"Thần cước" võ Việt và những bóng hồng

Sự kiện: Khám phá võ thuật

“Thạch Danh nổi tiếng là người ngậm bùa trong miệng mỗi khi thi đấu. Lúc lên đài, tay chân Thạch Danh múa theo kiểu tâm linh rất kỳ quái, rồi còn tự đấm vào mình như để thị uy sức mạnh.

Chỉ mất chưa đầy 1 phút quan sát, tôi tung liên hoàn các cú đá như trời giáng khiến Thạch Danh phải giơ tay bỏ cuộc ngay cuối hiệp 1”, võ sư Lê Thanh Tùng kể về một trấn đấu thời trai trẻ của mình…

Võ sư Lê Thanh Tùng sinh năm 1950 tại quận Phú Nhuận, TP Hồ Chí Minh. Hiện, ông sinh sống tại thôn Phú Dương, xã Xuân Thịnh, thị xã Sông Cầu, tỉnh Phú Yên. Năm lên 6 tuổi, cha ông là võ sư Lê Đại Hoan mở một võ đường dạy võ tự do và mong muốn con trai của mình theo nghiệp võ.

Lê Thanh Tùng đá biểu diễn

Lê Thanh Tùng đá biểu diễn

Tuy nhiên, niềm đam mê của ông lúc ấy là đánh đàn, ca hát chứ không phải hàng ngày luyện võ. Vậy nên việc luyện võ với ông chỉ là để đối phó với cha. Hàng ngày, sau những giờ bị ép luyện võ, ông lại ôm đàn guitar thả hồn mình theo những điệu nhạc.

Năm 15 tuổi, sau 9 năm tập luyện nhưng nghiệp võ của ông vẫn giậm chân tại chỗ, không có gì tiến bộ. Một lần, võ sư Tám Denis (võ sư môn quyền anh, người gốc Pháp) đến thăm võ đường của ông Hoan và nghe ông này than ngắn thở dài về đứa con chỉ mê đàn, không mê võ.

Nhìn cậu thiếu niên 15 tuổi đang tập võ ngoài sân, võ sư Tám Denis bảo với ông Hoan rằng Tùng hợp với quyền anh hơn là võ tự do. Thế rồi võ sư Tám Denis “ra chiêu” thuyết phục Tùng theo mình tập luyện quyền anh.

Từ đó, mỗi ngày chàng trai đạp xe hơn 15 cây số đến sân vận động Cộng Hòa tập luyện quyền anh dưới sự chỉ dạy của võ sư Tám Denis và huấn luyện viên Thomson đến từ Hawaii, Mỹ. Hết buổi tập, Tùng lại thúc thắc đạp xe về. Sau một năm chăm chỉ luyện tập, ông bắt đầu lên đài đánh quyền anh.

Thời điểm ấy, ông lần lượt thắng tất cả các võ sĩ đồng hạng 48kg và thắng luôn võ sĩ Xuân Thanh - nhà vô địch quyền anh Quốc gia hạng 51kg. Nghe đến võ sĩ trẻ Lê Thanh Tùng ai cũng nể phục, bởi chỉ cần lên đài là ông hạ đối thủ, chứ không biết mùi thua cuộc.

Đến năm 1968, ông được Tổng Cuộc quyền thuật Việt Nam (ở miền Nam) phong tặng danh hiệu Võ sĩ trẻ triển vọng nhất.

Sau 3 năm luyện tập và đánh quyền anh, ông Tùng dần hiểu được vì sao lúc trước cha mình thôi thúc con tập võ. Nghĩ đến thời gian ương bướng với cha trước đây, ông thấy mình có lỗi nên trở về võ đường Lê Đại Hoan và chuyển sang thi đấu tự do.

Võ sư Lê Thanh Tùng (trái) tung đòn chân vào đối thủ trong một trận đài năm 1972.

Võ sư Lê Thanh Tùng (trái) tung đòn chân vào đối thủ trong một trận đài năm 1972.

Năm 1970, khi tròn 20 tuổi, ông giành chức vô địch hạng cân 51kg tại giải đấu toàn quốc do Tổng Cuộc quyền thuật Việt Nam tổ chức, sau khi đánh thắng võ sĩ Minh Cường của Võ đường Minh Sang rất nổi tiếng ở Sài Gòn thời bấy giờ.

Bắt đầu từ đây, ông Tùng tham gia đấu đài ở khắp các tỉnh miền Nam cho đến các tỉnh miền Trung - Tây Nguyên. Ông bách chiến bách thắng ở những võ đài mình đi qua. Hầu hết các trận đấu, ông đều hạ đối phương trong vòng 1 đến 2 hiệp và đều dùng đòn chân bí hiểm nên được mệnh danh là “Thần cước”.

Trong cuộc đời đấu võ của mình, có những trận đài mà có lẽ võ sư Lê Thanh Tùng chẳng bao giờ quên. Ông kể, đêm 24-12-1971, tại Pleiku, tỉnh Gia Lai, ông thượng đài đấu với võ sĩ Trần Can của Võ đường Hà Trọng Sơn ở Bình Định. Ngay ở hiệp đấu thứ 2, võ sĩ Trần Can trúng đòn nên không thể tiếp tục thi đấu.

Ngay sau đó, ông John (người Mỹ), đến gặp Ban Tổ chức để thách đấu quyền anh. Lúc đó, không võ sư nào dám nhận lời bởi tất cả đều thi đấu tự do. Lúc này, võ sư Huỳnh Tiền và Hồng Long (thuộc Tổng Cuộc quyền thuật Việt Nam) làm trọng tài và giám định ở đây nói với ông Thạnh là Trưởng ban Tổ chức, cũng là Phó tỉnh trưởng Gia Lai bây giờ rằng chỉ có Lê Thanh Tùng mới đánh được.

Sáng hôm sau, ông Thạnh lên tận phòng ông Tùng kể chuyện ông John thách đấu và nhắc đến lòng tự hào dân tộc. Ngay lập tức, ông Tùng nhận lời thách đấu và trận đấu diễn ra trong đêm hôm đó.

“Đánh đến hiệp thứ 2 thì tôi dùng tốc độ đánh tới tấp vào mặt đối thủ khiến ông John không kịp đỡ đòn, máu ở lỗ mũi chảy liên tục, rồi ngã quỵ và chấp nhận thua cuộc. Điều đáng nói là khi ông John chấp nhận thua cuộc, một toán lính Mỹ ôm súng chạy lên sàn đấu, rồi chĩa súng về phía tôi. Ngay lập tức, nhiều binh lính người Việt cũng cầm súng chạy lên bảo vệ tôi rời khỏi sàn đấu về khách sạn”, võ sư Tùng kể.

Đầu năm 1972, tại sân vận động Quy Nhơn, tỉnh Bình Định, ông Tùng đấu với võ sĩ Thạch Danh (người Việt gốc Campuchia). Trận đấu của ông với đối thủ là trận cuối của đêm thượng đài hôm đó.

Lúc chuẩn bị lên đài, võ sư Minh Cảnh là đại diện Ban Tổ chức đến hỏi ông Tùng: “Cậu có thể thắng Thạch Danh trước hiệp 2 không, nếu không thì Ban Tổ chức sẽ thông báo tạm ngưng trận đấu để chờ chạy máy phát điện”.

Nghe xong, ông Tùng khẳng định chắc nịch: “Dạ! Được!”. Thạch Danh nổi tiếng là người “ngậm bùa” trong miệng mỗi khi thi đấu. Lúc lên đài, tay chân Thạch Danh múa may theo kiểu tâm linh rất kỳ quái, rồi còn tự đấm vào mình như để thị uy sức mạnh.

Chỉ mất chưa đầy 1 phút quan sát, tôi tung liên hoàn các cú đá như trời giáng khiến Thạch Danh phải giơ tay bỏ cuộc ngay cuối hiệp 1. Sáng hôm sau, Thạch Danh gặp tôi bảo: “Mày đánh tao không đau, tao mệt nên thua thôi”. Tôi cũng đùa lại: “Mày thua thì ráng chịu”. Rồi cả hai cười khà khà...

Cũng sáng hôm đó, khi ông Tùng đang đứng trước khách sạn đối diện với sân vận động Quy Nhơn thì một chiếc xe Jeep chạy đến, trên xe có hai cô gái cùng với tài xế. Một cô xuống xe nói giọng Huế nhỏ nhẹ: “Em mời anh vào nhà em chơi”.

Lê Thanh Tùng giành chiến thắng trước võ sĩ Minh Cường năm 1970.

Lê Thanh Tùng giành chiến thắng trước võ sĩ Minh Cường năm 1970.

Hỏi ra ông Tùng mới biết đó là hai cô con gái Phó Tỉnh trưởng Bình Định Trần Đình Duyên. Người mời ông là cô chị tên Trần Thị Thanh Tú. Lần ấy, hai người kết giao bạn bè. Cô Tú còn cho tài xế chở ông Tùng ra sân bay để vào Sài Gòn. Sau này, hai người thường xuyên liên lạc và họ gặp nhau ở Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa khi gia đình cô này chuyển vào đây sinh sống.

Sau trận đấu với Thạch Danh, Võ đường Hà Trọng Sơn dán lời thách đấu với võ đường Lê Đại Hoan vào cuối năm tại Hòa Nghĩa (nay thuộc phường Cam Đức, TP Cam Ranh, tỉnh Khánh Hòa) khắp các bờ tường của sân vận động Quy Nhơn. Ngay sau đó, võ sư Lê Đại Hoan cho người gỡ tất cả các tờ giấy (gỡ giấy tức là nhận lời thách đấu).

Cuối năm đó, đại diện cho Võ đường Hà Trọng Sơn là võ sĩ Hà Trọng Nghĩa (tức võ sĩ Huỳnh Bông, vì đánh cho võ đường Hà Trọng Sơn nên phải lấy tên theo võ đường). Lúc lên cân, ông Tùng 51kg, còn ông Nghĩa 61kg. Theo luật thì ông Tùng có thể từ chối thi đấu vì đối thủ lớn hơn mình 10kg, tuy nhiên ông Tùng vẫn chấp nhận thượng đài.

Buổi sáng hôm thượng đài, khi các võ sư, võ sĩ ngồi uống cà phê với nhau thì võ sư Mười Tường là Trưởng ban Tổ chức trận đài nói với ông Tùng: “Tối nay, nếu Lê Thanh Tùng thắng Huỳnh Bông thì bác Mười cho con dẫn con gái bác về Sài Gòn, khỏi cưới”.

Câu nói này như chạm vào lòng tự ái nên ngay lập tức ông Tùng đáp lại: “Bác Mười muốn con thắng hiệp thứ mấy?”. “Lúc đó, tôi nghĩ bác Mười nghĩ tôi không thắng được ông Nghĩa nên mới thách như vậy.

Bởi ai cũng biết con gái bác Mười xinh đẹp làm bao chàng trai ngày đêm mong ước, trong đó có giới võ sĩ. Đến giờ tôi vẫn không biết câu nói đó của bác Mười là động viên hay thách thức nữa”, võ sư Tùng chia sẻ.

Trước trận thư hùng, Ban Tổ chức bỗng có thông báo kỳ lạ là võ sĩ nào thắng trước khi dứt hiệp 2 (đấu 3 hiệp) thì mới được nhận tiền thưởng; đồng thời sẽ có nữ khán giả xinh đẹp lên tặng bông hồng cho võ sĩ thắng cuộc.

“Võ sư Hà Trọng Sơn là người rất giỏi đã hướng dẫn ông Nghĩa cách phá đòn đá chân trái của tôi nên rất yên tâm. Nhiều người nghĩ ông Nghĩa có thể đánh được, bởi chỉ cần khóa được chân tôi là thắng”, võ sư Tùng cho biết.

Vì thông báo kỳ lạ của Ban Tổ chức nên ngay khi bắt đầu trận đấu, ông Tùng liền dùng tuyệt kỹ được mệnh danh là “Thần cước” của mình để giải quyết nhanh trận đấu. Đó là đứng chân trước đá chân trước (chân trái) bằng tốc độ cực nhanh. Tuy nhiên, ba lần đầu tiên dùng tuyệt kỹ đều bị ông Nghĩa bắt bài, khóa chân.

Và bằng phản xạ “không điều kiện”, ông bật chân sau lên xoay kéo chân trước ra rất nhanh. Đến lần thứ tư, ông dùng chân phải đá và khóa được chân trước của đối thủ. Sau đó, ông dùng tay đấm vào lỗ mũi khiến đối thủ quỵ xuống trước ngực. Tiếp tục ra đòn bằng tay, ông khiến đối thủ văng từ giữa đài vào dây, không đứng được. Trận đấu kết thúc khi chưa hết hiệp 1.

Ngay lúc ấy, một cô gái lên gắn vào áo choàng ông Tùng một bông hồng. Trong buổi tối hôm đó, cô gái đến phòng ông tự giới thiệu là Lê Thị Thanh là con gái ông Mười Tường, rồi hỏi: “Bông hồng em tặng anh còn giữ đó không?”.

Ông Tùng ngơ ngác vì chẳng biết bông hồng đã rơi khỏi áo choàng khi nào. Phía bên ngoài, ông Mười Tường dẫn ông Hoan tới bảo rằng chàng võ sĩ vừa thắng trận dụ dỗ con gái ông.

Ông Hoan cười bảo: “Thằng Tùng nó đàng hoàng lắm, không làm chuyện đó đâu. Mà ai bảo lúc sáng anh nói gả con gái cho nó chi”. Hai người cha phía ngoài nói cười, trong khi cô Thanh lặng lẽ ra về vì “ai đó” đã vô tình đánh rơi bông hồng cô tặng.

“Thật ra, khi thắng trận, trong đầu tôi chỉ nghĩ về cô Tú nên không để ý đến người tặng mình bông hồng. Bởi trước đó tôi đã hẹn với cô Tú là sáng hôm sau sẽ đón xe ra Nha Trang thăm cô. Sáng hôm sau, khi vừa tỉnh dậy, tôi liền đón xe ra thăm cô Tú. Từ đó đến nay, cả cô Tú và cô Thanh tôi đều không gặp lại”, võ sư Tùng chia sẻ.

Năm 1972, ông Tùng được Tổng Cuộc quyền thuật Việt Nam phong võ sư, tham gia công tác trọng tài và giám định. Sau đó, ông tham gia dạy võ ở Bình Định, Gia Lai, Khánh Hòa… Đến năm 1974, ông được Tổng Cuộc quyền thuật Việt Nam giao trọng trách làm huấn luyện viên phái đoàn võ sĩ miền Nam đi thi đấu quốc tế tại Campuchia.

Năm 1978, ông rời Việt Nam, sang định cư tại bang California, Mỹ. Từ đó, ông kêu gọi những võ sư, võ sĩ cộng đồng người Việt cùng đam mê tiếp tục giao lưu, thành lập hội võ thuật để truyền bá võ thuật Việt ở nước ngoài, góp phần vào việc bảo vệ văn hóa bản sắc dân tộc.

Năm 2010, ông Tùng trở về sống tại TP Hồ Chí Minh. Năm 2012, ông kết hôn và về quê vợ ở làng biển Phú Dương ẩn cư, vui thú điền viên và chuyên tâm vào nghiên cứu võ học. “Võ thuật nói chung có một cơ bản nhất định, am tường nó thì mới đạt được đỉnh cao.

Tôi đang có tâm nguyện viết sách về cái cơ bản của võ thuật để làm sao đi đến đỉnh cao, chứ không viết về thế võ, bài quyền nào đó. Thế võ hay bài quyền nào đó chỉ khác nhau cách chuyển động chứ không phải nguyên lí chung”, ông Tùng cho biết.

Nguồn: [Link nguồn]

Choáng: Cao thủ Trung Quốc đấu võ sĩ kém 32 tuổi, bị đánh đến bỏ chạy

(Tin thể thao, tin võ thuật) Cao thủ Trung Quốc tự tin vào kỹ năng của mình đã phải ôm hận bỏ chạy.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Phan Nhuận Phin ([Tên nguồn])
Khám phá võ thuật Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN