Tháo chạy khỏi bóng chuyền

Một năm trước, hàng loạt doanh nghiệp, tập đoàn kinh tế tháo chạy khỏi bóng đá thì bây giờ đến lượt bóng chuyền lâm vào tình cảnh hết người đỡ đầu, VĐV bị đẩy ra đường.

Xuất phát từ lá đơn kêu cứu của VĐV Đinh Thị Trà Giang (CLB Vietsovpetro), dư luận và ngay cả lãnh đạo ngành thể thao mới ngã ngửa trước thảm cảnh của các VĐV bóng chuyền đang đầu quân cho đội bóng được cho là có tiềm lực tài chính mạnh. Không chỉ bị nợ lương, tương lai bất định khi đơn vị chủ quản gần 1 năm không tìm ra doanh nghiệp mới đỡ đầu cho CLB, nhiều VĐV còn đói theo đúng nghĩa đen khi phải ăn mì tôm để sống qua ngày.

Vietsovpetro không phải là đơn vị đầu tiên của ngành dầu khí nói lời giã biệt với thể thao. Trước đó, “người anh cả” của thể thao dầu khí là Công ty CP Văn hóa Thể thao Dầu khí cũng buộc phải giải tán theo quyết định của tổng giám đốc Tập đoàn Dầu khí quốc gia.

Tháo chạy khỏi bóng chuyền - 1

Minh Tâm (giữa) của Vietsovpetro trong trận gặp Bộ Tư lệnh Thông tin. Ảnh: ĐÀO TÙNG

Hệ lụy là CLB bóng chuyền nam dầu khí, CLB bóng bàn dầu khí cũng phải giải tán. Việc Tập đoàn Dầu khí quốc gia quyết định không nuôi những “đứa con” do chính họ lập ra là điều đau lòng nhưng chủ trương tái cơ cấu doanh nghiệp buộc tập đoàn phải giải tán các CLB thể thao này. Ông Trương Thới Nhiệm, Giám đốc Công ty CP Văn hóa Thể thao Dầu khí, nói: “Không còn cách nào khác khi chủ trương tái cơ cấu của Chính phủ và nghị quyết của tập đoàn đã thông qua”.

Đội bóng chuyền nữ Vietsovpetro cũng chắc chắn không thể tồn tại. Tuy nhiên, lý do dường như không đến từ chủ trương “tái cơ cấu” hay một chỉ thị cấp cao nào. Chỉ đơn giản là đơn vị chủ quản này hết mặn mà và không muốn chi một khoản ngân sách thường xuyên hằng năm để nuôi đội. Trước sự sụp đổ của các CLB thể thao ngành dầu khí, đặc biệt là đội bóng chuyền nam và nữ, Tổng cục TDTT và Liên đoàn Bóng chuyền gần như vẫn chưa có động thái gì. Ông Trần Đức Phấn, Tổng Thư ký Liên đoàn Bóng chuyền, nói: “Các doanh nghiệp đầu tư vào thể thao theo chủ trương xã hội hóa của ngành được hoan nghênh và tạo điều kiện nhưng khi họ rút lui, chúng ta chưa có một chế tài nào để ngăn cản việc đó”.

Ngành thể thao bất lực trước xu thế tháo chạy bởi khi đã chấp nhận chào đón các doanh nghiệp đầu tư vào thể thao, ngành đã phải chấp nhận rủi ro. Cũng như sự tháo chạy của các doanh nghiệp khỏi bóng đá - môn thể thao có sức quảng bá thương hiệu tốt hơn nhiều bóng bàn và bóng chuyền - cũng không ai, kể cả liên đoàn hay tổng cục, có thể cưỡng lại. 

Mang thai cũng bị thanh lý hợp đồng

Trong cuộc “bể dâu” của các CLB thể thao được lập ra theo mô hình xã hội hóa, VĐV là những người chịu thiệt nhất. Không chỉ có Đinh Thị Trà Giang kể chuyện phải ăn mì tôm cho đỡ “đói”, nữ tuyển thủ quốc gia Đặng Thị Hồng cũng bị thanh lý hợp đồng khi đang mang thai 5 tháng. Trước đó, trước khi CLB Dầu khí giải tán, nhiều VĐV nam được “trải thảm đỏ” mời về với mức lương cao và lời cam kết bố trí việc làm sau khi giải nghệ. Thế nhưng, tất cả sụp đổ chỉ sau một đêm, với một bản thanh lý hợp đồng.

Số phận của nữ VĐV CLB Vietsovpetro ban đầu được tính sẽ chuyển giao cho doanh nghiệp khác, tuy nhiên thỏa thuận giữa họ và Bia Sài Gòn - Thái Bình Dương đã bất thành. CLB phải tự lo cho tương lai. Thậm chí, họ còn nghe cả những tin buồn hơn khi có thể có thêm những CLB nữ khác chịu chung số phận giải thế trong thời gian tới...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Phạm Ngọc (nld.com.vn)
Bóng chuyền Việt Nam Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN