu cho tới tận bán kết Wimbledon trước khi thua Milos Raonic trong 5 set. Nhưng đầu gối của FedEx không thể chịu thêm được nữa và nối tiếp theo đó là khoảng thời gian bình phục kéo dài hết năm. Năm 2016 đánh dấu lần đầu tiên Federer rơi khỏi top 10 kể từ năm 2002, năm đầu tiên anh không đoạt danh hiệu ở bất cứ giải nào.
Federer đã có phong độ rất cao kể từ khi trở lại sau chấn thương
Nhưng thời gian nghỉ dưỡng thương đã có giá trị vàng cho huyền thoại người Thụy Sĩ. Lặng lẽ nhìn từ bên ngoài sự sa sút của Djokovic cũng như sự trỗi dậy của Andy Murray, Federer trước khi trở lại đã rèn luyện những cú trả bóng trái tay cho thêm phần lợi hại. Sự trở lại của anh cực kỳ ấn tượng với chiến thắng tại Australian Open, và Federer đã toàn thắng Rafael Nadal trong 3 lần gặp nhau ở năm nay, với những cú trái tay trở thành vũ khí mới.
Mặc dù Federer vẫn còn cách tương đối xa ngôi số 1, nhưng quãng nghỉ đã giúp anh rất nhiều và có lẽ anh quan tâm tới việc tăng thêm số danh hiệu Grand Slam hơn là đứng đầu bảng xếp hạng ATP. Djokovic cũng nên nhìn vào đó mà noi gương 5 tháng nghỉ thi đấu cũng sẽ khiến Djokovic tụt hạng nhưng điều đó giờ đâu còn quan trọng khi anh đã có thời gian rất dài đứng trên đỉnh thế giới?
Sự hồi phục hoàn toàn cơ thể lẫn sự nạp lại ý chí chiến đấu, cộng thêm rèn luyện kỹ năng mới sẽ giúp Djokovic hồi sinh giống như cách Federer đã làm đầu năm nay. Djokovic mới 30 tuổi và anh vẫn còn cơ hội để đạt tới những vinh quang mới, nghỉ hết năm 2017 sẽ là một bước lùi cần thiết để nhảy 2-3 bước về phía trước.
Murray lo sớm mất ngôi số 1 thế giới, còn Djokovic sợ phải nghỉ thi đấu dài hạn.