Sao bóng chuyền phấp phỏng nỗi lo giải nghệ

Ngôi sao bóng chuyền nữ một thời như Đặng Thị Hồng, Đinh Thị Diệu Châu... nay người bị chấn thương, người thì tất tả tìm việc, người về nhà lấy chồng nuôi con.

Diệu Châu và bến đỗ cuối sự nghiệp 

Ấn tượng đầu tiên về Đinh Thị Diệu Châu không phải là chiều cao 1m80 mà là khuôn mặt xinh xắn của cô chủ công sinh năm 1983 tại Thủ Thừa (Long An). Nhắc đến Diệu Châu người hâm mộ nhớ đến những cú đánh tay trái vô cùng lợi hại của Đội bóng chuyền nữ Việt Nam. Cùng với Bùi Thị Huệ và Phạm Thị Yến, Diệu Châu trở thành một trong ba chủ công hàng đầu của bóng chuyền nữ Việt Nam trong một thập kỷ qua. 

Tham gia làng bóng chuyền từ năm 2004, góp công đưa đội A1 Long An lên đội mạnh năm 2003, Diệu Châu được gọi vào ĐTQG khi mới 20 tuổi. Cô từng đoạt HCB SEA Games 2003 và 2005... Bên cạnh những giải thưởng về chuyên môn, Diệu Châu từng đoạt một số giải “Người đẹp bóng chuyền” ở các giải giao hữu quốc tế ở Việt Nam. 

Khi đội bóng chuyền nữ Bia Sài Gòn Thái Bình Dương có 6 người rút khỏi sàn đấu, lãnh đạo phải tuyên bố tự giải tán. Diệu Châu cùng đồng đội Ngọc Tuyết tiếp tục tìm đường đầu quân sang đội bóng chuyền Tân Bình, TP HCM. 

Khi đã qua thời kỳ đỉnh cao, sức khỏe cũng giảm sút, các VĐV bóng chuyền nữ rất khó tìm được công việc tốt. Riêng với Diệu Châu, việc đầu quân cho Tân Bình không đồng nghĩa với việc chinh phục thành tích, mà đơn giản chỉ là tìm một nơi ổn định để không quên nghề, và dành thời gian chăm sóc cho đứa con trai kháu khỉnh gần 3 tuổi. 

Sao bóng chuyền phấp phỏng nỗi lo giải nghệ - 1

Khi đã qua thời kỳ đỉnh cao, các VĐV bóng chuyền nữ rất khó tìm được công việc tốt

Chạnh lòng cuộc sống sau giải nghệ  

Còn nhớ năm 2009, trong một lần sang Thái Lan thi đấu, Diệu Châu đã bị thương nặng ở đầu gối: Mẻ sụn và bác sĩ yêu cầu phải mổ. Đứng trước hai khả năng phẫu thuật tốn kém hoặc từ giã sàn đấu, Diệu Châu đã… không mổ. Kiên trì tập luyện và điều trị bằng phương pháp vật lý trị liệu một năm trời, cuối cùng Diệu Châu đã may mắn hồi phục. Đây là quãng thời gian khó khăn nhất trong sự nghiệp của Diệu Châu. Cô bảo, với một nữ cầu thủ, chỉ có sự đam mê mãnh liệt mới trụ được với nghề nếu dính chấn thương. 

Nay ở tuổi 32, Diệu Châu biết rõ thể lực khó có thể cho phép bản thân tiếp tục thi đấu đỉnh cao. Cô nói sẽ tham gia thi đấu hai năm nữa trước khi chọn cho mình một con đường khác. “Nếu không trực tiếp tham gia trên sàn đấu, tôi vẫn mong muốn trở thành HLV để hàng ngày được chỉ bảo, truyền kinh nghiệm thi đấu và động viên tinh thần thế hệ đàn em”, cô tâm sự.  

Đồng đội của Diệu Châu - Lê Thị Ngọc Tuyết (SN1986) cũng đặt mục tiêu thi đấu đến năm 2016 rồi trở về cuộc sống đời thường và nếu có thể sẽ làm giáo viên dạy thể dục. Trong khi đó, Phạm Anh Thư và Lương Thu Phương đều đã giải nghệ, còn Đỗ Thị Xoàn đang học Đại học TDTT T.Ư 2. Mỗi người một hoàn cảnh, có người thất nghiệp ở nhà chồng nuôi, người thì đôn đáo kiếm việc làm, nhưng không còn liên quan đến bóng chuyền. 

Bao nhiêu năm thanh xuân dành hết vào thi đấu bóng chuyền, nỗ lực vươn tới đỉnh cao khi trở thành tuyển thủ Quốc gia, nhưng cuối cùng tương lai của các "chân dài bóng chuyền" phần lớn đều vô định. Thậm chí, có người chỉ ước mơ một mái ấm gia đình cũng chưa thành.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Đỗ Loan (giaothongvantai.com.vn)
Bóng chuyền Việt Nam Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN